Gỡ nút thắt cho bảo hiểm tín dụng xuất khẩu
Phân xưởng sản xuất màn tuyn xuất khẩu của Công ty cổ phần dệt 10-10. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) của Việt Nam gặp không ít những rủi ro trong quan hệ làm ăn với đối tác nước ngoài, trong đó nổi bật nhất vẫn là rủi ro trong thanh toán tài chính.Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) là một trong những công cụ được Nhà nước trang bị cho DNXK nhằm thoát khỏi rủi ro này. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, rất ít DNXK của Việt Nam "mặn mà" với loại hình bảo hiểm này.Lo ngại phí chồng phíĐó là câu trả lời của hầu hết DNXK khi được chúng tôi phỏng vấn bên lề hai hội nghị triển khai Đề án triển khai thí điểm BHTDXK do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa qua. Đại diện một DNXK cho biết, rủi ro là vấn đề luôn được DN tính đến, nhưng mức phí và sự cần thiết tham gia loại hình bảo hiểm này hay không cũng là vấn đề cần xem xét. "Thực tế là...
Phân xưởng sản xuất màn tuyn xuất khẩu của Công ty cổ phần dệt 10-10. |
Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (BHTDXK) là một trong những công cụ được Nhà nước trang bị cho DNXK nhằm thoát khỏi rủi ro này. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, rất ít DNXK của Việt Nam “mặn mà” với loại hình bảo hiểm này.
Lo ngại phí chồng phí
Đó là câu trả lời của hầu hết DNXK khi được chúng tôi phỏng vấn bên lề hai hội nghị triển khai Đề án triển khai thí điểm BHTDXK do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa qua. Đại diện một DNXK cho biết, rủi ro là vấn đề luôn được DN tính đến, nhưng mức phí và sự cần thiết tham gia loại hình bảo hiểm này hay không cũng là vấn đề cần xem xét. “Thực tế là cho dù Nhà nước đã hỗ trợ 20% phí bảo hiểm nhưng với 80% số phí còn lại, trong điều kiện thiếu vốn ngặt nghèo như hiện nay của DN chúng tôi thì đó là số tiền không hề nhỏ. Trong khi đó, chúng tôi đã phải đi vay vốn ngân hàng để hoạt động, lãi vay rất cao, cùng nhiều chi phí tài chính khác nữa, nay lại đóng thêm phí BHTDXK thì e là phí chồng phí, DN không chịu nổi. Thêm vào đó, chúng tôi vẫn có những lựa chọn khác, có tính truyền thống như mở L/C thanh toán qua ngân hàng, ứng trước tiền hàng…” – đại diện DN này cho biết. Hiện tại, DN này vẫn đang trong quá trình tham khảo, chưa quyết định tham gia BHTDXK hay không.
Một nghịch lý trong hoạt động của DNXK Việt Nam hiện nay là trong khi hầu hết các DNXK quốc tế đều đã nói không với hình thức bán hàng trả chậm (bởi rủi ro rất lớn do người bán không thể nắm bắt rõ thông tin về người mua ở quốc gia khác, từ đó có thể không thu hồi được tiền hay hàng hóa xuất khẩu) thì phần lớn DNXK Việt Nam vẫn ưa chuộng hình thức này, đặc biệt là các DNXK có quan hệ lâu năm với nhiều bạn hàng lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do việc coi trọng chữ tín trong làm ăn theo cách thức truyền thống đã ăn sâu vào nhận thức của DNXK Việt Nam. Tuy nhiên, nếu để niềm tin chi phối trong hoạt động xuất khẩu sẽ dẫn tới sự bấp bênh, rủi ro lớn về mặt tài sản, bởi khi đối tác nước ngoài không thanh toán được hoặc phá sản thì DNXK sẽ hứng chịu hậu quả nặng nề.
