Gỡ khó cho hoạt động xuất khẩu qua biên giới phía bắc
Từ đầu năm đến nay, tại các cửa khẩu, lối mở ở những tỉnh phía bắc như Lào Cai, Quảng Ninh và Lạng Sơn… xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan qua lối mở cầu phao km3 4 Hải Yên, Móng Cái (Quảng Ninh). |
Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung Quốc siết chặt hoạt động xuất nhập khẩu liên quan đến các vấn đề về xuất xứ, bao bì, nhãn mác, chất lượng thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Trung Quốc, là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua.
Hàng hóa thông quan vẫn còn chậm
Nhằm khôi phục, ổn định hoạt động xuất nhập khẩu, chính quyền thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) đã tích cực trao đổi qua đường dây nóng, qua thư trao đổi, tổ chức hội đàm với Chính quyền nhân dân thành phố Đông Hưng (Trung Quốc), tìm các giải pháp tối ưu, khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu trong điều kiện an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Hai bên đã thống nhất thiết lập “Vùng xanh an toàn”, “Luồng xanh an toàn” tại các khu vực cửa khẩu, lối mở với các phương án cụ thể để cùng thống nhất thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Thành, đại diện Công ty xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương chia sẻ: Thời gian vừa qua, chúng tôi thực hiện đầy đủ các quy định công tác phòng, chống dịch tại khu vực cửa khẩu theo quy định. Chúng tôi mong muốn chính quyền cùng các ngành chức năng của hai địa phương sẽ hội đàm thống nhất đưa ra phương án, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng hàng hóa đưa ra đến cửa khẩu bị nằm lại.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, từ đầu năm đến ngày 14/9, tổng trọng lượng hàng hóa qua các cửa khẩu đạt 582.657 tấn, giảm nhiều so cùng kỳ 2021. Trong đó, cửa khẩu cầu Bắc Luân II đạt 22.002 phương tiện gồm 5.943 phương tiện Việt Nam xuất cảnh và 16.059 phương tiện Trung Quốc nhập cảnh, trung bình đạt 141 phương tiện/ngày. Hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 349.124 tấn, bình quân đạt 2.238 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu /ngày. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố Móng Cái đạt 2.130,71 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 958,14 triệu USD, nhập khẩu đạt 1.172,57 triệu USD, thu ngân sách nhà nước đạt 988,6 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cho biết: Để nhanh chóng giúp các xe hàng thông quan và bảo đảm các điều kiện phòng dịch bên phía bạn, thành phố đã chỉ đạo các ngành, khối cửa khẩu triển khai phương án quản lý làm việc khép kín tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân II, Lối mở km3 4 Hải Yên, thiết lập “Vùng xanh an toàn”, triển khai hệ thống phun khử khuẩn tự động, tăng cường công tác phối hợp, quản lý giữa các ngành liên quan, phù hợp với chiến lược “Zero Covid” của phía nước bạn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) trung bình một ngày có khoảng 220 phương tiện Trung Quốc chở hàng hóa nhập khẩu, 60 phương tiện Việt Nam chở hàng hóa xuất khẩu qua đây. Các phương tiện Việt Nam vận chuyển hàng hóa xuất khẩu đến cửa khẩu Kim Thành đều thông quan trong ngày, không bị tồn đọng. Riêng phương tiện xe thùng rỗng Trung Quốc (xe đã sang tải hàng hóa nhập khẩu xong chờ nhập cảnh về nước) tính đến hết ngày 16/9/2022, tại Cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành tồn khoảng gần 200 phương tiện, do số lượng lái xe của Trung Quốc ít nên tốc độ luân chuyển phương tiện chậm, dẫn đến tồn đọng ở cửa khẩu.
Theo ông Hoàng Chí Hiền, Giám đốc Sở Công thương Lào Cai, trong năm 2022, ngoài việc tiếp tục siết chặt quản lý hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam có nguồn gốc từ các vùng có dịch Covid-19, thì Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Theo đó, cơ quan Hải quan phía Trung Quốc siết chặt quản lý hàng hóa nhập khẩu liên quan đến các vấn đề về xuất xứ, bao bì, nhãn mác, chất lượng thực phẩm, nhất là đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam. “Điều này đã ảnh hưởng lớn tới tốc độ thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới trên đất liền với Trung Quốc, thậm chí có thời điểm gây ùn tắc hàng hóa nghiêm trọng tại khu vực cửa khẩu. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây sụt giảm kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua”, ông Hiền nhấn mạnh.
