Gỡ khó tiêu thụ nông sản cho các hợp tác xã
Dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, kinh tế – xã hội. Nhiều chuỗi sản xuất – cung ứng bị đứt gãy, sản phẩm hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu do các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất đang tồn đọng rất lớn. Việc tổ chức đẩy mạnh kết nối cung – cầu tiêu thụ nông sản cho HTX đang được các đơn vị, nhất là hệ thống Liên minh HTX tích cực triển khai trong giai đoạn hiện nay.
Theo thông tin từ Liên minh HTX Việt Nam, số lượng nông sản tồn ở các địa phương bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 lên tới hàng chục triệu tấn, phần lớn nằm trong khu vực HTX. Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, hiện nay, các HTX nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn như: đứt gãy chuỗi cung ứng, lượng hàng tồn kho lớn, chi phí đầu vào tăng, tài chính của HTX và nông dân hạn chế.
Kết nối cung – cầu
Đáng nói, 80% lượng thực phẩm mà hộ nông dân, HTX sản xuất được thu mua thông qua thương lái. Trước thực trạng này, từ tháng 5/2021, Liên minh HTX Việt Nam đã tổ chức kết nối cung – cầu tiêu thụ, sản xuất nông sản; đồng thời Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX cũng tiến hành giãn, hoãn, giảm lãi suất hỗ trợ cho các HTX. Riêng về kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm,
Liên minh HTX Việt Nam đã có công văn gửi UBND các địa phương đề nghị tạo điều kiện thực hiện Chương trình kết nối cung – cầu, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa theo chuỗi cung ứng do HTX sản xuất; nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội (gọi tắt là Chương trình 503). Theo đó, đã huy động hàng nghìn HTX vận tải, thương mại tham gia.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, Chương trình 503 sẽ thực hiện kết nối cung – cầu, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX bị ảnh hưởng dịch Covid-19 với phương pháp tổng hợp nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho HTX trên toàn quốc; ưu tiên các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Sau đó, sẽ tổ chức kênh tiêu thụ tại chợ truyền thống, trung tâm/cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm của HTX tại địa phương; chợ đầu mối của các địa phương; hệ thống các siêu thị; kênh tiêu thụ trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo,…
Ngoài ra, với Chương trình 503 này, Liên minh HTX Việt Nam đã xây dựng Cổng thông tin điện tử kết nối cung – cầu sản phẩm với tên miền: lmhtxvnmart.com.vn để đăng tải đầy đủ thông tin của các sản phẩm lên Cổng thông tin này, nhằm tạo thuận tiện cho việc kết nối cung – cầu. Đến thời điểm này, đã có gần 200 HTX đăng ký tham gia bán hàng trên Cổng thông tin kết nối cung – cầu.
Đẩy mạnh tiêu thụ
Theo đại diện Liên minh HTX tỉnh An Giang Trần Văn Cứng, An Giang là tỉnh chuyên sản xuất lúa gạo. Các sản phẩm nông sản khác, nếu người dân không tiêu thụ, Liên minh HTX tỉnh sẽ là cầu nối để đưa các sản phẩm của người dân đến tay người tiêu dùng. Qua khảo sát của Liên minh HTX tỉnh An Giang, đối với rau củ quả, ước tính sản lượng 83 nghìn tấn, cần hỗ trợ tiêu thụ 58 nghìn tấn; cây ăn trái nhu cầu tiêu thụ khoảng 518 nghìn tấn. Bên cạnh mong muốn được Liên minh HTX Việt Nam kết nối cung – cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, Liên minh HTX An Giang mong muốn Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa kèm theo tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
“Sản phẩm của An Giang nhiều, nhưng việc xây dựng tiêu chuẩn chất lượng còn hạn chế. Liên minh HTX tỉnh đang làm các thủ tục để đánh giá được chất lượng tiêu chuẩn hàng hóa đến các HTX. Đây là điều cần thiết khi các sản phẩm nông sản của HTX muốn vào được hệ thống siêu thị” – ông Trần Văn Cứng cho biết thêm.
Cũng nhằm tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nguồn cung khu vực kinh tế hợp tác, HTX, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op Lê Trường Sơn khẳng định: Saigon Co.op đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX tại các địa phương hỗ trợ phân phối các mặt hàng nông sản không tiêu thụ được. Đồng thời, phối hợp Liên minh HTX Việt Nam xây dựng sàn giao dịch nông sản nhằm hỗ trợ liên kết thông tin, tăng tiêu thụ nông sản địa phương.
“Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chi phí hoạt động của doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều, nhất là chi phí xét nghiệm Covid-19. Do vậy, các doanh nghiệp bán lẻ mong muốn nhận được hỗ trợ từ Nhà nước để cắt giảm chi phí này. Thêm nữa, các HTX phải nhanh chóng hoàn thiện thủ tục về hành chính như: giấy chứng nhận chất lượng, bao bì đóng gói theo quy chuẩn để nhanh chóng có mặt trong hệ thống siêu thị Saigon Co.op” – ông Lê Trường Sơn cho biết thêm.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị các địa phương xem xét mở lại chợ đầu mối để hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Ưu tiên tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19 cho người lao động, thành viên của HTX tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa,… Đồng thời, giảm 50% hoặc miễn phí xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR đối với lái xe, phụ xe, lái tàu, phụ lái tàu, thuyền viên, người lao động của tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX… tham gia chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian giãn cách xã hội.
Về phía các bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch Nguyễn Ngọc Bảo mong muốn, Bộ Công thương đẩy mạnh thông tin về thị trường, rà soát kỹ chuỗi nông sản để giải quyết ách tắc một cách cụ thể. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có gói tín dụng hỗ trợ về lãi suất cho việc chế biến, dự trữ hàng hóa; rà soát chi phí sản xuất giúp HTX, nông dân tổ chức sản xuất,… “Bộ Công thương cũng xem xét đánh giá kế hoạch cho giai đoạn hậu Covid-19 để có giải pháp, tránh tình trạng suy giảm sản xuất về nguyên liệu nông sản” – ông Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị.
Ý kiến ()