“Thực tế là chỉ có một số DN đã từng gặp rủi ro, bị thiệt hại lớn, hoặc sản phẩm có độ rủi ro cao mới tự giác tìm tới BHTDXK, nhưng cũng chỉ lựa chọn mua bảo hiểm ở mức thấp nhất tiết giảm chi phí” – Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh Lê Văn Thành nhận xét. Điều đáng buồn là hầu hết các DNXK Việt Nam hiện vẫn chưa tham gia BHTDXK. Nguyên nhân về mức phí không phải là nguyên nhân cơ bản. Mặc dù là một trong những bảo đảm an toàn về tài chính, nhưng hợp đồng BHTDXK chưa được xem là điều kiện bắt buộc để cấp tín dụng. Điều DN cần nhất bây giờ là gỡ vướng cơ chế về tín dụng, thông về cơ chế thì sẽ thoáng trong thực hiện” – Tổng Giám đốc Lê Văn Thành nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, nhiều DNXK cho rằng, sự bảo trợ của ngân hàng là yếu tố bảo đảm an toàn nên không cần phải mua BHTDXK. Nhưng thực tế, khi ngân hàng quốc tế bị phá sản, khả năng mất tiền, mất hàng là hệ lụy mà DNXK phải gánh chịu. Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) Phạm Đình Trọng cho biết: “Chúng tôi không thể ép các DNBH phải bán loại hình BH này vì đây là loại hình BH tự nguyện, DNBH cũng như DNXK thấy có lợi thì làm, cơ quan quản lý nhà nước không thể ép DN được. Nhiệm vụ của Nhà nước là vừa phân tích, vận động cho DN hiểu và tham gia, vừa hỗ trợ cho cả DNXK và DNBH triển khai thực hiện khi mà nhu cầu bảo hiểm là có thực”.
Nút thắt nằm ở cơ chế tín dụng
Có thể thấy, việc triển khai loại hình BH quan trọng này còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Trước hết, đó là gỡ nút thắt về tín dụng bằng hợp đồng BHTDXK. “Hầu hết các DNXK và DNBH đều cho rằng, để DNXK nhiệt tình tham gia BHTDXK thì sự hỗ trợ và phối hợp đồng bộ của hệ thống ngân hàng là rất quan trọng. Bởi hiện nay, trong tình trạng các DN đang gặp khó khăn về nguồn tài chính thì việc chấp nhận hợp đồng BHTDXK như một khoản bảo đảm tiền vay, được cấp tín dụng tương đương với giá trị được BH theo hợp đồng… không chỉ cứu DNXK mà còn là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy DNXK tham gia BHTDXK” – Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc phân tích.
Cùng quan điểm này, Phó Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm PVI Phạm Anh Đức cũng cho rằng, vấn đề không chỉ là đơn giản hóa các thủ tục cho vay để xuất khẩu mà chỉ khi các ngân hàng coi hợp đồng BHTDXK như là một điều kiện chính để DNXK có thể vay vốn tín dụng thì mới thật sự mở được nút thắt trong hoạt động này. Các ngân hàng cũng không lo rủi ro, bởi khi xảy ra tổn thất, trong phạm vi số tiền bảo hiểm, DNBH sẽ chuyển trực tiếp khoản chi bồi thường cho ngân hàng, giúp ngân hàng nhanh chóng thu hồi khoản vay.
Thực hiện thí điểm BHTDXK là một định hướng đúng đắn, cần thiết cho cả DNXK, DNBH và Nhà nước. Việc các DNXK chưa mặn mà tham gia là một thực tế đáng lo ngại, đặc biệt khi nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Có thể khẳng định rằng, không hẳn là DNXK Việt Nam không hiểu được tầm quan trọng của BHTDXK mà trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn, DNXK vốn đã yếu về tiềm lực tài chính, lại còn thiếu sự trợ giúp thiết thực, do đó, sự lựa chọn hình thức bảo đảm an toàn tài chính khác (dù mức độ tin cậy có thấp hơn BHTDXK) cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, về lâu dài, sự đổ vỡ dây chuyền do rủi ro trong thanh toán quốc tế không phải là không có thể xảy ra, và khi đó, hậu quả sẽ rất nặng nề cho cả DNXK và cả nền kinh tế đất nước nói chung.
Để giúp DN thay đổi được nhận thức và hành động về BHTDXK thì cần có những giải pháp trợ giúp cụ thể và đồng bộ, có sự chung tay góp sức của cả bốn bên: Bộ Tài chính, Ngân hàng, DNBH và DNXK. Với điều kiện hiện tại, vai trò điều tiết và tạo điều kiện của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ cơ chế tín dụng là yếu tố quyết định sự thành công của việc triển khai đề án thí điểm BHTDXK này cũng như bảo vệ lợi ích của các DNXK, Nhà nước, ngân hàng, góp phần tạo dựng và duy trì sự tăng trưởng bền vững nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()