Gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải, cảng biển
Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp vận tải và cảng biển (lần thứ hai) do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức mới đây, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công đánh giá, tình trạng chung của các doanh nghiệp (DN) vận tải biển và cảng biển của nước ta, đặc biệt các DNNN là năng lực quản trị kém, bộ máy cồng kềnh, chi phí lớn, sức cạnh tranh yếu,... Chủ động sáng tạo để đổi mới mình, tự đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực hoạt động là lối thoát duy nhất giúp các DN vận tải, cảng biển tiếp tục trụ vững và phát triển.
Hoạt động khó khăn, làm ăn thua lỗ
Việc triển khai kiểm soát tải trọng xe một cách gắt gao, mạnh mẽ và liên tục trong hơn chín tháng qua đã đẩy giá cước vận tải đường bộ tăng cao, một số chủ hàng chuyển hướng sang sử dụng vận tải biển và đường thủy nội địa. Tuy nhiên, kết quả thực tế không như mong đợi. Trong tám tháng năm nay, tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của cả nước đạt khoảng 250 triệu tấn (tăng 17% so cùng kỳ năm trước), trong khi vận tải biển chỉ đạt 63 triệu tấn (tăng 2% so cùng kỳ), với 17,2 triệu tấn vận tải ngoài nước, cho thấy vận tải biển tăng trưởng chưa rõ rệt. Nguyên nhân do năng lực của các DN vận tải biển trong nước còn nhiều hạn chế. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đơn vị có đội tàu chiếm tới 50% tổng trọng tải cả nước, đạt mức tăng trưởng ở con số âm 4%. “Nhà nước sẽ hỗ trợ hết mình về mặt cơ chế, chính sách nhưng sẽ không hỗ trợ về vốn, các DN không nên trông chờ Nhà nước, mà phải chủ động tìm cách nâng cao năng lực quản trị, bộ máy ma-két-ting,… để có thể tiếp tục vững mạnh phát triển”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công khẳng định.
Bên cạnh đó, nhiều nguyên nhân khách quan khác cũng dẫn đến tình trạng hoạt động khó khăn, làm ăn ngày càng thua lỗ của các DN vận tải biển, cảng biển. Ðại diện Công ty Liên doanh Bông Sen cho biết: Nhiều loại hàng hóa tại các cảng biển của nước ta hiện nay chưa có giá sàn, các DN khai thác cảng biển đua nhau phá giá, cạnh tranh thiếu lành mạnh. Ðiều này tất yếu gây thiệt hại cho các DN trong nước, để các chủ tàu công ty nước ngoài “ngư ông đắc lợi”. Thí dụ, đối với hàng hóa thông thường, nhất là sắt thép, trước đây thu theo giá Bộ Tài chính quy định, công bố 3,1 USD/tấn, nay nhiều cảng để thu hút hàng vào cảng, đã phá giá chỉ thu 1,1 USD/tấn.
Ðại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn cho biết: Tuy lãnh đạo các cảng biển đã có cam kết chở hàng hóa đúng trọng tải, nhưng nhiều cảng biển thực hiện không nghiêm túc, gây thiếu công bằng trong cạnh tranh. Ngoài ra, chưa kể một số cảng còn để xảy ra những tiêu cực như xe ra khỏi cảng mới đổi đầu kéo, dồn ghép công-ten-nơ,… rất khó kiểm soát.
