Gỡ "nút thắt" mặt bằng cho hai dự án giao thông trọng điểm
Dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ (QL) 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có tổng chiều dài hơn 1.500 km; đi qua 22 tỉnh, thành phố. Đây là hai dự án có quy mô lớn, tổng mức đầu tư khoảng 110 nghìn tỷ đồng, trải dài qua nhiều địa phương.
Có tới 84 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó gần 5.300 hộ cần phải bố trí vào các khu tái định cư (TĐC) tập trung; phải di dời hàng nghìn km đường điện, nước, cáp quang, viễn thông… Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, góp phần quan trọng để dự án có thể về đích sớm một năm so kế hoạch.
Nỗ lực từ Chính phủ…
Sau hơn một năm triển khai thực hiện, đã cơ bản hoàn thành khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) rất lớn, cả về quy mô lẫn khối lượng tại các dự án. Đến nay, đã có 1.505 trong số 1.510 km mặt bằng đường được bàn giao; 20 trong số 22 tỉnh đã cơ bản bàn giao 100% mặt bằng; hiện còn hai tỉnh Bình Định và Phú Yên còn một số vị trí chưa bàn giao xong do một số khó khăn, vướng mắc đặc thù. Công tác bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng cơ bản hoàn thành. Nhờ vậy công tác thi công xây lắp trên tuyến đã đạt khối lượng hơn 35%; bảo đảm mục tiêu tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2015, dự kiến sẽ vượt kế hoạch 12 tháng, trong đó đoạn từ Thanh Hóa – Vũng Áng (Hà Tĩnh) sẽ hoàn thành vào cuối tháng 12-2014.
Ngay từ lúc bắt đầu triển khai, xác định tầm quan trọng của dự án trong công tác xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan vào cuộc bằng cả hệ thống chính trị; huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, nhất là công tác GPMB.
Ngay từ tháng 7-2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp giao ban giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương để khẩn trương triển khai công tác GPMB. Sau đó, Phó Thủ tướng đã chủ trì thêm năm hội nghị giao ban trực tuyến và nhiều lần kiểm tra trực tiếp tại hiện trường để đôn đốc, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Tại các cuộc làm việc này, lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư, các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát thi công, nếu phát hiện đơn vị nào yếu kém về năng lực, tài chính, thiết bị, kỹ thuật thì kiên quyết thay thế ngay…
Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều vướng mắc chung về mặt thể chế chính sách trong công tác GPMB đã được tháo gỡ, như: Thủ tướng Chính phủ đồng ý ứng trước 5.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để triển khai GPMB nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách; đồng ý về cơ chế thực hiện chỉ định thầu di dời công trình hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các khu TĐC cũng như cơ chế hỗ trợ tạm ứng xây dựng khu TĐC từ nguồn dự phòng của dự án.
Các bộ, ngành cũng vào cuộc hết sức quyết liệt. Các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ, tham mưu cho Chính phủ trong công tác ứng trước vốn ngân sách nhà nước trước khi phát hành vốn trái phiếu Chính phủ kịp thời phục vụ GPMB; đồng thời phối hợp Bộ Giao thông vận tải (GTVT) thẩm định việc hỗ trợ tạm ứng vốn cho các địa phương gặp khó khăn trong xây dựng khu TĐC. Bộ Tài chính cho biết, đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn GPMB và TĐC cho dự án này đạt 95%. Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư, nhất là đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA. Khi có khối lượng nghiệm thu để thanh toán, chủ đầu tư cần khẩn trương làm thủ tục hồ sơ thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước. Bộ Tài chính cũng đã đề nghị Bộ GTVT sớm xem xét bỏ quy định yêu cầu các nhà thầu phải ký quỹ 10% nhằm tháo gỡ về vốn cho các nhà thầu.
Là cơ quan trực tiếp được Chính phủ giao quản lý, quyết định đầu tư các dự án, Bộ GTVT đã chủ trì triển khai, giám sát chặt chẽ việc thực hiện, đôn đốc tiến độ GPMB và tiến độ dự án toàn tuyến. Lãnh đạo Bộ phụ trách dự án thường xuyên họp giao ban với các địa phương, giải quyết kịp thời các vướng mắc, phối hợp tháo gỡ khó khăn. Bộ GTVT xác định công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) là yêu cầu hết sức quan trọng, do đó, Bộ đã thường xuyên chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu tuân thủ các quy định về bảo đảm ATGT và vệ sinh môi trường, nhất là phải thường xuyên bảo đảm thông suốt hai làn xe, không được thi công đồng thời cả hai bên tuyến; bảo đảm đầy đủ hệ thống báo hiệu đường bộ, bố trí người hướng dẫn, phân luồng giao thông; phối hợp Sở Công an, GTVT địa phương xây dựng phương án phối hợp, bảo đảm trật tự ATGT, giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Thứ trưởng GTVT Trương Tấn Viên khẳng định, quá trình thực hiện dự án, Bộ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ, thậm chí đã kiên quyết loại bỏ những nhà thầu chây ỳ, kém năng lực. Ngành giao thông quyết tâm hoàn thành dự án vào cuối năm 2015, vượt tiến độ một năm. Hiện nguồn vốn cho dự án đã được bảo đảm đủ, khâu GPMB đã thông, cho nên, Bộ quyết tâm không điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án.
… Tới chính quyền địa phương các cấp Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác GPMB, TĐC và bảo đảm ATGT phục vụ triển khai các Dự án cải tạo, mở rộng quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Qua công tác GPMB, chúng ta chân thành ghi nhận lòng yêu nước của nhân dân, nhất là những người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án. Người dân đã nhường diện tích nhà cửa, đất đai mình đã sinh sống, gắn bó nhiều năm cho dự án. Nhiều hộ dân chưa nhận tiền bồi thường đã bàn giao mặt bằng.
