Gỡ khó trong thu hút đầu tư vào Tuyên Quang
Kiểm tra thiết bị trước khi chạy thử không tải dây chuyền sản xuất giấy tại Nhà máy giấy An Hòa. Ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, trải "thảm đỏ" thu hút đầu tư đã tạo cho Tuyên Quang có bước chuyển đáng kể về phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào tỉnh chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng.Bên cạnh những yếu tố khó khăn khách quan về địa kinh tế, thì nguyên nhân chủ quan cũng tác động không nhỏ và đây là trở ngại cần sớm được khắc phục.Nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần đầu đề ra cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông lâm nghiệp, trong đó tỷ trọng công nghiệp chiếm 40%. Đây là bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh. Từ chủ trương này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành và cấp huyện tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020; tiến hành phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, ban hành chính sách...
![]() Kiểm tra thiết bị trước khi chạy thử không tải dây chuyền sản xuất giấy tại Nhà máy giấy An Hòa. |
Bên cạnh những yếu tố khó khăn khách quan về địa kinh tế, thì nguyên nhân chủ quan cũng tác động không nhỏ và đây là trở ngại cần sớm được khắc phục.
Nhiệm kỳ 2005 – 2010, Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần đầu đề ra cơ cấu kinh tế: công nghiệp – dịch vụ – nông lâm nghiệp, trong đó tỷ trọng công nghiệp chiếm 40%. Đây là bước đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh. Từ chủ trương này, tỉnh đã chỉ đạo các ngành và cấp huyện tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020; tiến hành phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp đến năm 2020, ban hành chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
Đến tháng 9-2011, tỉnh đã thu hút và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 48 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 12.800 tỷ đồng. Trong đó, có các dự án lớn như: Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa, có tổng vốn giai đoạn 1 hơn 3.800 tỷ đồng, khai thác tiềm năng phát triển kinh tế lâm nghiệp, một thế mạnh của tỉnh với hơn 76,16% diện tích đất rừng. Các dự án Thủy điện Chiêm Hóa 45MW, vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng; nhà máy phôi thép công suất 200.000 tấn sản phẩm/năm, đã được triển khai đầu tư, nhờ đó trong giai đoạn 2006-2010, giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 21,2%/năm. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư và cơ cấu đầu tư còn hạn chế, ít dự án sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu, dự án đầu tư vào các cụm, khu công nghiệp của tỉnh chưa nhiều. Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, có dự án do không lựa chọn kỹ nhà đầu tư, nên không khả thi. Trong số 48 dự án mới chỉ có 42 dự án khởi động, đang trong các bước tiến hành như giải phóng mặt bằng, xây dựng hàng rào,…
Khu công nghiệp Long Bình An được thành lập từ năm 2008, là điểm nhấn trong phát triển công nghiệp, nên tỉnh đã tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu. Đây là nơi có nhiều thuận lợi về giao thông, nằm ngay bên sông Lô, có trục quốc lộ 2 và quốc lộ 37 nối với các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ. Khu công nghiệp này được quy hoạch với diện tích (giai đoạn 1) là 109 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch để xây dựng các nhà máy là 69,21ha. Tuy nhiên, sau ba năm mở khu công nghiệp thì mới chỉ có chín dự án xin đầu tư và được đồng ý cấp phép, nhưng tất cả các dự án đều chậm tiến độ. Điều đáng nói là đến hết tháng 9-2011, trong 45,14 ha đất công nghiệp đã cho thuê thì mới có 25,24 ha triển khai xây dựng nhà xưởng. Trong số này mới chỉ có hai dự án gần hoàn thành, đang trong giai đoạn chạy thử không tải dây chuyền sản xuất; sáu dự án đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, xây hàng rào bảo vệ, có những dự án đã khởi công từ năm 2007 và cam kết hoàn thành vào năm 2008 hoặc 2009 nhưng đến nay vẫn còn dở dang, có dự án sau khi khởi công nhà đầu tư rút vốn và xin rút giấy phép.