Gỡ khó tiêu thụ lúa đông xuân vùng đồng bằng sông Cửu Long
Nông dân huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang thu hoạch lúa đông xuân.
Tiêu thụ chậm, giá lúa giảm mạnh
Ở Hậu Giang, nông dân đã vào vụ thu hoạch lúa đông xuân. Khởi đầu vụ mùa cho thấy bà con không mấy vui, khi năng suất và giá cả đều thấp so với vụ đông xuân trước.
Ông Nguyễn Văn Lai, ở ấp Trường Hòa, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, vừa thu hoạch năm công lúa giống OM 5451 cho biết: “Năng suất vụ này đạt khoảng 800kg/công (1.300m2), trong khi cùng kỳ năm trước thì năng suất đạt hơn một tấn/công. Năng suất lúa thấp, giá bán trong lúc này cũng ở mức thấp so với cùng kỳ. Cụ thể, lúa tươi, giống OM 5451 được thương lái cân tại ruộng với giá từ 4.800 đến 4.900 đồng/kg, giống lúa IR 50404 dao động từ 4.400 đến 4.600 đồng/kg, giảm gần một nghìn đồng/kg so với cùng kỳ. Với giá bán 4.900 đồng/kg, cộng năng suất lúa chỉ đạt 800kg/công thì sau khi trừ chi phí sản xuất, tôi thu về nguồn lợi nhuận chưa đến hai triệu đồng/công, giảm hơn năm rồi 1 triệu đồng/công”.
Trước tình hình giá lúa xuống thấp, doanh nghiệp, thương lái chưa mạnh dạn triển khai thu mua, khiến nông dân càng lo lắng, kể cả diện tích có hợp đồng bao tiêu. Giám đốc HTX Nông nghiệp Hai Minh ở xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Trần Văn Minh cho biết: Đầu vụ, Công ty Bảo Lâm ở TP Hồ Chí Minh ký bao tiêu với giá 6.500 đồng/kg lúa giống RVT, nhưng mới hôm rồi thông báo giảm giá xuống còn 5.600 đồng/kg, nếu không bán thì công ty bỏ tiền cọc. Bà con không chịu, công ty tiếp tục đàm phán giảm xuống 5.300 đồng/kg và phải trả tiền giống mà công ty đã ứng trước, mới chịu thu mua lúa cho bà con.
Còn theo Giám đốc HTX Bắc Xà No Trương Thành Huy, đầu vụ ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp giá 6.500 đồng/kg lúa RVT, với tiền đặt cọc là 500 nghìn đồng/công. Nhưng hiện nay doanh nghiệp cũng yêu cầu giảm giá xuống còn 5.500 đồng/kg, nếu không chịu thì doanh nghiệp sẽ bỏ tiền đặt cọc… Thông tin từ Huyện Châu Thành A cho biết, đã có 86 ha lúa giống RVT, thương lái đã bỏ tiền đặt cọc…
Tại TP Cần Thơ, nông dân thu hoạch hơn 5.000 ha trong tổng số hơn 81 nghìn ha lúa đông xuân, với năng xuất đạt khoảng 7 đến 8 tấn/ha. Tuy nhiên, hiện giá lúa đã giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với vụ đông xuân năm trước vì rất ít thương lái mua lúa. Ông Võ Văn Hai, ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ vừa thu hoạch năm công lúa giống Jasmine lo lắng:“Lúa thu hoạch xong rồi nhưng rất ít thương lái hỏi mua, tôi hỏi thương lái khắp nơi nhưng họ cho biết chưa có đơn hàng từ doanh nghiệp nên chưa dám thu mua. Lúa thơm Jasmine hiện chỉ có giá 4.800 đồng/kg, thấp hơn 1.000 đồng kg so với vụ đông xuân trước. Với giá này, nông dân trồng lúa chỉ lãi chút ít dù đây là vụ chính trong năm”.
Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, hiện giá lúa trên thị trường đang có chiều hướng giảm từ 500 đồng đến 1.000 đồng/kg và có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới khi bước vào thu hoạch rộ. Hầu hết, nông dân rơi vào tình trạng đến gần ngày thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được lúa. Những diện tích lúa được bao tiêu, thương lái đặt cọc, giá thu mua vẫn thấp hơn so với giá thỏa thuận ban đầu. Bên cạnh đó, giá lúa giảm còn do một số doanh nghiệp lớn chưa ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo với đối tác bên ngoài…
Giá lúa đông xuân ở các huyện Lấp Vò, Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) giảm hơn 1.000 đồng kg. Trước tết, nhiều thương lái đặt cọc mua lúa với giá khá cao nhưng đến thời điểm thu hoạch, thương lái thu mua giảm xuống trung bình từ 500 đến 1.000 đồng/kg nhưng vẫn còn cao hơn diện tích lúa chưa được thương lái đặt cọc nên nông dân cũng chấp nhận bán vì sợ giá lúa sẽ còn giảm thêm khi vùng đồng bằng sông Cửu Long vào thời điểm thu hoạch rộ.
Gỡ khó tiêu thụ lúa đông xuân
Nông dân huyện Phong Điền, TP Cần Thơ bán lúa cho thương lái.