Tạo môi trường kinh doanh vận tải lành mạnh
Tại buổi đối thoại, có hơn 120 ý kiến, đề xuất kiến nghị được các DN nêu ra và gần một nửa số đó đã được đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước trả lời, giải đáp trực tiếp. Những vướng mắc, kiến nghị của DN chủ yếu tập trung vào các vấn đề như quy định công bố thủy diện (diện tích mặt nước) trước các cảng biển hằng năm thay đổi gây khó khăn cho những cảng có mức độ bồi lắng không nhiều; quy định thời gian giải quyết hàng tồn đọng cảng quá dài làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của cảng; vấn đề tăng các loại phí, thuế và lệ phí DN vào cảng,… Ngoài ra, DN kiến nghị về việc giải quyết hàng quá cảnh qua Cam-pu-chia; các dự án nạo vét luồng hàng hải triển khai chậm chạp, làm mất lợi thế cảng nước sâu; kiểm soát tải trọng với xe nước ngoài, xe quân đội vào cảng,… Những nội dung chưa trả lời ngay, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cam kết sẽ trả lời bằng văn bản cho các DN ngay trong tháng 10 này, công bố công khai để các DN khác quan tâm có thể tham khảo. Thứ trưởng cho biết, nhiều nội dung vướng mắc của DN đã được Bộ GTVT cơ bản nắm bắt, chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương bổ sung, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật, đã được Bộ trưởng GTVT kết luận tại cuộc đối thoại lần trước. Ngoài ra, một số nội dung liên quan các địa phương, lãnh đạo Bộ GTVT sẽ trực tiếp xuống địa phương giải quyết; ủy quyền cho các cảng vụ địa phương, cảng vụ khu vực xử lý để giảm bớt thời gian chờ đợi cho DN.
Tiếp thu ý kiến đề xuất của các DN, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam khẩn trương đề xuất Bộ GTVT phương án ban hành giá sàn đối với các cảng biển khu vực TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng. Về việc các DN nước ngoài đang ép các DN cảng biển giảm mức phí, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp các Hiệp hội cảng biển, nhanh chóng tìm biện pháp đấu tranh. Các cảng biển, dưới sự kết nối của các hiệp hội, nên thống nhất không giảm giá dưới áp lực của các DN nước ngoài. Các Hiệp hội cảng biển cần phát huy tốt hơn vai trò của mình trong việc thực hiện những nhiệm vụ mà cơ quan nhà nước không có chức năng, vì liên quan đến thông lệ quốc tế hay quy luật của thị trường, nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị các DN cảng biển, vận tải biển tích cực tham gia, thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ trong việc kiểm soát tải trọng xe. Năm trước, tổng sản lượng hàng hóa qua các cảng biển cả nước đạt khoảng 362 triệu tấn, bằng gần một nửa so đường bộ (734 triệu tấn). Nếu kiểm soát tốt tải trọng xe tại các cảng biển, đồng nghĩa với việc hoàn thành gần 50% nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe trên cả nước. Việc kiểm soát tải trọng xe sẽ được tiến hành thường xuyên, liên tục và triệt để, bảo đảm công khai, minh bạch. Ngoài kiểm tra đột xuất, các cảng vụ phải báo cáo tình hình hàng hóa thông qua cảng hằng tháng. Bất cứ nơi nào có sự thay đổi bất thường, sẽ đưa ngay vào kiểm soát đặc biệt, trường hợp vi phạm sẽ mạnh tay xử lý. Quyết tâm của Bộ GTVT là tạo được môi trường kinh doanh vận tải bình đẳng, minh bạch. Từ trước đến nay, mặt bằng giá cước vận tải đường bộ không phản ánh đúng thực chất. Các DN vận tải lợi dụng ngân sách nhà nước, lợi dụng kết cấu hạ tầng giao thông, lợi dụng sự buông lỏng trong quản lý để kinh doanh vận tải với giá rẻ. Nếu việc kiểm soát tải trọng xe được thực hiện tốt và nghiêm túc, mặt bằng giá sẽ về đúng thực chất, các chủ hàng sẽ lựa chọn vận tải thủy nội địa và hàng hải với giá cước vận tải rẻ hơn rất nhiều, hạn chế ô nhiễm môi trường,…
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nghiêm khắc phê bình các đơn vị chậm trễ trong việc thực hiện nạo vét luồng hàng hải, nhất là luồng vào cảng Hải Phòng, khu vực đang có mức tăng trưởng cao. Những DN nào để xảy ra tình trạng chậm tiến độ sẽ có hình thức xử lý thích đáng. Thậm chí, nếu chậm tiến độ sẽ không để các DN thi công nạo vét nữa mà trực tiếp giao Cục Hàng hải Việt Nam đảm trách.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()