Gỡ khó cho doanh nghiệp vận tải biển
Tại cuộc đối thoại nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức ngày 5-8, cho thấy ngành vận tải biển Việt Nam chưa có dấu hiệu phục hồi, giá cước vận tải thấp, nguồn hàng khan hiếm, chi phí vận tải và nhiên liệu tăng cao,... Nhiều doanh nghiệp đang chìm trong vòng luẩn quẩn: không vốn đầu tư - lãi suất cao - thua lỗ - không vay được vốn.
Theo Cục trưởng Hàng hải Việt Nam Nguyễn Nhật, cơ cấu đội tàu Việt Nam hiện đang rất bất hợp lý, tàu hàng rời tổng hợp chiếm tỷ lệ lớn trong khi tàu chuyên dụng, tàu công-ten-nơ ít, dẫn đến tình trạng dư thừa tàu hàng rời tổng hợp, tàu trọng tải nhỏ, thiếu tàu chuyên dụng, tàu trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế. Trong đội tàu 1.700 chiếc của Việt Nam, chỉ có 28 tàu công-ten-nơ, còn lại là các loại tàu khác. Tốc độ phát triển loại tàu công-ten-nơ của Việt Nam cũng rất thấp, bốn năm gần đây chỉ đạt trung bình khoảng 1,1%, trong khi tốc độ phát triển loại tàu này trên thế giới là 6,8%/năm. Bên cạnh đó, địa bàn hoạt động của tàu công-ten-nơ của Việt Nam cũng rất hẹp, mới chỉ “loanh quanh” trong khu vực Ðông – Nam Á, Trung Quốc… chưa thực hiện các chuyến đi thẳng. Thị phần vận tải xuất nhập khẩu của đội tàu trong nước chỉ chiếm khoảng 10 đến 12% tổng sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam, còn lại do đội tàu nước ngoài đảm nhận.
Những khó khăn khách quan từ phía thị trường cộng với cơ cấu đội tàu bất hợp lý đã khiến các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đang tiếp tục suy thoái, hiệu quả kinh doanh kém, thua lỗ kéo dài, nhiều chủ tàu có nguy cơ phải phá sản. Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Ðỗ Xuân Quỳnh than thở: Hầu hết các chủ tàu đều đang phải khai thác dưới giá thành, thậm chí lỗ, nhiều chủ tàu phải dừng khai thác. Hầu hết các doanh nghiệp vận tải biển hiện đang trong tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng để duy trì sản xuất, kinh doanh cũng như phát triển đội tàu. Chính vì vậy, hầu hết các kiến nghị của doanh nghiệp vận tải biển với Bộ GTVT đều xoay quanh vấn đề giảm lãi suất cho vay bằng lãi suất tiền gửi, giảm thuế VAT còn 5%, miễn thu tiền chậm nộp thuế,… Thậm chí, nhiều ý kiến còn kiến nghị giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp bằng cách nới lỏng một số tiêu chuẩn kỹ thuật, tăng độ tuổi khai thác của tàu…
Trong khi các doanh nghiệp vận tải biển đều đòi giảm chi phí, các doanh nghiệp cảng biển cũng đồng loạt kêu khó và đòi tăng phí và lệ phí hàng hải. Ông Nguyễn Danh Chiến, đại diện cảng Lễ Môn (Thanh Hóa) phàn nàn về việc tiền thuê đất năm 2011 đã tăng chín lần so với năm trước, quá cao so với chi phí sản xuất hiện nay. Phó Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn Ngô Minh Thuấn kiến nghị Bộ GTVT nhanh chóng ban hành giá sàn cảng biển cho cảng ở TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng để bình ổn thị trường, không phải cạnh tranh bằng việc hạ giá như nhiều năm nay. Ðồng thời, cần ban hành biểu giá sàn mới cho cảng Cái Mép – Thị Vải cao hơn ít nhất 5% so với khu vực TP Hồ Chí Minh. Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng Nguyễn Hồng Việt cũng đề nghị sớm ban hành quy định giá sàn xếp dỡ hàng hóa tại các cảng để có điều kiện đàm phán với các doanh nghiệp nước ngoài.
Trước những bức xúc của doanh nghiệp, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, sẽ chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam rà soát, báo cáo nâng giá sàn cho cảng Cái Mép – Thị Vải lên 46 USD cho công-ten-nơ 20 phít và 75 USD cho công-ten-nơ 40 phít. Giải pháp tăng luồng hàng cho cảng Cái Mép – Thị Vải cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề án. Thực tế, 120 triệu tấn hàng xuất, nhập khẩu nhưng doanh nghiệp vận tải biển trong nước chỉ thực hiện được 10 triệu tấn là rất đáng suy nghĩ, Bộ GTVT đã làm việc với Bộ Công thương và các cơ quan hữu quan nhằm tăng cơ hội cho các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Trước mắt, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn đã chấp nhận sử dụng tàu nội địa tại các thị trường gần. Sau một thời gian xem xét, nếu đáp ứng tốt sẽ chuyển sang các thị trường biển xa. Bộ GTVT kêu gọi các doanh nghiệp vận tải biển quan tâm hơn đến hai ngành hàng đang còn bị bỏ trống là vận tải xi-măng rời và khí hóa lỏng. Liên quan kiến nghị nới lỏng quy định nhập khẩu tàu, đại diện các cơ quan quản lý khẳng định đây là vấn đề khó. Mặc dù trên thực tế, có một số tàu có tuổi đời quá 15 năm sản xuất tại các quốc gia như Ðức, Nhật Bản,… vẫn hoạt động tốt nhưng không phải là tất cả. Nếu nới lỏng, nhiều tàu “già” của các nước sẽ tràn vào Việt Nam, khiến cho cơ quan chức năng không thể kiểm soát được chất lượng.
Sau khi lắng nghe các kiến nghị của doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển, Bộ trưởng GTVT Ðinh La Thăng cam kết sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, sớm trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét về giá sàn trong xếp dỡ hàng hóa tại cảng. Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp trong nước tự nâng cao năng lực bốc xếp, nâng cao năng lực đàm phán để nâng thị phần vận tải và phải liên kết lại để tạo nên sức mạnh tổng thể cho ngành vận tải biển Việt Nam. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nêu tại cuộc đối thoại, Bộ sẽ xử lý, giải quyết ngay những vấn đề thuộc thẩm quyền; liên quan các bộ, ngành khác sẽ có văn bản đề nghị xử lý. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, rà soát lại chiến lược quy hoạch phát triển cảng biển và đội tàu cho phù hợp. Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối các cảng biển và giữa cảng biển với đường sắt, đường bộ, hàng không và đường thủy nội địa. Bộ đã thiết lập đường dây nóng, bất kể doanh nghiệp nào gặp vướng mắc cứ phản ánh, mọi ý kiến sẽ được giải quyết thỏa đáng, bình đẳng giữa các thành phần doanh nghiệp.
Theo Dangcongsan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()