Hiện nay, khi giá lúa xuống thấp, phương thức liên kết hợp đồng bao tiêu giữa doanh nghiệp với nông dân theo giá sàn, giá chết, nhiều khả năng bị gãy. Còn hợp đồng theo giá thị trường ổn định hơn. Theo bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Ngọc Quang Phát Hậu Giang, tâm lý nông dân thích hợp đồng bao tiêu theo giá sàn hoặc giá chết, vì thấy lợi hơn so với giá thị trường. Nhưng khi giá thị trường xuống thấp, doanh nghiệp không kham nổi, dễ bẻ kèo. Do vậy, vụ lúa đông xuân này công ty ký bao tiêu với bốn HTX trên địa bàn Hậu Giang theo giá thị trường và sẽ thực hiện đúng cam kết. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn, công ty sẽ mua với giá cao hơn giá thị trường từ 100 đến 200 đồng/kg, kể cả diện tích lúa ngoài hợp đồng bao tiêu của công ty.
Phải nhìn nhận là đầu ra của sản phẩm còn hạn chế. Hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa đa dạng, phần lớn mới chỉ dừng lại ở liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa tổ chức của nông dân với doanh nghiệp. Chưa có sự tham gia liên kết giữa các chủ thể quan trọng khác như nhà khoa học, ngân hàng để tạo giá trị gia tăng trong chuỗi sản phẩm, từ đó ảnh hưởng quá trình nhân rộng mô hình liên kết, gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp hiện nay chưa đủ điều kiện về vốn, kỹ thuật để đầu tư ứng trước cho nông dân; chưa đủ năng lực để tổ chức hệ thống thu mua nên hình thức thu mua nông sản chủ yếu vẫn là qua trung gian, thương lái.
Để doanh nghiệp đủ vốn xuất khẩu gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ kiến nghị: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh TP Cần Thơ có ý kiến để ngân hàng thương mại cổ phần thay đổi cơ chế cho vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn, tăng hạn mức cho vay để doanh nghiệp thu mua lúa đông xuân cho dân, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu bao tiêu sản phẩm phục vụ cho xuất khẩu…”
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa đông xuân, Sở Công thương đã tham mưu đề xuất UBND TP Cần Thơ có giải pháp hỗ trợ gói tín dụng 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo năm 2019, với hình thức vay tài sản thế chấp hình thành sau khi vay trong thời hạn sáu tháng, với lãi suất 6%/năm nhằm giúp doanh nghiệp tổ chức thu mua lúa vào thời điềm thu hoạch rộ. UBND TP Cần Thơ có công văn đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng hỗ trợ vốn để tiêu thụ lúa đông xuân trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Tại buổi làm việc với một số doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân về tình hình bao tiêu lúa gạo vụ Đông Xuân 2018 – 2019, vào ngày 20-2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên, mong muốn các bên cùng chia sẻ khó khăn để tháo gỡ cho lúa gạo trong tình hình hiện nay.
Theo đó, các doanh nghiệp cần cố gắng thực hiện hợp đồng đã ký kết bao tiêu, tránh tình trạng “bỏ cọc”, hạ giá thu mua thấp quá mức; đồng thời quan tâm, hỗ trợ thu mua diện tích ngoài bao tiêu của đơn vị trên địa bàn Hậu Giang. Các hợp tác xã cố gắng đàm phán thành viên bán lúa theo mức giá thị trường nhưng bảo đảm có thu nhập, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp không thể thực hiện giá mua theo bao tiêu.
Chính quyền địa phương các cấp nắm bắt thực tế việc thực hiện thu mua lúa, thực hiện hợp đồng bao tiêu tại địa bàn, nếu cần thiết sẵn sàng đứng ra làm trung gian tháo gỡ khó khăn, không thống nhất được trong thực hiện bao tiêu giữa doanh nghiệp với hợp tác xã và nông dân. Ngành nông nghiệp tiếp tục nắm chắc tình hình thu hoạch, thu mua lúa gạo trên địa bàn tỉnh để có báo cáo kịp thời, từ đó có giải pháp tháo gỡ hoặc kiến nghị, đề xuất Trung ương những vấn đề trong tiêu thụ lúa gạo…
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo các bộ, ngành thu mua 200 nghìn tấn gạo dự trữ và 800 nghìn tấn lúa (tương đượng với 1,2 triệu tấn lúa). Đây là tín hiệu vui với nông dân vì các doanh nghiệp chuẩn bị tăng lượng thu mua, giá lúa dự báo sẽ tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích gieo trồng vụ đông xuân 1,6 triệu ha, sản lượng lúa ước đạt hơn 11 triệu tấn, lượng lúa gạo mua dự trữ chỉ chiếm hơn 10%. Vì vậy, nếu không có giải pháp căn cơ, lâu dài đẩy mạnh việc tiêu thụ hết lúa gạo trong dân, giá lúa sẽ bấp bênh, nông dân khó có thể đạt 30% lợi nhuận như mục tiêu của Chính phủ. |
Theo Nhandan
Ý kiến ()