Gỡ khó cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng
Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại Viglacera Hạ Long. Thời gian gần đây, mặc dù đã có chuyển biến nhưng các doanh nghiệp (DN) xây dựng cũng như sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) vẫn gặp nhiều khó khăn, nguy cơ đóng cửa một số nhà máy là rất lớn. Để duy trì sản xuất, các DN VLXD cần chủ động điều tiết sản xuất, đẩy mạnh bán hàng, giảm lượng tồn kho...; đồng thời cần sự chung tay giúp sức từ các chính sách hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan.Sản phẩm tồn đọng, công nhân thiếu việc làm 300 công nhân của Công ty CP xi-măng Hữu Nghị (Khu công nghiệp Thụy Vân, Phú Thọ) đã phải nghỉ việc luân phiên từ cuối năm 2011. Nhà máy công suất một triệu tấn clanh-ke/năm của công ty hiện chỉ còn duy trì hoạt động một lò, hai lò còn lại phải tạm dừng. Trợ lý sản xuất Tổng Giám đốc Công ty CP xi-măng Hữu Nghị (Phú Thọ) Phan Văn Lộc cho biết, với tình hình tiêu thụ xi-măng bi đát như hiện nay thì công ty chỉ có thể hoạt động cầm chừng (chạy 30%...
Dây chuyền đóng gói sản phẩm tại Viglacera Hạ Long. |
Sản phẩm tồn đọng, công nhân thiếu việc làm
300 công nhân của Công ty CP xi-măng Hữu Nghị (Khu công nghiệp Thụy Vân, Phú Thọ) đã phải nghỉ việc luân phiên từ cuối năm 2011. Nhà máy công suất một triệu tấn clanh-ke/năm của công ty hiện chỉ còn duy trì hoạt động một lò, hai lò còn lại phải tạm dừng. Trợ lý sản xuất Tổng Giám đốc Công ty CP xi-măng Hữu Nghị (Phú Thọ) Phan Văn Lộc cho biết, với tình hình tiêu thụ xi-măng bi đát như hiện nay thì công ty chỉ có thể hoạt động cầm chừng (chạy 30% công suất), không dám để lượng hàng tồn kho quá lớn bởi đặc thù của sản phẩm xi-măng là, nếu để hàng tồn kho quá lâu thì xi-măng sẽ bị vón cục, trở thành phế phẩm, lúc đó muốn đổ đi cũng không có chỗ để đổ.
Không chỉ xi-măng, nhiều mặt hàng VLXD khác cũng lâm vào tình trạng tương tự. Thép Việt – Sing (NSV) của Công ty TNHH NatSteelVina (Thái Nguyên) cũng đang phải đối mặt với khó khăn không tiêu thụ được sản phẩm. Năm 2011, công ty vừa nâng cấp dây chuyền sản xuất nâng tổng công suất cán thép lên 250 nghìn tấn/năm, thế nhưng đến nay, dây chuyền sản xuất này chỉ hoạt động năm ngày/tháng với mục tiêu duy nhất là cố gắng duy trì sản phẩm trên thị trường để thương hiệu không bị “mất hút”. Hơn 200 công nhân của công ty đã phải nghỉ chờ việc từ nhiều tháng nay, nhưng công ty vẫn phải “gồng mình” duy trì 70% lương hằng tháng cho công nhân. Cứ tình trạng này kéo dài, chắc chắn DN này không thể trụ vững.
Theo thống kê của Hội Vật liệu xây dựng, tình hình tiêu thụ VLXD từ đầu năm đến nay giảm mạnh. Nhiều đơn vị đã phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, thậm chí một số đơn vị đang bên bờ vực phá sản. Tình hình đầu tư, sản xuất đều ách tắc, theo quy hoạch sẽ có khoảng năm dự án xi-măng đưa vào sản xuất trong năm nay nhưng đến thời điểm này mới chỉ có một dự án đi vào hoạt động là Xi-măng Hà Tiên 2-2. Đến cuối tháng 8, sản phẩm tồn kho của Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) ước khoảng 1,2 triệu tấn, trong khi xuất khẩu cũng đang gặp nhiều khó khăn do có nhiều đơn vị cùng tìm hướng xuất khẩu, dẫn đến cạnh tranh phá giá, làm cho hoạt động xuất khẩu bị rối loạn.
