Gỡ "nút thắt" giải ngân vốn đầu tư
Trước tình trạng dồn vốn đầu tư nhà nước (VÐTNN) vào những tháng cuối năm, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tình trạng này có thể ảnh hưởng đến hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Không chỉ vậy, bản thân hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng đang phải gánh chịu rủi ro, bởi nguyên nhân chính của tình trạng này lại phụ thuộc tiến độ thi công, hoàn thành khối lượng thanh toán của các nhà thầu, các chủ đầu tư dự án.
Tỏ rõ thái độ sốt ruột trước tiến độ thi công Dự án Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Cà Mau, Giám đốc KBNN tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Thắng cho biết, tuy không có hồ sơ giải ngân nào bị tồn đọng tại KBNN nhưng với tỷ lệ giải ngân chỉ hơn 50% như hiện nay, thì Cà Mau còn hơn 200 tỷ đồng buộc phải lưu trú lại trong kho bạc. Là đơn vị cuối cùng trong chuỗi thực hiện dự án, KBNN không thể thanh toán khi các chủ đầu tư không có đủ hồ sơ thanh toán, và cũng không có chức năng làm việc với DN thi công. “Chúng tôi biết họ cũng gặp nhiều vướng mắc, như giải phóng mặt bằng, thiết kế và dự toán chậm dẫn đến lúng túng trong giải ngân, thủ tục hành chính (TTHC) trong xây dựng dự án, đấu thầu kéo dài… nhưng nguyên tắc không cho phép chúng tôi giải ngân khi không đủ hồ sơ. Ðiều mà những người giữ tiền chúng tôi sốt ruột chính là tiến độ giải ngân (TÐGN) chậm, nhưng nhu cầu về vốn các dự án vẫn rất cần. Và chính điều này đã khiến cho vốn không thể được “bơm” cho nền kinh tế” – Giám đốc Nguyễn Minh Thắng nói.
Ðồng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thuận Lộc (Quảng Trị) Nguyễn Ánh Dương cho biết: Với các công trình do DN thi công, sau khi hoàn thành từng giai đoạn thi công, hoàn thành hồ sơ chuyển đến nhà đầu tư thẩm định, sau đó nhà đầu tư chuyển qua KBNN kiểm tra. Nếu không có sai sót, KBNN sẽ chuyển tiền về tài khoản của DN theo đúng thời gian quy định. Do đó, việc giải ngân nhanh hay chậm phụ thuộc vào chất lượng và tiến độ công trình, tiến độ hoàn thành thủ tục hồ sơ thanh toán. Hiện nay, thủ tục giải ngân (thanh toán vốn) đã khá thông thoáng. KBNN thanh toán theo nguyên tắc “thanh toán trước, kiểm soát sau” nên khi chủ đầu tư gửi đủ hồ sơ thì KBNN đã phải thanh toán đủ số tiền… Vì vậy, TÐGN chậm không phải lỗi tại KBNN, mà cơ bản là lỗi của nhà thầu, của chủ đầu tư.
Tháo gỡ thủ tục thanh toán phức tạp
Theo Giám đốc KBNN thành phố Hồ Chí Minh Vũ Hoài Nam, nguyên nhân chính khiến TÐGN vốn không nhanh là do một số dự án thực hiện khá chậm. Thủ tục đầu tư hiện hành khá phức tạp từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện dự án, phải qua nhiều cấp, nhiều ngành (như cấp chủ quản, cơ quan quy hoạch kiến trúc, đo đạc, cơ quan chuyên ngành xây dựng, chính quyền địa phương)… Bên cạnh đó, thủ tục đầu tư XDCB cũng thiếu ổn định, thường xuyên thay đổi cho nên có tình trạng, một dự án phải kéo dài do điều chỉnh hồ sơ nhiều lần để thanh toán với KBNN cho đúng quy định. “Ðó là chưa kể tâm lý và tình trạng “đầu năm không vội” của nhà thầu và của chủ đầu tư” – Giám đốc Vũ Hoài Nam nhận xét.
