Gỡ khó cho xây dựng nông thôn mới ở Tiền Giang
Mặc dù, ba năm qua tỉnh Tiền Giang nỗ lực tập trung các nguồn lực đầu tư, lồng ghép các dự án, chương trình đẩy mạnh việc xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng kết quả đạt được còn rất "khiêm tốn", đòi hỏi các giải pháp tháo gỡ với quyết tâm cao.
Nhiều tiêu chí khó hoàn thành
Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang đầu tư 175 công trình giao thông các loại, với tổng vốn gần 194 tỷ đồng (trong đó tập trung cho xã điểm, xã diện). Cơ sở vật chất giáo dục, văn hóa, y tế, chợ nông thôn, điện… cũng được đầu tư, cải tạo, nâng cấp tạo thuận lợi cho sinh hoạt, cải thiện đời sống người dân nông thôn. Đó là kết quả từ nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương các cấp, các ngành của tỉnh, sự đồng tình, hưởng ứng đóng góp tích cực của nhân dân. Mặc dù, kết quả đạt được bước đầu đáng ghi nhận, nhưng nhìn chung tiến độ thực hiện còn khá chậm, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong đẩy nhanh tiến độ nâng chất các tiêu chí xây dựng NTM. Theo thống kê, tính đến cuối năm 2013, trong tổng số 145 xã (11 xã điểm, 19 xã diện) chỉ có một xã đạt 15 tiêu chí, 11 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; 94 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và còn đến 39 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên có nhiều, nhưng chủ yếu là do nhận thức của một số cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành và người dân chưa đúng, chưa đầy đủ về nội dung, phương pháp, cách làm trong thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM. Thực tế cũng phải nhìn nhận rằng, các khó khăn, hạn chế trong xây dựng NTM ở các xã điểm, xã diện trong thời gian qua có nguyên nhân không nhỏ từ chính quyền cơ sở. Đó là tư tưởng trông chờ vào nguồn lực đầu tư từ cấp trên; chưa khơi dậy và phát huy hết nguồn lực nội tại… Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Huỳnh Hữu Hòa, cho rằng, bên cạnh nguồn lực đầu tư từ các cấp, các ngành thì sự chủ động, phát huy sức mạnh cộng đồng, nguồn lực nội tại ở các xã là cực kỳ quan trọng, nhất là hoàn thành những tiêu chí không cần nhiều nguồn lực đầu tư. Cụ thể, việc xây dựng, tổ chức các mô hình sản xuất theo cộng đồng còn nhiều khó khăn; việc triển khai thực hiện các tiêu chí chưa đồng bộ; chưa khơi dậy nhận thức, nội lực, tiềm năng của địa phương, cộng đồng dân cư. Tuy các xã có phân công công việc cho cán bộ phụ trách từng tiêu chí nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc; các xã còn tư tưởng trông chờ vào nguồn vốn Nhà nước, lúng túng trong việc xác định phần việc để thực hiện. Do vậy, việc đạt tiêu chí thu nhập ở xã thuần nông rất khó hoàn thành…
Chung tay gỡ khó
Mục tiêu của Tiền Giang đề ra là đến năm 2015, ít nhất 11 xã điểm, 19 xã diện đạt chuẩn về NTM. Thế nhưng, hiện nay trong 11 xã điểm chỉ có xã Tân Mỹ Chánh đạt 15 tiêu chí, xã Mỹ Phong đạt 13 tiêu chí, 9 xã còn lại mỗi xã chỉ đạt từ 9 đến 11 tiêu chí trong khi hạn định xã đạt chuẩn NTM đang đến rất gần. Còn đối với các xã diện, đến thời điểm này có xã chỉ mới đạt 6 tiêu chí như xã Bình Xuân (thị xã Gò Công), Tân Thới (huyện Tân Phú Đông) và chưa có xã nào đạt tiêu chí giao thông và cơ sở vật chất văn hóa. Trong khi đó, để hiện đại hóa nông thôn, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân, yêu cầu trước tiên phải là phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó, chủ yếu là điện, đường, trường, trạm. Nói về vai trò của cơ sở hạ tầng đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Đoàn Văn Thơ khẳng định: “Cơ sở hạ tầng là đòn bẩy để phát triển kinh tế – xã hội. Chỉ có cơ sở hạ tầng phát triển mới thúc đẩy sản xuất, thu hút doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông thôn, nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân, nhất là đối với huyện mới thành lập như Tân Phú Đông. Cụ thể, năm năm qua, trung bình hằng năm, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trung bình hơn 400 tỷ đồng, giúp cải thiện nhanh hạ tầng cơ sở của huyện cù lao, đời sống, điều kiện sinh hoạt người dân được nâng lên thấy rõ”.
