Gỡ khó trong giải ngân vốn đầu tư công ngành giao thông
Dự án cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long phấn đấu giải ngân 937 tỷ đồng trong năm nay.
Nhiều dự án thi công cầm chừng
Tuyến đường Quản Lộ – Phụng Hiệp chạy song song kênh Quản Lộ – Phụng Hiệp, đi xuyên qua bốn tỉnh miền Tây Nam Bộ gồm: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, được xây dựng hoàn chỉnh, đưa vào khai thác từ năm 2009, giúp phá thế độc đạo của quốc lộ 1 và rút ngắn 50 km từ Cần Thơ đi Cà Mau. Sau hơn 10 năm khai thác không được đại tu, nâng cấp, mặt đường cấp phối đá dăm láng nhựa bị xuống cấp trầm trọng do lưu lượng phương tiện lưu thông tăng nhanh, không thể đáp ứng yêu cầu vận tải. Trước thực trạng đó, ngày 11-3-2019, Bộ GTVT đã phê duyệt đầu tư dự án nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ – Phụng Hiệp với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng, không phải giải phóng mặt bằng (GPMB) do đã thực hiện ở giai đoạn 1, giao Ban Quản lý dự án (PMU) 7 làm đại diện chủ đầu tư, tổ chức quản lý chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2020. Về kế hoạch bố trí vốn cho dự án, Bộ GTVT giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 là 900 tỷ đồng tháng 1-2019. Đây là một trong 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Dự án được bố trí vốn năm 2019 là 295 tỷ đồng vào tháng 6-2019. Cục trưởng Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) Lê Kim Thành cho biết, ngay khi được giao vốn trung hạn và phê duyệt dự án đầu tư, từ tháng 3 đến nay, PMU 7 đã tổ chức lựa chọn các đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế, thẩm tra và giám sát khảo sát; hoàn thiện và trình Bộ GTVT thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hai gói thầu. Trong thời gian tới, PMU 7 sẽ trình Bộ GTVT phê duyệt thiết kế, dự toán bốn gói thầu còn lại và hồ sơ mời thầu xây lắp để triển khai đấu thầu lựa chọn nhà thầu, dự kiến khởi công trong tháng 11-2019.
Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (quốc lộ 80 mới) là công trình giao thông huyết mạch, trọng điểm quốc gia, được khởi công xây dựng từ năm 2016, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của Cần Thơ, Kiên Giang cũng như toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long khi hoàn thành, đưa vào khai thác. Cũng theo Cục trưởng Lê Kim Thành, dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) làm đại diện chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư điều chỉnh 6.355 tỷ đồng (giảm 338,4 tỷ đồng); trong đó, vốn ODA Hàn Quốc 200 triệu USD (tương đương 4.549 tỷ đồng), vốn đối ứng 1.806 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác cuối quý I-2020. Dự án có chiều dài hơn 51 km, thiết kế giai đoạn trước mắt theo quy mô bốn làn xe, phù hợp quy mô phân kỳ đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, giai đoạn hoàn chỉnh mở rộng với quy mô đường cao tốc sáu làn xe. Khi dự án hoàn thành, sẽ rút ngắn thời gian lưu thông và thay thế tuyến quốc lộ 80 cũ từ TP Cần Thơ đi Kiên Giang. Tổng Giám đốc Cửu Long CIPM Trần Văn Thi cho biết, dự án gồm hai gói thầu CW1 (trên địa bàn TP Cần Thơ) do Liên danh nhà thầu Lotte – Halla – Hansin (Hàn Quốc) thi công và CW 2 (trên địa bàn tỉnh Kiên Giang) do Liên danh nhà thầu Kumho – Huyndai (Hàn Quốc) thi công. Tuy nhiên, đã hơn ba năm triển khai, cận kề mốc hoàn thành dự án theo mục tiêu, song dự án vẫn vướng nhiều khó khăn. Từ cuối năm 2018, đơn vị đã đăng ký kế hoạch vốn năm 2019 cho dự án 1.200 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 7 vừa qua mới được giao vốn năm 2019, khiến tiến độ công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do “trắng” vốn gần 10 tháng, cho nên tiến độ thi công dự án bị “lụt”, đến nay, sản lượng toàn công trình mới đạt khoảng 70%, bình quân mỗi gói thầu chậm khoảng 10 đến 15% so kế hoạch dự kiến. Khi được giao bổ sung vốn, dự án giải ngân khối lượng nhà thầu đã thực hiện 350 tỷ đồng và nhà thầu đã huy động nguồn lực, tập trung thi công, nhưng vẫn chưa thể kéo bù đủ phần kế hoạch đã chậm như dự kiến trước đây (khoảng 293 tỷ đồng).
