Gỡ khó cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lâm vào tình trạng sản xuất đình trệ do thiếu vốn, sản phẩm khó tiêu thụ.Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giãn thuế... nhưng vẫn có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chuyển đổi hình thức kinh doanh, thậm chí giải thể, ngừng hoạt động...Bài 1: Khó khăn chồng chấtĐối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (DNNN NT), trong vài năm trở lại đây, thiếu vốn, ứ đọng và sản phẩm tiêu thụ chậm là những khó khăn chủ yếu khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Ngoài các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, thì cũng có không ít nguyên nhân chủ quan khác...Từ các doanh nghiệp thủy sản...Tại tỉnh Hậu Giang, theo Tổng...
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta, đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lâm vào tình trạng sản xuất đình trệ do thiếu vốn, sản phẩm khó tiêu thụ.
Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, giãn thuế… nhưng vẫn có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chuyển đổi hình thức kinh doanh, thậm chí giải thể, ngừng hoạt động…
Bài 1: Khó khăn chồng chất
Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (DNNN NT), trong vài năm trở lại đây, thiếu vốn, ứ đọng và sản phẩm tiêu thụ chậm là những khó khăn chủ yếu khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Ngoài các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thiên tai, dịch bệnh, thì cũng có không ít nguyên nhân chủ quan khác…
Từ các doanh nghiệp thủy sản…
Tại tỉnh Hậu Giang, theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến xuất khẩu thủy sản Phú Thạnh Phan Thị Minh Tuệ (xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A), tình hình sản xuất, kinh doanh của đơn vị hiện nay đang gặp khó khăn trầm trọng do thiếu vốn và không bán được hàng. Đây là tình hình khó khăn chung, bởi sau một số doanh nghiệp thủy sản vỡ nợ, gần đây nhất là Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam (Sóc Trăng) lún sâu vào nợ nần, càng làm cho các ngân hàng ngại giải ngân vốn vay cho các doanh nghiệp thủy sản.
Hiện nay, nhiều ngân hàng đang giảm dần dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp chế biến thủy sản. Cách định giá tài sản thế chấp với doanh nghiệp trong ngành cũng khác trước, khiến việc tiếp cận vốn vay mới trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Mặt khác, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hỗ trợ như: bao bì, nguyên – phụ liệu, thậm chí cả các hãng tàu cũng đều yêu cầu doanh nghiệp chế biến thủy sản phải thanh toán tiền mặt ngay khi thực hiện giao dịch. Vì thế, nếu doanh nghiệp không chủ động được nguồn vốn sẽ càng khó khăn, bởi người nuôi thủy sản bây giờ khi xuất bán đều yêu cầu trả tiền mặt ngay.
Trong khi đó, thị trường xuất khẩu hàng thủy sản chưa có dấu hiệu phục hồi. Đại diện Công ty TNHH chế biến xuất khẩu thủy sản Phú Thạnh cho biết, sản lượng xuất khẩu của công ty hiện giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại An Giang, từ đầu năm đến nay, hầu như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra đều điêu đứng do thiếu nguyên liệu và vốn. Tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong chế biến, xuất khẩu cá tra vừa được tổ chức tại An Giang, ông Ngô Văn Thu, đại diện Công ty Việt An bày tỏ, hiện doanh nghiệp đang gặp khó trong việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh bởi hai vấn đề: Vốn cho vùng nuôi và sản xuất chế biến mất cân đối đầu vào-đầu ra. Đầu vào tức nguồn vốn vay thì ngắn hạn, tiền trả cho cá mua của người nuôi chẳng thể kéo dài được lâu; còn đầu ra thì xuất khẩu luôn trong cảnh giao hàng rồi mới nhận được tiền từ doanh nghiệp nhập khẩu (tức vốn bị neo lâu quá thành vốn dài hạn). Do đó, để cứu doanh nghiệp chỉ còn cách duy nhất là ngân hàng phải chung sức cùng vượt khó hỗ trợ doanh nghiệp kéo dài thời gian thanh toán.
