Gỡ khó để doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp
Các Bộ, ngành liên quan sẽ triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết nối doanh nghiệp, nhất là kết nối các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp.
Ảnh minh họa (Nguồn: Thế Dương) |
Nội dung trên được nêu trong Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị về tăng cường đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp.
Xóa bỏ dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các đơn vị liên quan cần trao đổi và cùng giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kết nối doanh nghiệp, nhất là kết nối các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp.
Cụ thể, đất đai, giải phóng mặt bằng là cản trở lớn nhất đối với các doanh nghiệp. Các Bộ, ngành liên quan cần rà soát, nghiên cứu đề xuất xử lý. Tuy nhiên, nước ta với mật độ dân số cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người rất thấp. Do vậy, bên cạnh việc cho các doanh nghiệp thuê đất thì giải pháp ưu tiên, có tính khả thi nhất là doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân để tổ chức sản xuất hàng hóa quy mô lớn, xóa bỏ dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát.
Nhóm Công tác thu hút đầu tư nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các địa phương làm việc cụ thể với từng dự án, đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vốn đầu tư, trong đó lựa chọn tập trung vào một số ngành hàng chủ lực, xây dựng các mô hình để phát triển mở rộng.
Doanh nghiệp cần phát huy vai trò sáng tạo
Về đầu tư hạ tầng cơ sở cho nông nghiệp, ngoài nguồn vốn ngân sách tập trung đầu tư, cần có cơ chế chính sách huy động nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và thực tế đã có nhiều mô hình đầu tư thành công, hiệu quả theo phương thức này. Vì vậy, doanh nghiệp cần phát huy vai trò nòng cốt, sáng tạo, khả năng về vốn, quản trị để tham gia liên kết đầu tư.
Doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng quyết định trong việc định hướng liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, các đối tác của nông dân và liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau để kết nối với thị trường đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm đạt hiệu quả cao. Đối với một số chức năng trước đây do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện cần nghiên cứu làm thí điểm giao cho các hiệp hội ngành hàng, tổ chức liên kết của các doanh nghiệp thực hiện, khi thành công sẽ triển khai mở rộng trên nhiều lĩnh vực.
Đồng thời, công tác quản lý thị trường phải được quan tâm và có nhiều nỗ lực hơn nữa. Việc quản lý thị trường kém sẽ hạn chế sự sáng tạo, nỗ lực và làm xói mòn cố gắng của các doanh nghiệp làm ăn tốt và lòng tin của người tiêu dùng. Chính phủ sẽ nỗ lực và quyết liệt trong công tác quản lý thị trường, thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp làm ăn chân chính. Mặt khác các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, có trách nhiệm với sản phẩm, đưa ra thị trường những sản phẩm tốt, chất lượng, xóa bỏ tình trạng chỉ chú trọng bán hàng kiếm lợi nhuận, không quan tâm tới lợi ích của cộng đồng.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()