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao doanh nghiệp chưa “mặn mà” đầu tư vào tỉnh, được biết Tuyên Quang xa các cửa khẩu, bến cảng và trung tâm kinh tế lớn; việc giao lưu trao đổi hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ, nhưng hệ thống giao thông chưa phát triển, nhiều tuyến giao thông quan trọng đã được đầu tư nâng cấp nhưng tiến độ thi công chậm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế cũng là những nguyên nhân khách quan. Về nguyên nhân chủ quan: Một chủ doanh nghiệp chế biến nông sản ở Hải Dương chuyên xuất khẩu sang thị trường Đài Loan (Trung Quốc) than thở, Tuyên Quang có diện tích đất nông nghiệp chiếm 11,96%, đất đai màu mỡ rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, có thể tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Nhân công rẻ, người lao động chịu khó và tích cực đầu tư thâm canh, nhà đầu tư đã nhiều lần đến tận các vùng lạc, vùng trồng ớt để tìm hiểu sản phẩm, thấy có cơ hội phát triển. Nhưng khi triển khai các thủ tục đầu tư nhà máy chế biến thì quả gian nan. Sau gần chục lần đi lại công việc vẫn không tiến triển nên… đành dừng. Anh Đồng Quang Lực, Giám đốc Công ty cổ phần xi-măng Tân Quang – VVMI cho biết: Doanh nghiệp triển khai xây dựng Nhà máy xi-măng Tân Quang công suất 2.500 tấn clanh-ke/ngày từ năm 2008, đến nay nhà máy đã hoàn thành và đi vào sản xuất, nhưng việc giải phóng mặt bằng khu nhà máy và vùng nguyên liệu đến nay vẫn chưa hoàn thành để doanh nghiệp thuê đất và bảo đảm mặt bằng để sản xuất dù việc kiểm kê xác định đền bù đã được thực hiện từ năm 2008.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn cũng để lọt những nhà đầu tư không có tiềm lực chỉ mang tính “chụp giựt”, như Công ty cổ phần thương mại và sản xuất Hùng Đại Dương với dự án khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng nằm trong khu du lịch – điều dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm. Dự án được triển khai từ năm 2006 với số vốn đầu tư công bố các giai đoạn đến 20 triệu USD, đến năm 2008 công ty đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa lập dự án đầu tư; bồi thường thiệt hại cho các chủ có đất bị thu hồi; không lập đánh giá tác động môi trường; xin dự án kiểu xí phần nên sử dụng lãng phí tài nguyên, vì vậy phải rút giấy phép đầu tư.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp chưa “mặn mà” đầu tư vào tỉnh còn do thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa ở cấp tỉnh, nhưng với cấp huyện còn chậm được giải quyết, có trường hợp đùn đẩy giữa các cơ quan chức năng, làm nản lòng nhà đầu tư. Cho đến thời điểm này, khi Khu công nghiệp Long Bình An đã hình thành được ba năm, nhưng vẫn chưa có quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của ban quản lý. Nếu một nhà đầu tư muốn vào khu công nghiệp thì sau khi có chủ trương, doanh nghiệp phải tự “gõ cửa” từng sở, ban, ngành để lo các thủ tục từ xin cấp giấy phép, trình thẩm định dự án,… dẫn đến mất nhiều thời gian lo thủ tục hành chính, gây tâm lý ngại ngần cho các nhà đầu tư, Bên cạnh đó, việc quy hoạch xây dựng vùng, điều chỉnh quy hoạch chung các huyện, thành phố, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp của tỉnh tiến hành chậm. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm và phân tán chưa tạo nên được những khu đất “sạch” để thu hút nhà đầu tư. Việc quản lý và khai thác tài nguyên phục vụ sản xuất công nghiệp còn nhiều mặt hạn chế, nhất là trong hoạt động khoáng sản, lâm sản. Môi trường đầu tư chưa thật sự cởi mở, thông thoáng, việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư chưa đạt hiệu quả cao. Việc giải phóng, đền bù những phần đất bị thu hồi là khâu khó khăn nhất trong triển khai các dự án đầu tư. Nguyên nhân là do thiếu sự phối hợp giữa cơ quan chức năng dẫn đến chậm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư, thiệt hại đương nhiên thuộc về doanh nghiệp làm cho các chủ đầu tư cũng không “mặn mà”.
Theo Nhandan

Ý kiến ()