Gỡ khó, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản
Kim ngạch xuất khẩu bốn tháng đầu năm ước đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, giảm 5,1% so cùng kỳ năm 2014. Trước tình hình đó, chiều 4-5, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành, các hiệp hội ngành hàng, một số DN xuất khẩu lớn.
Chồng chất khó khăn
Theo đánh giá của Cục Xuất, nhập khẩu (Bộ Công thương), tình trạng trên là do: nguồn cung của các nước xuất khẩu dồi dào, cạnh tranh gay gắt trên thị trường, điển hình là mặt hàng gạo và tôm chịu cạnh tranh từ Thái-lan, Ấn Ðộ; giá dầu thô giảm kéo theo chính sách duy trì giá trị đồng nội tệ thấp để thúc đẩy xuất khẩu của nhiều quốc gia; xu hướng bảo hộ của các nước gia tăng; các mặt hàng nông sản, thủy sản tiếp tục đối mặt những vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá, nhu cầu mấy tháng qua giảm sút. Mặc dù thị trường châu Phi vẫn có nhu cầu gạo trắng nhưng chủng loại mà họ cần thì Việt Nam chưa đáp ứng được. Ở Ðông – Nam Á, phải đến cuối tháng 5 hoặc tháng 6, một số nước như Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a mới mở thầu nhập khẩu gạo, do đó, VFA dự báo phải đến thời điểm đó thị trường mới sôi động trở lại.
Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, thời gian qua xuất hiện nhiều vụ kiện bán phá giá, tôm nhiễm bẩn, gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Tuy nhiên, Vasep cho rằng đây không phải là vấn đề mới, bởi tại một hội chợ của EU mới đây, sản phẩm Thái-lan cũng bị EU cảnh báo tương tự Việt Nam nhưng phía Thái-lan vào cuộc và phản bác khá quyết liệt. Ngoài ra, Vasep cũng cảnh báo hiện tượng diện tích nuôi cá tra, tôm đang giảm do khó khăn về tiêu thụ, dẫn tới quý III này, các cơ sở chế biến sẽ thiếu nguyên liệu. Theo Vasep, có ba nguyên nhân làm giảm diện tích nuôi gồm: tôm Ấn Ðộ rẻ hơn tôm của Việt Nam, giá thành nuôi của chúng ta cao hơn; các hộ nuôi gặp khó về tín dụng trang trải cho thức ăn chăn nuôi và mức lãi suất tín dụng vẫn cao. Vasep cho rằng, chúng ta có mạng lưới thương vụ ở nhiều nước, nhưng vai trò của các thương vụ hay cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài chưa thật sự nổi bật, xử lý công tác liên quan xuất, nhập khẩu, nhất là thông tin còn thụ động. Hiệp hội thường chủ động cập nhật thông tin cho các Tham tán thương mại, nhưng phần phản hồi chưa đáp ứng được yêu cầu, thường là chậm.
Trong khi đó, Hiệp hội Cà-phê – Ca-cao Việt Nam (Vicofa) cho rằng, Tây Nguyên đang hạn hán gay gắt. Vụ mùa cà-phê 2014-2015 chịu ảnh hưởng nặng của biến đổi khí hậu, sản lượng giảm 20% so với năm trước. Thời điểm này, giá cà-phê trong nước có phần cao hơn giá quốc tế, cho nên, nông dân đang găm hàng chờ giá lên. Một nguyên nhân nữa là do các nước điều chỉnh tỷ giá, nhất là Bra-xin đang điều chỉnh tỷ giá rất mạnh, In-đô-nê-xi-a cũng vậy, do đó giá cà-phê của họ rẻ hơn của Việt Nam. Cà-phê còn bị lũng đoạn bởi các quỹ đầu tư tài chính thế giới. Vicofa và một số đơn vị khác cũng phản ánh tình trạng các nước bỏ thủ tục kiểm dịch một số mặt hàng nhưng các cơ quan trong nước vẫn đòi hỏi giấy tờ này. Hiệp hội Rau quả (Vinafruit) cho biết, các loại phí trong vận tải thường có xu hướng tăng, cước vận tải nội địa cũng khá cao.
Các hiệp hội cho rằng, công tác xúc tiến thương mại (XTTM) chưa hiệu quả, nguồn kinh phí quá ít, dàn trải…, thực chất là giảm so với tỷ lệ xuất khẩu, giảm cả so với các nước chung quanh. Về vấn đề này, Bộ Công thương thừa nhận, XTTM đang bị hạn chế về nguồn lực, mỗi năm kinh phí của Nhà nước chỉ bố trí được khoảng 100 tỷ đồng. Các thương vụ hoạt động hiệu quả tại nhiều địa bàn như Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản… nhưng cũng có nhiều thương vụ hoạt động không hiệu quả, đứt đoạn hoặc không nắm chắc thông tin, hoặc thông tin không sử dụng được…
Cần giải pháp đồng bộ, dài hạn
VFA kiến nghị, về lâu dài, cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó trọng tâm là tổ chức lại sản xuất, chuyển đổi giống lúa theo hướng thị trường, nhất là coi trọng tổ chức lại hệ thống giống, canh tác và hậu cần kỹ thuật. Ðẩy mạnh gắn kết doanh nhân xuất khẩu gạo với nông dân để định hướng liên kết sản xuất các loại gạo phù hợp thị trường; mở thị trường mới, tạo sự ổn định cho sản phẩm gạo.