Trong khi đó, tại tỉnh Lạng Sơn hiện chỉ còn 4/12 cặp cửa khẩu gồm: Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Cao Lộc); Cửa khẩu phụ Tân Thanh (Văn Lãng); cửa khẩu song phương Chi Ma (Lộc Bình) và ga đường sắt Đồng Đăng, cơ bản duy trì hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu. Hiện năng lực thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trung bình đạt 650 đến 700 xe/ngày, cơ bản hàng hóa vận chuyển lên các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đều được thông quan trong ngày.
Phó Chi cục trưởng Hải quan Tân Thanh Phùng Văn Ba chia sẻ: Từ khi xuất hiện dịch Covid-19, phía Trung Quốc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch hết sức nghiêm ngặt, khi phát hiện các ca lây nhiễm Covid-19, thì thực hiện ngay khoanh vùng, phong tỏa, cách ly, hạn chế đi lại do đó dẫn tới việc thiếu lái xe, doanh nghiệp, chủ hàng, người làm thủ tục hải quan… dẫn đến việc thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu bị chậm, ít hơn so với các năm trước.
Đồng hành tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp
Để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa, hiện nay các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn và các địa phương ở phía bắc có cửa khẩu, lối mở với Trung Quốc đang tích cực chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, thiết lập “vùng đệm” nhằm kiểm soát dịch trên người và hàng hóa, điều tiết hợp lý hàng hóa vào các cửa khẩu để giữ “Vùng xanh an toàn”, có các giải pháp hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp.
Điển hình như tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như: thiết lập “vùng đệm” nhằm kiểm soát dịch trên người và hàng hóa, điều tiết hợp lý hàng hóa vào các cửa khẩu để giữ “vùng xanh khu vực cửa khẩu”; chuyển đổi mô hình quản lý Đội lái xe chuyên trách tại cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị để quản lý tập trung, toàn diện, bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Ban hành phương án thiết lập “vùng xanh” phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực các cửa khẩu. Ngoài ra, tỉnh triển khai thành công Nền tảng cửa khẩu số tại các cửa khẩu Tân Thanh, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị từ ngày 21/2/2022 nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp.
Các cơ quan chức năng tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cập nhật tình hình và thường xuyên khuyến cáo bằng văn bản cũng như đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu; thông tin kết nối đến các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các tỉnh có nguồn hàng xuất khẩu lớn qua các cửa khẩu của tỉnh để phối hợp tuyên truyền và đưa ra các khuyến cáo… Mặt khác kiểm tra, rà soát các loại phí, giá dịch vụ và công bố, niêm yết công khai, minh bạch các khoản chi phí liên quan đến hoạt động thông quan xuất, nhập khẩu hàng hóa hai bên khu vực cửa khẩu, lối mở trên địa bàn.
Theo Cục trưởng Hải quan Lạng Sơn Nguyễn Hồng Linh, cơ quan chức năng luôn đồng hành với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa để tháo gỡ mọi khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất giúp doanh nghiệp thông quan được thuận lợi. Đồng thời chủ động phối hợp chặt với các lực lượng chức năng, doanh nghiệp kinh doanh bến bãi trên địa bàn thường xuyên trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để sớm khôi phục lại hoạt động xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu đã bị đóng cửa do dịch Covid-19.
Với phương châm “hết việc chứ không hết ngày”, để hỗ trợ các doanh nghiệp và duy trì hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả, chính quyền và các ngành chức năng của Quảng Ninh, Lào Cai đã chủ động phối hợp, triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa được thông suốt.
Hiện tỉnh Lào Cai đã điều chỉnh giảm mức thu phí sử dụng hạ tầng tại cửa khẩu đối với các phương tiện vận chuyển nông sản, lâm sản, khoáng sản. Thường xuyên duy trì cơ chế trao đổi thông tin liên lạc với phía Hà Khẩu (Trung Quốc), thiết lập đường dây nóng 24/7 giữa hai bên để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; thành lập Tổ công tác chuyên trách của mỗi bên để trao đổi, gặp mặt và tổ chức các chương trình Hội đàm trực tuyến để kịp thời trao đổi thông tin, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, bất cập trong hoạt động xuất, nhập khẩu.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhằm duy trì, nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là nông sản, hàng hóa xuất khẩu; qua đó thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu để phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp, cũng như tiêu dùng của nhân dân hai nước sẽ tăng cao. Vì vậy, để hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu tại các tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai và Lạng Sơn… rất cần có sự quan tâm chỉ đạo vào cuộc của các bộ, ban, ngành Trung ương trong việc phối hợp với nước bạn Trung Quốc nhằm đưa ra các giải pháp, chính sách phù hợp, từng bước tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, thúc đẩy hoạt động thương mại khu vực biên giới đạt hiệu quả.
Ý kiến ()