Gỡ khó trong phát triển giao thông nông thôn
(LSO) – Năm 2020, toàn tỉnh đặt chỉ tiêu làm mới, cứng hóa 350 km đường giao thông nông thôn (GTNT) và hoàn thành tiêu chí giao thông tại 13 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và diễn biến phức tạp của thời tiết, đặc biệt là thiếu nguồn xi măng khiến khối lượng thực hiện bê tông hóa đường GTNT tại nhiều huyện những tháng đầu năm 2020 không đạt kế hoạch đề ra.
Thiếu nguồn xi măng
Lộc Bình là huyện thực hiện tốt phong trào làm đường GTNT. Từ tháng 4/2020 đến nay, có 18/21 đơn vị xã, thị trấn trên địa bàn huyện đăng ký 2.185 tấn xi măng để cứng hóa 14,6 km đường. Tuy nhiên, việc này chưa thể thực hiện do thiếu xi măng. Nguyên nhân chính là do nguồn kinh phí tỉnh phân bổ theo Nghị quyết 03 hỗ trợ xi măng kế hoạch năm 2020 đã hết.
Hiện huyện Lộc Bình đang tiếp tục kiến nghị với tỉnh bổ sung kinh phí hỗ trợ xi măng cho các xã duy trì phong trào làm đường. Đến hết 7 tháng đầu năm 2020, toàn huyện mới thực hiện được 8,5 km đường bê tông, đạt 28,3% kế hoạch năm, giảm gần 6,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn xã Y Tịch, huyện Chi Lăng
Tương tự, tại huyện Tràng Định, nhu cầu xi măng để làm đường trong 5 tháng cuối năm 2020 là 2.654 tấn. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có xi măng để cấp. Bà Lương Hồng Minh, Chủ tịch UBND xã Hùng Việt, huyện Tràng Định cho biết: Từ đầu năm 2020 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã đối ứng được hơn 120 triệu đồng để mua vật liệu làm đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên đến nay, xã mới được cung ứng 64 tấn xi măng/120 tấn đăng ký theo nhu cầu. Số xi măng nay chỉ đủ cứng hóa 600 m đường GTNT, đạt 54% kế hoạch.
Nguyên nhân của việc chậm chễ này là nguồn vốn phân bổ mua xi măng cho các xã theo kế hoạch năm 2020 đã hết và do nhà máy bị ngừng hoạt động không tạm ứng được theo yêu cầu của huyện. Trong 7 tháng đầu năm 2020, toàn huyện Tràng Định mới làm được 7,24 km đường, đạt 24,1% kế hoạch.
Không chỉ hai huyện trên, nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh có nhu cầu xi măng rất lớn nhưng các huyện đều đang rất khó khăn trong việc ứng trước xi măng cho các xã làm đường vì nguồn kinh phí tỉnh phân bổ theo kế hoạch của năm 2020 đã sử dụng hết từ đầu năm. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và giãn cách xã hội dẫn đến khó khăn tài chính nên Nhà máy Xi măng Lạng Sơn đã ngừng hoạt động.
Theo số liệu của Sở Giao thông – Vận tải, từ đầu năm 2020 đến ngày 15/7/2020, toàn tỉnh làm được 150,04 km mặt đường bê tông xi măng, đạt 42% kế hoạch năm và bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019 (6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh làm mới được 189 km), sử dụng 18.520 tấn xi măng.
Tháo gỡ khó khăn
Trước những khó khăn về nguồn cung ứng xi măng để phát triển GTNT, các huyện đã kiến nghị với UBND tỉnh cân đối, tiếp tục hỗ trợ xi măng làm đường GTNT. Trước yêu cầu cấp bách về vốn để hoàn thành mục tiêu đề ra đối với lĩnh vực phát triển GTNT, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh bổ sung vốn cho lĩnh vực này và được HĐND tỉnh chấp thuận.
Đến ngày 25/7/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1414 về việc bổ sung kinh phí để thực hiện Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2016 – 2020 với nguồn vốn 40 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ các huyện 20,504 tỷ đồng để cứng hóa GTNT.
Người dân xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chung sức bê tông hoá đường giao thông
Ông Trịnh Tuấn Đông, Phó Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải cho biết: Nguồn vốn bổ sung của tỉnh tuy đã giảm được áp lực một phần về vốn để làm đường tại các huyện, nhưng thực tế nhu cầu về cứng hóa các tuyến đường còn rất lớn. Vì vậy, sở đã đề xuất với tỉnh cho phép sở sử dụng tro xỉ của Nhà máy Nhiệt điện Na Dương để cứng hóa một số tuyến đường và thí điểm sử dụng phụ gia kháng trương nở kết hợp với xi măng để gia cố và ổn định nền đường nhằm giảm giá thành thực hiện chương trình phát triển GTNT năm 2020.
Cũng liên quan đến tháo gỡ khó khăn về vốn để mua xi măng làm đường, hiện một số huyện như: Hữu Lũng và Chi Lăng đã cân đối nguồn ngân sách của huyện để hỗ trợ xi măng cho các xã để làm đường với tổng kinh phí dự kiến hơn 3 tỷ đồng.
Với những giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện, hy vọng 5 tháng cuối năm 2020, việc phát triển GTNT trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần quan trọng vào việc hoàn thành chỉ tiêu làm mới cũng như thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Sẵn sàng từ phía người dân
(LSO) – Để triển khai làm đường, đặc biệt là vào những tháng cuối năm 2020, bên cạnh tháo gỡ khó khăn về vốn của nhà nước, cấp ủy, chính quyền các xã đã chủ động tuyên truyền, vận động, huy động sức dân để chuẩn bị vật liệu đối ứng, ngày công, hiến đất để làm đường.
Ông Lăng Xuân Chanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Yên Thủy 1, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc: “Sẵn sàng làm đường”.
Năm 2020, thôn Yên Thủy 1 được lựa chọn để thực hiện thôn kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới của xã Yên Trạch, nhưng đến nay trong thôn còn 1.200 m đường ngõ đến các nhóm hộ thuộc xóm Cầu Mào, Thà Trỏ, Nà Lìu và Nà Noóc vẫn là đường đất. Thôn đã vận động người dân đóng góp tiền mua vật liệu để cứng hóa GTNT. Hiện bà con đã sẵn sàng vật liệu đối ứng và chỉ cần được hỗ trợ xi măng theo đăng ký là triển khai thực hiện.
Ông Vi Văn Minh, trưởng nhóm khu dân cư Mạy Pầu thuộc thôn Hợp Nhất, xã Nhân Lý, huyện Chi Lăng: “Chuẩn bị mặt bằng, vật liệu đối ứng làm đường”
Nhóm hộ của xóm Mạy Pầu, thôn Hợp Nhất có 7 hộ gia đình sinh sống, hiện trạng tuyến đường vào xóm dài hơn 400 m là đường đất. Năm 2020, xóm được cấp 50 tấn xi măng để cứng hóa tuyến đường giao thông vào xóm. Để làm đường, 7 hộ đã thống nhất đóng góp 3,6 triệu đồng/hộ để mua vật liệu làm đường, thuê máy xúc san gạt mặt bằng ngay từ đầu năm. Đến nay, thôn đã làm được 200 m và tiếp tục chờ nguồn xi măng hỗ trợ. Sau khi làm xong tuyến đường vào xóm, các hộ đang rất muốn huyện tiếp tục hỗ trợ xi măng để làm thêm 200 m đường nối với tuyến đường nội đồng để thuận lợi cho sản xuất.
Ý kiến ()