Thúc tiến độ, đẩy giải ngân
Dự án xây dựng cầu cạn Mai Dịch – Nam Thăng Long do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư, có tổng mức 5.343 tỷ đồng (vốn ODA Nhật Bản và đối ứng trong nước) vẫn chậm tiến độ so với kế hoạch và kết quả giải ngân còn thấp. Đến hết tháng 8, dự án mới giải ngân 458 tỷ đồng, đang chậm khoảng 65 tỷ đồng. Giám đốc PMU Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết, tiến độ dự án chậm so kế hoạch, nguyên nhân do việc điều chỉnh thiết kế hạng mục cầu vượt Mai Dịch phù hợp thực tế và điều chỉnh hạng mục cọc khoan nhồi thay thế cọc vít xoay (tiết kiệm hơn khoảng 200 tỷ đồng) dẫn đến thủ tục kéo dài. Tuy dự án có tiến độ GPMB khá tốt nhờ sự nỗ lực của TP Hà Nội, song việc bàn giao cũng bị chậm khoảng bốn tháng, cùng việc chồng lấn công địa thi công giữa hai dự án cầu cạn và dự án mở rộng đường vành đai 3 dưới thấp; thủ tục xin cấp phép cho xe siêu trường, siêu trọng vận chuyển dầm tại dự án chậm khoảng hai tháng khiến tiến độ thi công cũng bị giảm sút,… Trong giai đoạn đầu, việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện của PMU Thăng Long cũng như các đơn vị, nhà thầu chưa lường hết được các yếu tố phát sinh, phối hợp thiếu ăn ý, có phần chuệch choạc cũng là yếu tố dẫn đến giải ngân chậm. “Cách đây hai tháng, chủ đầu tư đã đốc thúc các đơn vị tăng cường các mũi thi công nhằm đuổi kịp tiến độ, đồng thời làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tháo gỡ thủ tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu giải ngân 937 tỷ đồng trong năm nay. PMU Thăng Long cam kết sẽ bằng mọi giá đuổi kịp tiến độ, hoàn thành công trình vào tháng 10-2020 đúng theo kế hoạch đề ra ban đầu”, ông Dương Viết Roãn khẳng định.
Theo đánh giá của Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), tính đến hết tháng 8, Bộ GTVT đã giải ngân được 6.857 tỷ đồng, đạt 27,4% so kế hoạch được giao (25.017 tỷ đồng), thấp hơn so với kế hoạch đề ra khoảng 3.435 tỷ đồng. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, theo kế hoạch giải ngân năm 2019 đã rà soát lại (tổng số 26.762 tỷ đồng), từ nay đến cuối năm, Bộ cần tiếp tục giải ngân 19.905 tỷ đồng, gồm 1.500 tỷ đồng chưa được giao kế hoạch và 18.405 tỷ đồng đã được giao kế hoạch chưa giải ngân. Với kết quả nêu trên, việc hoàn thành kế hoạch giải ngân là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư/PMU cần khẩn trương tháo gỡ khó khăn vướng mắc, có biện pháp, kế hoạch cụ thể để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đại diện lãnh đạo Bộ GTVT cũng thẳng thắn thừa nhận, mặc dù công tác giải ngân vốn đầu tư công của ngành được Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhưng tỷ lệ giải ngân nhiều năm nay bị chậm và không đạt kế hoạch. Năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp, ngành GTVT không đạt mục tiêu về giải ngân vốn đầu tư công. Nguyên nhân do một số chủ đầu tư/PMU dự án đăng ký nhu cầu kế hoạch cao hơn thực tế, không lường hết khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các thủ tục đấu thầu, đền bù GPMB, các yếu tố bất lợi của thời tiết; nhiều đơn vị xây dựng nhu cầu giải ngân ở mức cao vì nhận định nếu không giải ngân hết vốn sẽ được kéo dài thực hiện, giải ngân sang năm sau,…
Trước tình hình giải ngân năm nay có nguy cơ không đạt mục tiêu, mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư/PMU đôn đốc tiến độ thi công, kiểm tra chất lượng công trình, giải ngân các dự án do Bộ GTVT quản lý trong bốn tháng cuối năm. Trong GPMB, các đơn vị phải cử cán bộ phối hợp cùng hội đồng GPMB và các cơ quan chức năng địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc; chỉ đạo nhà thầu lập tiến độ thi công chi tiết đối với các hạng mục, khối lượng công việc còn lại; huy động đầy đủ thiết bị, nhân lực, vật tư làm tăng ca, tăng mũi thi công để đáp ứng tiến độ. Trường hợp các gói thầu, dự án không có chuyển biến tích cực, phải có biện pháp xử lý, chấn chỉnh, hoặc bổ sung, thay thế nhà thầu để triển khai thi công đáp ứng tiến độ, bảo đảm kế hoạch giải ngân theo yêu cầu. Bộ giao Vụ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, giám sát quá trình thực hiện của các dự án hằng tháng, kịp thời tham mưu các giải pháp thúc đẩy giải ngân bảo đảm hoàn thành từ 95% kế hoạch trở lên. Các đơn vị rà soát tổng thể tình hình nghiệm thu thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành của từng gói thầu, dự án; hỗ trợ, hướng dẫn nhà thầu về hồ sơ thủ tục nghiệm thu, thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Bộ GTVT sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân các chủ đầu tư/PMU nếu để xảy ra chậm trễ, không bảo đảm tiến độ giải ngân và đưa vào đánh giá xếp hạng năm 2019 nếu không đáp ứng mục tiêu; đồng thời giao Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện xây dựng dự án theo đúng kế hoạch; tăng cường kiểm tra hiện trường, kịp thời tham mưu Bộ GTVT xem xét, giải quyết các vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án.
Tính riêng trong tháng 8, Bộ GTVT đã giải ngân thêm 1.320 trong tổng số 1.630 tỷ đồng, chậm 310 tỷ đồng so dự kiến giải ngân tháng và chưa bù được số 3.125 tỷ đồng chậm giải ngân đến hết tháng 7. Một trong những nguyên nhân chính khiến giải ngân tháng 8 chưa bù được phần chậm giải ngân các tháng trước chủ yếu do việc bổ sung kế hoạch chậm (đợt 5 mới được bổ sung 5.164 tỷ đồng vào cuối tháng 7), các dự án cần có thủ tục mới giải ngân được số vốn mới giao. Ngoài ra, còn do các nguyên nhân vướng mắc về thủ tục, chậm trễ trong khâu thanh toán, quyết toán các dự án hoàn thành; triển khai đấu thầu; vướng GPMB,…
(Nguồn: Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT)
Theo Nhandan
Ý kiến ()