Vasep kiến nghị Bộ Công thương có các giải pháp bền vững hơn, XTTM cần bài bản hơn, thay đổi nội dung, hình ảnh bởi các nước như Ấn Ðộ, Thái-lan… ngày càng tập trung đầu tư XTTM rất chuyên nghiệp, trong khi đó, nếu chúng ta XTTM thụ động thì hiệu quả thấp. Khi đàm phán FTA với các đối tác, Bộ Công thương cần ưu tiên đòi hỏi quyền lợi đối với nhóm mặt hàng nông, thủy sản của chúng ta. Ðồng quan điểm này, Vicofa kiến nghị cần đổi mới XTTM kết hợp tổ chức các hội chợ, tổ chức giao thương ngay tại hội chợ. Phải có đoàn cấp cao Chính phủ, các bộ, ngành để XTTM, tiếp cận thị trường; cải cách thủ tục hành chính XTTM. Ðơn giản hóa thủ tục về kiểm dịch hàng hóa.
Thừa nhận tồn tại bất cập giữa các chính sách liên quan thủ tục hải quan, song đại diện Bộ Tài chính khẳng định, Hải quan có trách nhiệm nỗ lực cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan theo lộ trình ASEAN 6 . Tuần tới, Bộ Tài chính sẽ có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để rà soát danh mục mặt hàng xuất khẩu. Ðại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, năm nay sẽ nỗ lực giảm một nửa số thủ tục xuất khẩu thuộc thẩm quyền. Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính bỏ thuế VAT tiêu thụ lúa gạo.
Bộ Công thương đang tích cực chỉ đạo đàm phán các thị trường mới, tập trung vào lĩnh vực nông sản, thủy sản. Chỉ đạo thương vụ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để hỗ trợ xuất khẩu, chủ động phối hợp hiệp hội ngành hàng phục vụ chiến lược kinh doanh. Ngay sau đây, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thành lập tổ công tác trực tiếp xử lý vướng mắc trong xuất khẩu nông sản và tổ công tác này sẽ thường xuyên đối thoại với các DN để lắng nghe, tìm cách tháo gỡ khó khăn. Ưu tiên phê duyệt các đề án XTTM đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản thuộc Chương trình XTTM quốc gia hằng năm. Hỗ trợ các địa phương, DN, hiệp hội ngành hàng trong xây dựng, bảo vệ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý vùng, miền. Theo dõi sát tình hình phát sinh, rào cản thương mại của các thị trường nhập khẩu, từ đó đề xuất các phương án đấu tranh hiệu quả đối với các rào cản thương mại không phù hợp.
Bộ Công thương thừa nhận khâu yếu hiện nay chính là tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, dẫn đến các khâu liên quan đều yếu kém. Ðiều đó cho thấy sự cần thiết và cấp bách tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Bộ Công thương sẽ có đánh giá kỹ hơn về năng lực cạnh tranh, giá đầu vào, xuất khẩu nhằm đề ra các biện pháp cụ thể giảm giá thành sản phẩm, kiểm soát chi phí đầu vào. Bộ Công thương sẽ khẩn trương phối hợp Bộ NN-PTNT tổ chức đánh giá xuất khẩu nông sản sang một số thị trường truyền thống; tính toán lại cân đối lưu thông, phân phối, ổn định thị trường, chú trọng một số mặt hàng rau quả, trái cây có tính thời vụ. Thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp mới theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp; phát triển các thị trường tiêu thụ mới.
Tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm, hoàn chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất khẩu. Trên cơ sở đó xây dựng lộ trình bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi xuất khẩu. Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị sản xuất. Tập huấn cho các hộ nông dân sản xuất, nuôi trồng, chế biến nhóm hàng này cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm soát dư lượng kháng sinh, các mô hình thực hành sản xuất tốt… Bộ Công thương cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét các chính sách tín dụng, bảo lãnh tín dụng với các DN nhỏ và vừa, hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn với lãi suất thấp, ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và áp dụng chính sách tỷ giá hợp lý, góp phần hỗ trợ xuất khẩu…
Bốn tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 4,5 tỷ USD, giảm 5,1%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 1,9 tỷ USD, giảm 15%; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 6,6% so cùng kỳ năm 2014. Xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh như cao-su, chè, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ trong bốn tháng có tăng trưởng nhưng không cao. |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()