Rất đáng mừng là trên khắp 22 tỉnh, thành phố có tuyến quốc lộ 1 đi qua, trong hàng nghìn hộ phải di dời, có rất ít hộ phải thực hiện cưỡng chế hành chính.
Bình Thuận là một trong những địa phương làm tốt công tác GPMB của dự án. Quá trình triển khai, tỉnh có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo như 63 trong số 80 hộ dân ở huyện Hàm Tân tự nguyện hiến đất phục vụ thi công quốc lộ 1A; phong trào vận động người dân tự nguyện tháo dỡ nhà cửa và vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng ở huyện Hàm Thuận Nam; vận động dân giao mặt bằng trước, nhận tiền đền bù sau… Với tinh thần hết sức khẩn trương, quyết liệt, chỉ từ tháng 9-2013 đến tháng 3-2014, mặc dù khối lượng công việc lớn, nhưng Bình Thuận đã bàn giao 169,38 km, tương ứng 342,28 ha đất phải thu hồi, đạt 100% kế hoạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền cho biết, xác định dự án này là công trình trọng điểm quốc gia, trong đó GPMB, TĐC phải đi trước một bước, Nghệ An đã huy động nhiều lực lượng tuyên truyền, vận động để nhân dân nắm bắt, hiểu được nội dung công việc cần làm; đồng thời, tổ chức nhiều hình thức vận động, trao đổi, đối thoại công khai, minh bạch với người dân. Tỉnh tổ chức hướng dẫn nhân dân làm hồ sơ; trả lời thấu đáo những vướng mắc về thủ tục đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ, TĐC. Nghệ An có phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể, đồng thời phối hợp thật chặt chẽ với các bộ, ngành T.Ư, vướng mắc tới đâu, phối hợp xử lý ngay tới đó.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và chính quyền địa phương, trong khoảng thời gian ngắn, khối lượng công tác GPMB lớn đã được giải quyết trong điều kiện rất khó khăn, phức tạp. Đó là nhờ nỗ lực to lớn, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương, kết quả GPMB nhanh nhất từ trước tới nay so với các dự án giao thông đã từng thực hiện.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lúc đầu triển khai dự án, nhiều địa phương còn lúng túng; thực hiện GPMB, TĐC còn chậm trễ… Có nhiều bài học được rút ra, đó là, GPMB có đặc thù rất khó khăn, phức tạp, đặc biệt nhạy cảm do ảnh hưởng trực tiếp đời sống và quyền lợi của người dân. Vì vậy, phải có sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và sự vào cuộc tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương. Trong quá trình thực hiện, khó khăn, vướng mắc đến đâu, tháo gỡ ngay đến đó, kịp thời, rốt ráo, không để nảy sinh thêm. Mọi thắc mắc của dân phải được giải đáp một cách kịp thời, tường tận để dân hiểu, chia sẻ.
Chính nhờ làm tốt những việc trên, cho nên thực hiện hai dự án lớn như vậy, có nhiều hộ dân chịu ảnh hưởng, trên địa bàn rộng lớn như vậy, nhưng lại có rất ít đơn thư khiếu kiện.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Văn Tí cho biết, khi đã xác định nhiệm vụ trọng tâm, phải huy động và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách thật sự đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đồng bộ tất cả các khâu, các bước với những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, phát huy đúng mức vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đi sâu, đi sát từng địa bàn, từng hộ dân, lắng nghe và giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của dân. Huyện Bắc Bình, địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất của Bình Thuận với 3.235/7.681 hộ, chiếm tỷ lệ hơn 42% số hộ bị ảnh hưởng, trong đó có 405/628 hộ, chiếm 64,5% số hộ phải TĐC trong toàn tỉnh. Bí thư Huyện ủy Bắc Bình Đinh Lưu Vân cho biết, mọi công việc chưa phải cấp bách được địa phương tạm xếp lại, dồn sức cho GPMB. Tranh thủ thời gian, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện phân công trực tiếp cùng với chính quyền địa phương đến từng hộ gia đình để thuyết phục, vận động, xuống địa bàn đôn đốc và theo dõi tiến độ.
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bày tỏ ấn tượng với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, quyết liệt, phân công trách nhiệm cụ thể của nhiều cấp, nhiều ngành. Bộ trưởng cho rằng, địa phương nào vào cuộc quyết liệt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh “xắn tay” vào cuộc thì nơi ấy có kết quả tốt. Khối lượng công việc lớn, tính chất công việc khó khăn là một áp lực lớn, nhưng chính từ áp lực ấy đã tạo thành động lực cho các bộ, ngành, địa phương hoàn thành công việc được giao.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, vốn cho GPMB cần được ưu tiên hàng đầu, khi người dân đồng ý nhận tiền đền bù là phải có đủ kinh phí trả ngay. Cần thực hiện linh hoạt nhiều hình thức TĐC, chủ động bố trí kinh phí xây dựng các khu TĐC phù hợp; chú trọng ngay từ đầu việc bố trí người dân vào khu TĐC tập trung vì đây là khâu then chốt ảnh hưởng lớn tiến độ GPMB. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để nhân dân nhận thức rõ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, từ đó nhận được sự đồng thuận, ủng hộ. Đối với địa phương, cần quán triệt ý nghĩa quan trọng của việc đầu tư xây dựng dự án đối với kinh tế-xã hội và dân sinh, từ đó yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Phải có sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt, dứt khoát, áp dụng các biện pháp hành chính kịp thời, đi đôi với nắm bắt, tìm hiểu khó khăn, trực tiếp kiểm tra, giám sát cũng như đối thoại với người dân thì mới có thể tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ GPMB.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()