Gỡ ''nút thắt'' cho chính sách thị thực ở Việt Nam cách nào?
Dù năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam đang được đánh giá vượt trội hơn các nước trong khu vực, đặc biệt chỉ số thị thực bứt phá ngoạn mục. Song thực tế vẫn còn nhiều “nút thắt” chưa được tháo gỡ.
Trong Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2019 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố, năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam thăng hạng đáng kể, từ 67/136 lên hạng 63/140 so với năm 2017, vượt trội so với các nước trong khu vực.
Đặc biệt, chỉ số quan trọng là thị thực có màn bứt phá ngoạn mục tăng 63 bậc, từ 116 lên 53. Kết quả này cho thấy 2 năm qua chính sách về thị thực của Việt Nam được cải thiện nhiều, giúp ngành du lịch phần nào tháo gỡ được khó khăn, điển hình như áp dụng thị thực điện tử từ 40 lên 80 quốc gia; gia hạn miễn visa cho 5 nước Tây Âu thêm 3 năm…
Thế nhưng, dù được chấm điểm tốt như vậy nhưng câu chuyện về thị thực vẫn khiến những người làm trong ngành du lịch “đau đầu.” Tại sao vậy?
Những “nút thắt” của thị thực Việt
Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ Công an đang đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi tắt là Luật Xuất nhập cảnh). Liên quan đến vấn đề thị thực, Hội đồng tư vấn du lịch đề xuất cần thay đổi 4 hạn chế chính. Những khuyến nghị đã được đơn vị này tập hợp gửi lên Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch, trước tiên cần cải thiện thị thực điện tử (e-visa). Hiện du khách lúng túng vì có tới 2 trang web chính thức (https://immigration.gov.vn và https://xuatnhapcanh.gov.vn).
Do đó, việc xác định rõ một trang web chính thức cho visa điện tử và nên ưu tiên tên miền bằng tiếng Anh, trong đó có phần chuyển đổi ngôn ngữ tiếng Việt, do cơ quan Xuất nhập cảnh Bộ Công an quản lý là cần thiết với nhu cầu khách quốc tế.
Đại diện Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng, việc nâng thời hạn miễn thị thực lên 30 ngày là cách để khách du lịch đường dài có cơ hội tiếp cận Việt Nam dễ dàng hơn. Theo đó, Khoản d, Mục 1, Điều 31 có thể được chỉnh sửa thành: “Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì được cấp tạm trú tối đa 30 ngày.” Như vậy Chính phủ có thể quyết định tùy theo từng nước để áp dụng miễn thị thực 15 ngày hay 30 ngày, “biên độ” nới rộng hơn so với quy định chỉ được tối đa 15 ngày đang áp dụng.
Theo ông Chính, cơ quan chức năng lo ngại khách quốc tế trốn ở lại Việt Nam làm việc hoặc vì mục đích khác. Nhưng kể cả khi miễn thị thực phía Việt Nam vẫn có quyền từ chối nhập cảnh với công dân bất kỳ nước nào nếu thấy có nguy cơ.
Ví dụ như ở Đức, một cá nhân đã bị đưa vào “black list” (danh sách đen), vi phạm luật xuất nhập cảnh sẽ rất khó có cơ hội xin visa vào nước này hoặc bất cứ nước nào trong khối Schengen hay liên minh châu Âu.
Hội đồng tư vấn du lịch cũng đề xuất bỏ quy định: “Người nước ngoài nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực thì phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày.” Bỏ điều này giúp khách quốc tế đến và xuất cảnh Việt Nam có thể thực hiện tiếp chuyến đi tới một nước láng giềng khác trong hành trình du lịch liên quốc gia của mình.
Cuối cùng, thông tin và truyền thông cần rõ ràng, minh bạch, đầy đủ; các khái niệm, định nghĩa cần thống nhất để các cơ quan như đại sứ quán, cửa khẩu, cơ quan xuất nhập cảnh giải thích với khách.
Liên quan đến vấn đề miễn visa đơn phương, theo Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 29/12/2014 của Chính phủ thời hạn áp dụng miễn thị thực cho các nước Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 31/12/2019. Đặc biệt, năm 2018 tổng số khách du lịch đến từ Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chiếm khoảng 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Thời hạn hết hiệu lực miễn thị thực cho các nước trên đã sắp đến, “chúng tôi có nhận được thông tin Chính phủ sẽ cân nhắc không gia hạn nữa. Điều này quả thực rất nguy hiểm vì chỉ riêng với thị trường Hàn Quốc đứng thứ 2 trong số các nước thị trường có khách nhiều nhất đến Việt Nam (22%), chỉ sau Trung Quốc (32%), Nhật Bản thứ ba, Nga đứng thứ 5-6… Nếu không tiếp tục được miễn thị thực e rằng lượng khách sẽ giảm đáng kể. Chỉ cần giảm 10-20% số khách (khoảng 1 triệu khách) thì để thu hút được 1 triệu khách này là khó khăn vô cùng,” ông Chính cho hay.