Trong khi đó, ngành sản xuất đá ốp lát với gần 2.000 cơ sở lớn với hơn 60 nghìn lao động, năng lực sản xuất 10 triệu m3 sản phẩm/năm nhưng hiện tại còn 50% số lao động không có việc làm. Con số tồn kho đầu năm 2012 của ngành gốm sứ xây dựng đã tăng lên 20% (tính cả lượng tồn kho lũy kế tại các đơn vị sản xuất và cả tồn kho từ các đại lý chưa bán hàng tới người tiêu dùng) với hơn 40 triệu m2 gạch ốp lát và hơn một triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương hơn 3.000 tỷ đồng. Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng Đinh Quang Huy cho biết: Ngành gốm sứ xây dựng hiện chỉ khai thác 70% công suất thiết kế, sức mua thị trường sụt giảm từ cuối năm 2011. Phần lớn các đơn vị đều dừng sản xuất từ một đến hai tháng, một phần để bảo dưỡng máy móc, nhưng chủ yếu do hàng tồn đọng, sức mua sụt giảm nghiêm trọng, giá bán không tăng được trong khi các chi phí đầu vào đều tăng cao và chắc chắn khó có lợi nhuận trong năm nay.
Cùng chung hoàn cảnh, sản phẩm kính xây dựng cũng đang bế tắc. Tổng Thư ký Hiệp hội Kính Việt Nam Nguyễn Văn Chung cho biết: Từ đầu năm đến nay, mức độ tiêu thụ kính giảm rõ rệt. Đối với sản xuất kính nổi mặc dù đã tiết giảm sản xuất nhưng lượng tồn kho vẫn tăng cao do tiêu thụ khó khăn. Cụ thể, lượng sản xuất của bốn nhà máy kính nổi trong nước chỉ đạt 90% công suất (tương đương 273 nghìn tấn), nhưng tiêu thụ chỉ đạt 191 nghìn tấn, tương đương 70% lượng sản xuất, tồn kho đến cuối tháng 6 khoảng 264 nghìn tấn, tương đương 5,2 tháng sản xuất. Kính nổi đã vậy, còn kính gia công cũng giảm mạnh về lượng tiêu thụ như kính cường lực và kính dán an toàn ước tính giảm khoảng 40-45% so với cùng kỳ. Đặc thù của ngành sản xuất kính là phải sản xuất liên tục, sản phẩm tồn kho cao đồng nghĩa với việc phải giảm công suất, thu hồi sản phẩm để tái sản xuất, gây thiệt hại lớn cho DN. Trong trường hợp buộc phải dừng sản xuất thì khi tái khởi động dây chuyền phải chi phí hàng chục tỷ đồng. Đối với những vật liệu xây không nung như gạch bê-tông khí chưng áp được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi, hỗ trợ nhưng tại thời điểm này cũng đang gặp khó khăn. Hiện cả nước có 12 nhà máy sản xuất bê-tông khí chưng áp với công suất thiết kế 1,5 triệu m2 nhưng mới chỉ hoạt động khoảng 15% công suất thiết kế và lượng tiêu thụ cũng khoảng tương đương.