Do các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay và người nuôi không đủ điều kiện thế chấp nên dẫn đến tình trạng không có vốn tái sản xuất, khiến diện tích nuôi giảm. Bên cạnh đó, giá điện, xăng, dầu… tăng, cộng lãi suất ngân hàng cao nên lợi nhuận của người nuôi quá thấp. An Giang có 17 doanh nghiệp kinh doanh thủy sản, với 21 nhà máy chế biến tổng công suất 150 nghìn tấn, khả năng tự cung ứng nguyên liệu khoảng 50% đến 60% nhu cầu chế biến, chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Các doanh nghiệp mới chủ động xây dựng vùng nuôi khoảng 330 ha.
Nợ cũ chưa đến kỳ thanh toán, tài sản thế chấp cũng không còn, người nuôi và doanh nghiệp thật khó tiếp tục vay vốn ngân hàng. Theo T.Ư Hội Nghề cá Việt Nam, để nuôi một ha cá tra cho sản lượng 300 tấn cá, người nuôi cần phải có nguồn vốn khoảng bảy tỷ đồng, trong khi ngân hàng chỉ có thể cho vay một tỷ đồng. Theo tính toán, để ngành nuôi cá tra đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD trong năm 2012, người nuôi, doanh nghiệp cần nguồn vốn lên đến 26 nghìn tỷ đồng – một con số khó có được, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn như hiện nay.
… Đến các doanh nghiệp nông sản, thủ công mỹ nghệ
Tại Hải Dương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Nguyễn Văn Tịnh cho biết, hoạt động của các doanh nghiệp trong tỉnh gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân do dịch bệnh cũng như suy thoái kinh tế chung, người dân giảm chi tiêu dẫn đến tình trạng sức mua giảm. Các doanh nghiệp tại địa phương đang trong tình trạng phải tự “bơi”, nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc thay đổi hình thức kinh doanh, như Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Hoàng Long, Công ty Thạch Khôi, trước kia là cơ sở giết mổ nay chuyển sang thu mua nông sản.
Khi chúng tôi hỏi về thực tế hoạt động của các DNNNNT, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Tịnh cho biết, ngay cả số lượng các doanh nghiệp, Sở cũng không nắm được hết. Thời gian qua, trong tỉnh có nhiều trang trại hoặc tư nhân đăng ký thành lập doanh nghiệp nhưng đầu mối “nắm” các doanh nghiệp này lại do Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế hoặc cấp huyện quản lý. Ngay như chúng tôi muốn có thông tin để đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (cung cấp giống, phân bón…) thì cũng phải cho người sang Sở Kế hoạch và Đầu tư xin, rồi phải tổng hợp mất mấy ngày mới có. Đây cũng là bất cập trong quản lý, bởi khi Nhà nước hỗ trợ thì các DNNNNT cũng chả biết đâu là đầu mối để… xin được hỗ trợ. Thí dụ từ đầu năm 2012, UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi cho các đơn vị và cá nhân nuôi gia súc số lượng lớn được vay vốn ưu đãi với tổng số vốn khoảng 30 tỷ đồng. Nhưng, đến nay các doanh nghiệp, cá nhân chăn nuôi mới làm thủ tục xin được hỗ trợ vốn khoảng tám tỷ đồng. Hầu hết các DNNNNT của tỉnh chưa được hưởng lợi từ Nghị định 61 (NĐ 61) của Chính phủ ban hành năm 2010 về chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nguyên nhân chính là do bản thân các doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất, lại thiếu kết nối với cơ quan quản lý Nhà nước nên không biết làm thủ tục được vay vốn ưu đãi tại đâu, trong khi đơn vị quản lý nhà nước là Sở NN và PTNT cũng không thật sự biết các doanh nghiệp cần gì. NĐ 61 cũng còn nhiều bất cập trong cơ chế, danh mục hỗ trợ nên tỉnh thật sự khó triển khai các giải pháp giúp doanh nghiệp. Thí dụ, tỉnh có bảy công ty sản xuất cá giống của Nhà nước và hai đơn vị tư nhân, nhưng theo NĐ 61 thì cá giống không nằm trong danh mục được hưởng ưu đãi vốn vay.