Điều đáng chú ý là, phát triển cơ sở hạ tầng trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn hạn chế, các địa phương cần linh hoạt, tận dụng, phát huy sức mạnh cộng đồng qua tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng. Bài học xây dựng NTM ở Tân Thanh (Cái Bè), Tân Mỹ Chánh (TP Mỹ Tho)… cho thấy, một khi người dân thấy được lợi ích thiết thực từ dự án, công trình đối với cộng đồng thì họ sẵn sàng tham gia, hưởng ứng. Chủ tịch UBND xã Tân Thanh Bùi Văn Tính cho biết: Sự thông hiểu, đồng thuận cao trong dân là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp Tân Thanh sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM”. Thật vậy, khi triển khai mở rộng, xây dựng mới các công trình giao thông, người dân xã Tân Thanh không chỉ hiến đất làm đường mà còn bỏ tiền ra làm nền hạ. Tại ấp 1 (Tân Thanh)- nơi công trình giao thông nông thôn đang thi công, chị Nguyễn Thị Loan cho biết: “Trước đây con đường vào khu này rất khó đi, nhất là mùa mưa bị sình lầy không thể đi xe máy được. Vì thế, khi có chủ trương xây dựng tuyến đường này gia đình tôi tự nguyện hiến 80 m 2 để mở rộng đường. Không chỉ vậy, gia đình tôi còn đóng góp khoảng 5 triệu đồng để bơm cát làm nền hạ của đường vì biết rằng so với lợi ích từ tuyến đường mang lại đối với xóm làng và gia đình thì có là bao. Cái được lợi nhiều hơn cái bỏ ra thì có gì phải đắn đo!”.
Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh Tiền Giang cần tăng cường đưa các mô hình, dự án, chương trình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm tăng hiệu quả sản xuất, giảm tác động ô nhiễm môi trường; xây dựng các mô hình cộng đồng, sản xuất hợp tác trong nông nghiệp mẫu, điểm hiệu quả, sau đó nhân rộng cho các xã còn lại. Và khi các mô hình hiệu quả được người dân hưởng ứng, kinh tế nông thôn phát triển, thu nhập người dân được nâng lên cùng với đó là trình độ dân trí, nhu cầu thưởng thức văn hóa được cải thiện. Có như thế nông thôn mới thật sự phát triển bền vững.
Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn hiện nay, Phó trưởng Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang Nguyễn Thanh Cẩn cho biết: Năm 2014, tỉnh huy động hơn 200 tỷ đồng, thi công 300 công trình giao thông nông thôn, với tổng chiều dài hơn 224 km. Trước mắt tỉnh ưu tiên tập trung hỗ trợ 11 xã điểm hoàn thành tiêu chí phát triển giao thông nông thôn ngay trong năm nay, từ đó, tạo điều kiện hỗ trợ, giúp các xã trên sớm hoàn thành 100% số tiêu chí xây dựng NTM theo lộ trình đã được duyệt. Riêng các xã còn lại, tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra lập kế hoạch thực hiện cho từng công trình cụ thể, có biện pháp phân khai nguồn vốn để sớm tổ chức thi công đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đối với sản xuất và đời sống, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()