Gỡ khó cho gạo xuất khẩu
Trong hoàn cảnh xuất khẩu gạo đang suy giảm, nhiều giải pháp đang được nỗ lực thực hiện nhằm gỡ khó cho một trong những ngành nghề xuất khẩu chủ lực này.
– Trong hoàn cảnh xuất khẩu gạo đang suy giảm, nhiều giải pháp đang được nỗ lực thực hiện nhằm gỡ khó cho một trong những ngành nghề xuất khẩu chủ lực này.
Xuất khẩu gạo gặp khó
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng gạo xuất khẩu trong tháng chín ước đạt 471 nghìn tấn, đạt giá trị 214 triệu USD. Tính chung chín tháng, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 5,35 triệu tấn, tương đương 2,35 tỷ USD, giảm 14,3% về khối lượng và giảm 16,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012. Ông Phạm Văn Bảy – Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: “Tình hình xuất khẩu gạo hiện gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều hợp đồng gạo đã hết hạn và nhiều hợp đồng khác bị hủy. Kế hoạch xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo cho cả năm khó đạt được”.
Liên tục từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo đứng trước sự sụt giảm mạnh cả về lượng và giá. Nguyên nhân là do dư thừa nguồn cung bởi các quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh đều đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Đặc biệt, “đối thủ số một” về xuất khẩu gạo của Việt Nam là Thái-lan vẫn đang tiếp tục “xả” kho hàng tạm trữ. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của ta là Trung Quốc đã tạm dừng nhập hàng để chờ giá xuống thấp hơn nữa. Theo thống kê của VFA, trong tháng chín, xuất khẩu gạo từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 45 nghìn tấn, trong khi đó, tổng lượng xuất khẩu trong tám tháng trước đạt 1,62 triệu tấn (tương đương 180 nghìn tấn/tháng). Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai là châu Phi cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi gạo Ấn Độ vốn có lợi thế về giá do khoảng cách địa lý gần hơn.
Ông Phạm Văn Bảy cho biết, hiện nhiều địa phương đang chuẩn bị bước vào thu hoạch vụ hè thu muộn và thu đông, do đó, nguồn cung trong nước sẽ tiếp tục tăng lên. Nếu bán tháo trong thời điểm hiện tại, DN sẽ bị lỗ khoảng 30 USD/tấn gạo.
“Gỡ khó” cho xuất khẩu gạo
Trước mắt, để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo, VFA đang tiếp tục kiến nghị Chính phủ gia hạn tạm trữ để tránh DN bán tháo. Tính đến nay, lượng lúa tồn kho đang vào khoảng gần 800 nghìn tấn.
Bên cạnh đó, thời gian qua, các Bộ, ngành đã phối hợp với nhau nhằm giải bài toán thị trường cho gạo Việt. Cụ thể, với thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất nước ta là Trung Quốc, vừa qua, Trung Quốc và Việt Nam đã tiến hành trao đổi danh sách các DN xuất nhập khẩu gạo hai bên. Động thái này nhằm mục đích kết nối cung cầu và được kỳ vọng sẽ giúp DN ký được thêm nhiều hợp đồng mới trong thời gian tới.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh tìm kiếm các thị trường mới cũng được cho là giải pháp sống còn cho các DN gạo hiện nay. Trong tháng tám vừa qua, Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) về thương mại gạo với Comoros (một quốc gia ở khu vực Đông Phi) với nội dung Việt Nam sẽ cung cấp cho Comoros 60 nghìn tấn gạo mỗi năm trong thời gian từ tháng 8-2013 đến hết tháng 12-2015. Ông Phan Văn Chinh – Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, Bộ cũng đang tích cực đàm phán với thị trường Philippines và một số quốc gia khác thuộc khu vực châu Phi với hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ mở thêm được một số thị trường mới cho gạo xuất khẩu. “Với những thị trường mới, có thể thời gian đầu tiên lượng gạo xuất khẩu chưa cao, nhưng đây cũng sẽ là giải pháp gỡ khó cho xuất khẩu gạo, đặc biệt trong tình hình hiện nay”, ông Chinh khẳng định.
Ngoài ra, ông Chinh cho biết thêm, Bộ Công Thương và các địa phương đang tích cực triển khai Quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo. Tính đến nay, Bộ đã cấp giấy phép cho 32 DN đầu mối thương nhân xuất khẩu gạo. Mục tiêu của Quy hoạch này là từ nay đến năm 2015 sẽ kiện toàn, ổn định số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, bảo đảm tối đa 150 đầu mối. Khi hoàn thành, Quy hoạch này được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo với số lượng, quy mô và năng lực kinh doanh đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh với gạo thế giới.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()