Trang trại của anh Nguyễn Xuân Đại ở Tân Trường (Cẩm Giàng, Hải Dương), có diện tích 1,8 ha gồm năm dãy chuồng gà, năm dãy chuồng vịt và 5.500 m2 ao cá. Anh Đại đã đầu tư mua 11 máy ấp, vốn đầu tư lên đến 10 tỷ đồng, tổng doanh thu năm 2011 là 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ trong chín tháng đầu năm 2012, do giá bán giảm, sức mua giảm, cộng thêm giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá xăng, dầu, ga, điện… tăng, đã đội giá thành chi phí chăn nuôi lên 15%, buộc trang trại phải thu hẹp sản xuất.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tỉnh Hải Dương hiện có khoảng gần 5.500 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đầu tư là 36 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% số doanh nghiệp tham gia cung ứng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, có số vốn đăng ký kinh doanh hầu hết dưới hai tỷ đồng.
Trong khi giá nguyên liệu đầu vào như tiền công, chi phí thức ăn tăng liên tục thì giá thành sản phẩm chăn nuôi lại giảm mạnh. Đó là chưa kể đến dịch cúm gia cầm, dịch lợn tai xanh và tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm tăng mạnh khiến người chăn nuôi và các doanh nghiệp chăn nuôi của nước ta hoạt động rất khó khăn. Trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Hữu Thái (thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) là một minh chứng rõ nét. Trang trại nuôi hơn 10 nghìn con gà. Khi dịch cúm gia cầm xuất hiện đã khiến ông Thái mất trắng hơn một tỷ đồng. Ông Thái cho biết: “Giá thức ăn, con giống tăng cao khiến chúng tôi hết sức khó khăn để duy trì hoạt động”.
Sức mua giảm, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp không chỉ tác động lĩnh vực chăn nuôi, chế biến nông sản, mà còn tác động lên toàn bộ hệ thống sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khác.
Các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ tại Vạn Điểm (Thường Tín, Hà Nội) cũng ở tình trạng tương tự khi sản phẩm bán ra chậm do người mua thắt chặt chi tiêu, sức mua giảm khiến hàng không bán được. Một số cơ sở phải đóng cửa, cho nhân công nghỉ việc do làm ăn kém hiệu quả. Một số cơ sở thì hoạt động cầm chừng, lợi nhuận làm ra chỉ đủ để xoay vòng, trả lãi cho ngân hàng. Cơ sở của ông Nguyễn Văn Thọ lại gặp hoàn cảnh khó khăn. Sản xuất cầm chừng, cắt giảm người làm, sản phẩm làm ra không bán được. Từ một cơ sở từng đứng nhất nhì tại địa phương về quy mô sản xuất và doanh thu nhưng đến nay, cơ sở này đang hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân chính là, do lúc làm ăn phát đạt nhất, sẵn vốn, ông Thọ chuyển hướng đầu tư kinh doanh bất động sản. Cơ sở chế biến gỗ vừa đầu tư cả chục tỷ đồng đúng thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhiều hợp đồng bị hủy. Trong khi hàng hóa không bán được và vốn liếng bị “đóng băng” ở thị trường bất động sản thì mỗi tháng, ông Thọ vẫn phải “gánh” hàng chục triệu đồng tiền lương công nhân và hàng trăm triệu đồng tiền lãi ngân hàng khiến cơ sở của ông nhanh chóng kiệt quệ.
(Còn nữa)
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành nghề nông nghiệp nông thôn, cơ cấu doanh nghiệp nông nghiệp giữa khu vực quốc doanh và dân doanh thay đổi mạnh theo hướng số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước ngày càng giảm, số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng. Hiện cả nước có hơn 10% số doanh nghiệp có vốn nhà nước, còn lại là doanh nghiệp tư nhân và nước ngoài. Trong đó, có khoảng 20% số doanh nghiệp hoạt động tốt, khoảng 60% số doanh nghiệp làm ăn cầm chừng và 20% số còn lại gặp khó khăn thật sự. Hơn 98% số DNNNNT có quy mô nhỏ và vừa. Số lao động bình quân làm việc trong một doanh nghiệp khoảng 40 người. Hơn 90% số DNNNNT có vốn dưới 10 tỷ đồng; 6,5% số doanh nghiệp có vốn từ 10 đến 50 tỷ đồng và chỉ có 1% số doanh nghiệp có vốn hơn 200 tỷ đồng. Vốn sản xuất, kinh doanh tính bình quân cho một lao động trong một doanh nghiệp là 200 triệu đồng, bằng gần một phần tư số vốn bình quân cho một lao động trong các doanh nghiệp của tất cả các ngành kinh tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()