Vừa qua, sau khi tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân TÐGN dự án quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn miền trung – Tây Nguyên đạt thấp, cơ quan chức năng nhận thấy, ngoài một số vướng mắc từ giải phóng mặt bằng, không bố trí, bù đắp được nguồn vốn cần thiết tái định cư… thì đối với công tác thi công xây lắp, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã yêu cầu các nhà thầu khi ký hợp đồng phải thực hiện ký quỹ 10% giá trị hợp đồng. Khi kế hoạch vốn TPCP năm 2014 của các dự án đã được giao, nhưng các nhà thầu vẫn chưa được giải tỏa khoản ký quỹ. Bên cạnh đó, nhiều gói thầu còn chưa phê duyệt dự toán do phải chờ thẩm định của Bộ Xây dựng. Tại thời điểm kiểm tra, các chủ đầu tư chưa tạm ứng hợp đồng, gây khó khăn cho các nhà thầu và ảnh hưởng việc thực hiện các dự án.
Ðể tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ GTVT xem xét bãi bỏ việc ký quỹ, đồng thời, tìm giải pháp tạo cơ chế chuyển tiền trực tiếp cho nhà thầu thi công (không chuyển vòng vốn về nhà thầu chính khiến nguồn vốn đến công trình bị chậm trễ), nhằm bố trí vốn kịp thời đến chân công trình. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét việc thuê kiểm toán độc lập ngay trong quá trình triển khai thực hiện các dự án để bảo đảm công tác quyết toán dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, đối với các dự án VÐTNN nói chung, Bộ Tài chính đã nỗ lực tháo gỡ những vướng mắc phát sinh từ thực tế…
Từ thực tế trên, trao đổi ý kiến về nguyên nhân cơ bản khiến TÐGN chậm, hầu hết các cơ quan KBNN, các chủ đầu tư, nhà thầu đều cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng chậm đã gây rất nhiều khó khăn cho các dự án. Nhiều dự án lâm vào tình trạng, sau khi tạm ứng quá sáu tháng nhưng vẫn chưa thể có khối lượng thanh toán để trả nợ tạm ứng vì vướng công tác giải phóng mặt bằng. “Một số nhà thầu không còn nguồn vay vốn, cho nên phần tạm ứng theo hợp đồng tại KBNN không được nhà thầu tập trung cho dự án mà lại chia sẻ cho các dự án khác, ảnh hưởng tiến độ thực hiện” – Trưởng Ban Quản lý Dự án các công trình giao thông tỉnh Hậu Giang Lê Thanh Việt cho biết.
Ngoài ra, việc chuyển giao, phân khai một số chương trình thuộc vốn T.Ư hỗ trợ, vốn vay tín dụng ưu đãi còn chậm; thủ tục đầu tư còn phức tạp, điều chỉnh dự án nhiều lần, tình trạng nợ đọng tạm ứng tăng; chậm xử lý công trình dự án hoàn thành nhưng dây dưa quyết toán… là những nguyên nhân cơ bản được các KBNN địa phương kiến nghị có giải pháp xử lý. Tuy các nguyên nhân nêu trên đều đúng nhưng chưa đủ. Ðể giải quyết vấn đề tồn ngân vốn đầu tư nhà nước, đưa nhanh đồng vốn vào thực tế sản xuất, kinh doanh, còn phải có nhiều cải cách mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, trong đó cần cải cách quy định, bộ máy quản lý các dự án đầu tư.