Hiện có một số quốc gia như Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Bỉ đang được các chuyên gia trong ngành du lịch đề xuất đưa vào danh sách các nước được miễn thị thực theo chương trình miễn thị thực của Việt Nam. Bởi người dân những quốc gia này không chỉ có khả năng chi trả cao mà họ đều là “khách du lịch bền vững,” thân thiện với môi trường và có ý thức bảo vệ môi trường cao .
Cách nhìn khác về visa
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet kể lại kỷ niệm: “Trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức tháng Năm vừa qua, tôi chứng kiến một ‘cuộc đấu’ giữa ngành du lịch và Công an Xuất nhập cảnh. Ngành Du lịch nói, visa là một điểm nghẽn thu hút khách du lịch vào Việt Nam. Bên Xuất nhập cảnh lại rất cương quyết cho rằng có rất nhiều cách khác để thu hút khách du lịch, không nhất thiết miễn vsa mới thu hút được khách, lại còn mất tiền phí visa.”
Có doanh nghiệp ví visa như tiền vé vào chợ, nếu cứ đặt nặng việc thu tiền vé vào chợ mà không để ý quy hoạch chợ cho hấp dẫn nhằm thu hút khách vào để “bán hàng” thì người bán hàng trong chợ, chính là các công ty du lịch và các ngành nghề khác, sẽ vắng khách…
Du lịch có tính lan tỏa, khách đến sẽ đi mua sắm và sử dụng nhiều dịch vụ khác. Nhiều nước trong khu vực đã tận dụng tâm lý này để làm du lịch và thành công.
“Cách đây 3-4 năm, ‘đối thủ’ của chúng ta là Indonesia có lượng khách tương tự Việt Nam chỉ với hơn 10 triệu khách quốc tế và họ đã coi tháo gỡ visa là con đường để thu hút khách du lịch. Lập tức trong ba năm sau họ đã miễn visa cho hơn 170 nước và kết quả là du lịch tăng trưởng 60%, 70%/năm,” ông Đạt cho hay.
Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, việc du khách quốc tế có thể lấy visa tại cửa khẩu của Việt Nam nhìn có vẻ thuận lợi nhưng thực tế, chưa đảm bảo được tính chắc chắn.
“Khi tới điểm đến, khách du lịch thường đi bằng nhiều hãng hàng không khác nhau. Nếu khách bay thẳng đến Việt Nam, họ có thể lấy visa ở cửa khẩu, nhưng trong trường hợp họ phải đi qua một số nước khác hoặc đi nối chuyến thì lập tức sẽ cân nhắc việc có đến Việt Nam hay không, do rất nhiều hãng hàng không quy định khi khách xuất trình visa mới được lên máy bay,” ông Thắng chia sẻ.
Vì thế, ông Thắng cho rằng, nên để khách lấy visa tại cơ quan đại diện ở nước ngoài. Vì khách quốc tế đến Việt Nam có thể còn đi nhiều nước hoặc có nhiều công việc khác nên thời gian làm visa rất quan trọng với họ.
Nói về chính sách lấy thị thực tại cửa khẩu, ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết: “Chính sách lấy thị thực tại cửa khẩu của Việt Nam bản chất khác với chính sách thị thực tại cửa khẩu của các nước khác. Khách phải gửi hồ sơ trước rồi mới được lấy thị thực tại cửa khẩu, còn ở các nước khác khách có thể làm trực tiếp visa tại cửa khẩu. Vấn đề này, chúng tôi cũng đang tiếp tục cùng các Bộ, ngành tháo gỡ, và đây là vấn đề cũng được Chính phủ rất quan tâm.”
Như vậy, chính sách miễn thị thực đơn phương với một số quốc gia triển khai vài năm qua đã góp phần giúp năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam thăng hạng đáng kể. Nhưng có “ở trong chăn” mới thấy chính sách vẫn còn nhiều “nút thắt” cần sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ và các cấp ban ngành liên quan cùng nỗ lực tháo gỡ, để Việt Nam trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn và “đáng tiền” với khách du lịch quốc tế.
Trong 24 nước được Việt Nam đơn phương miễn visa 3 năm (đến 30/6/2020) có 5 nước Tây Âu (Anh, Đức, Italy, Pháp, Tây Ban Nha); miễn visa đến 31/12/2019 cho 4 nước Bắc Âu (Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Điển), 2 nước Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) và Nga. Đây đều là những thị trường lớn của du lịch Việt Nam: Hàn Quốc chiếm 22%, châu Âu chiếm trên 6%, Nhật Bản chiếm 5,4%, Nga chiếm 3,9% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Nhờ chính sách miễn thị thực đơn phương, các thị trường khách này đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Giai đoạn 2004-2018, lượng khách Nhật Bản tăng trung bình 8%/năm, Hàn Quốc tăng 20%/năm. Giai đoạn từ 2005-2018, lượng khách từ các nước Tây Âu tăng 9%/năm. Từ tháng 7/2015-2018, lượng khách từ các nước Bắc Âu tăng trung bình 15%/năm. |
Ý kiến ()