Một trong những ngành có lượng hàng tồn kho tương đối lớn hiện nay là thép xây dựng. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Tiến Nghi cho biết, đến tháng 8, các DN sản xuất thép còn tồn kho khoảng 350 nghìn tấn. Ông Nghi đánh giá, lượng tiêu thụ thời gian qua rất thấp, giảm khoảng 70 – 90 nghìn tấn so mức tiêu thụ bình quân hằng năm. Điều đáng ngại nhất hiện nay là thép đang rơi vào tình trạng khó tiêu thụ, mặc dù giá chững ở mức thấp (dưới 15 triệu đồng/tấn chưa bao gồm thuế VAT) nhưng vẫn không tiêu thụ được. Trong tám tháng qua, cả sản xuất và tiêu thụ thép đều giảm 8 đến 9% so cùng kỳ, hiện tại lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng DN thép cũng không dám vay do sản xuất bị ngưng trệ, tiêu thụ chậm. Với tình hình tiêu thụ thép khó khăn, nhiều tháng nay, phần lớn các DN sản xuất thép đã phải cắt giảm sản xuất, một số DN phải tạm đóng cửa nhà máy.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Phải nói rằng, tình hình khó khăn của các DN sản xuất VLXD cũng nằm trong khó khăn chung của toàn nền kinh tế. Theo các chuyên gia, có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như: Chính phủ thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát như cắt giảm đầu tư công, các chi phí đầu vào tăng cao, thị trường bất động sản ảm đạm…, Tuy nhiên trong đó cũng có một phần nguyên nhân chủ quan, đó là khả năng quản trị kinh doanh cũng như năng lực tài chính của các DN yếu kém. Đã đến lúc cần có những giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đồng bộ từ chính các DN cũng như từ các bộ, ban, ngành liên quan, nhằm cùng chung sức tháo gỡ khó khăn, giúp DN vượt qua giai đoạn này.
Trước hết, các DN sản xuất VLXD cần chủ động triển khai giải pháp tăng cường tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho bằng các hình thức bán hàng linh hoạt. Tập trung triển khai tái cấu trúc DN, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giảm bớt các chi phí trung gian, từng bước hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh. Các DN cũng như các hiệp hội VLXD mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành sớm ban hành những chính sách phù hợp, nhằm từng bước phục hồi thị trường bất động sản, nới lỏng đầu tư công, giảm lãi suất và xử lý về thuế… Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam Trần Văn Huynh cho rằng, Nhà nước cần có chính sách kích cầu xây dựng, tạo thị trường để tiêu thụ các loại VLXD, đồng thời có chế tài mạnh hơn, khuyến khích các nhà thầu và chủ đầu tư sử dụng vật liệu trong nước theo phương châm “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”. Đẩy mạnh chương trình vật liệu không nung, chương trình chế tạo thiết bị trong nước cùng với rà soát lại quy hoạch VLXD, quy hoạch xi-măng, xây dựng chiến lược xuất khẩu VLXD. Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Nguyễn Văn Thiện cho biết, đến nay, thị trường trong nước tiêu thụ giảm từ 8 đến 10% so cùng kỳ, đề nghị Chính phủ giảm thuế VAT cho xi-măng từ 10% xuống 5%, đồng thời điều chỉnh giá bán than cho xi-măng ở mức hợp lý và nới rộng hạn mức cho vay đầu tư xi-măng, đẩy nhanh các chương trình, dự án đầu tư làm đường giao thông nông thôn và đường cao tốc sử dụng bê-tông xi-măng…
Một trong những giải pháp đang được nhiều DN mong đợi là việc đẩy nhanh giải ngân vốn cho các dự án đầu tư công. Cùng với đẩy nhanh giải ngân vốn, việc tích cực triển khai Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là bước khởi đầu tích cực tạo đà phá vỡ thế bế tắc đối với việc tiêu thụ các loại VLXD. Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Trong lĩnh vực VLXD, Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu đề xuất để Thủ tướng Chính phủ có chính sách tháo gỡ khó khăn với những giải pháp cụ thể. Đồng thời rà soát các quy hoạch sản xuất VLXD, trong đó có việc kiểm tra thực hiện các quy hoạch, dự án… Trong khi chờ đợi những chính sách tháo gỡ từ phía Nhà nước, trước mắt các DN sản xuất, kinh doanh VLXD cần chủ động trong việc tái cấu trúc lại DN, tìm hướng đi mới cho đơn vị mình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()