Tăng cường năng lực nhà thầu, chủ đầu tư
Thực tế công tác giải ngân nguồn VÐTNN tại nhiều địa phương trong cả nước vừa qua cho thấy, trong đề xuất, kiến nghị từ đơn vị thi công, quản lý dự án, đơn vị thanh toán đều chú trọng công tác cải cách thủ tục đầu tư, thủ tục thanh toán. Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Phúc Lộc Nguyễn Ánh Dương cho rằng, để đơn vị thi công có vốn nhanh, công trình đó phải được bố trí vốn đầy đủ, không bố trí vốn dàn trải qua nhiều năm. Ðồng quan điểm này, Phó Giám đốc KBNN tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Kim Lưỡng cho rằng, không riêng năm 2014 mà các năm trước, việc giải ngân thấp, dồn áp lực vào những tháng cuối năm có nguyên nhân đầu năm thiếu vốn phân bổ, phân bổ chậm. Theo quy định, các bộ, ngành T.Ư phải trả lời việc thẩm định nguồn vốn từng dự án trong vòng 10 ngày, nhưng thực tế có khi mất cả tháng. Ngoài ra, việc phân bổ ngân sách T.Ư chậm, lại giao vốn thành nhiều đợt. Có nguồn vốn đến giữa hoặc cuối năm mới giao kế hoạch cho nên việc giải ngân hết vốn hầu như không thể thực hiện. Thậm chí có trường hợp phân bổ vốn thấp hơn làm mất cân đối kế hoạch; việc bố trí vốn của T.Ư cho các dự án cấp bách, trọng điểm còn quá thấp… Tất cả điều này đã dẫn đến khó khăn về vốn, ảnh hưởng tiến độ thi công. Các địa phương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm hướng dẫn các nội dung liên quan Luật Ðấu thầu số 43/2013/QH13 và Nghị định số 63/2014/NÐ-CP của Chính phủ để các bộ, ngành, địa phương có căn cứ thống nhất thực hiện.
Trong hoạt động đầu tư vốn nhà nước, việc giải ngân vốn rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, liên quan nhiều cấp quản lý. Trong công tác quản lý vốn đầu tư XDCB hiện nay, việc quản lý nhà thầu, chủ đầu tư là một giải pháp cơ bản, có ý nghĩa quyết định để giải quyết tình trạng chậm hoàn thành các thủ tục thanh toán, chưa ký được các biên bản nghiệm thu. Phó Vụ trưởng Vụ Ðầu tư (Bộ Tài chính) Trịnh Nam Tuấn cho biết, để khắc phục tình trạng này, một mặt, Bộ Tài chính đã công khai TÐGN; mặt khác, làm việc cụ thể với các bộ, ngành, địa phương giải ngân trì trệ để tìm ra nguyên nhân khắc phục. “Chúng tôi đã thực hiện tập huấn cho đơn vị, đồng thời kiểm tra tính lan tỏa trong quá trình thực hiện, quản lý. Hiện nay, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục cắt giảm TTHC sao cho ngắn gọn, dễ thực hiện nhất mà vẫn bảo đảm nguyên tắc đầu tư an toàn” – Phó Vụ trưởng Lê Nam Tuấn cho biết thêm.
Trong thời điểm kinh tế còn rất khó khăn, DN “khát” vốn, nhất là các DN hoạt động trong lĩnh vực XDCB vì tình trạng nợ đọng, vì công trình không có vốn phải dừng, đình, hoãn, việc đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn ngân sách không chỉ bảo đảm thực hiện kế hoạch năm, mà đây cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng nhất để tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, cơ quan KBNN các cấp đều tích cực tìm các giải pháp phối hợp chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục đề nghị thanh toán khối lượng hoàn thành, thu hồi tạm ứng, đôn đốc nhà thầu thi công, chủ động trong việc thanh quyết toán các công trình và lập hồ sơ thanh toán kịp thời và giải ngân sớm theo kế hoạch vốn đã giao.
Ðể TÐGN đạt hiệu quả, bên cạnh sự tháo gỡ TTHC, việc quyết liệt điều chuyển vốn cũng rất quan trọng. Nhất là việc phải áp dụng chế tài cho các chủ đầu tư, dự án dây dưa nợ tạm ứng; công tác tạm ứng, hoàn ứng chưa đúng quy trình hay yếu kém…, cũng cần có chế tài cụ thể, đủ mạnh, đủ sức răn đe. Rõ ràng, giải ngân VÐTNN theo hướng không để dồn thanh toán vào những tháng cuối năm, không được kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2015 là quy định pháp lý cần phải tuân thủ nghiêm túc. Có như vậy mới đạt được mục tiêu vừa thúc đẩy được sự vận động hợp lý của dòng vốn trong đời sống kinh tế – xã hội, vừa bảo đảm an toàn tài chính khi huy động và sử dụng nguồn VÐTNN, dù đó là nguồn vay trong nước hay ngoài nước.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()