Gỡ khó cho công tác hòa giải ở cơ sở
– Hiện nay, các tổ hòa giải ở cơ sở được thành lập, hoạt động tại 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân và ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, để nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Theo số liệu thống kê của Sở Tư pháp, trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ hòa giải thành của toàn tỉnh mới đạt từ 69% đến 75%/năm, chưa đạt chỉ tiêu 80% tỉnh đề ra (tỷ lệ hòa giải thành trung bình của cả nước trên 80%). Đơn cử năm 2021, các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã hòa giải thành 3.052/4.098 vụ việc, đạt tỉ lệ 75%; 9 tháng đầu năm 2022, các tổ hoà giải trên địa bàn tỉnh đã hòa giải thành 1.879/2.604 vụ việc, đạt 72% (còn 32 vụ đang giải quyết). Nội dung hoà giải chủ yếu là những tranh chấp trong nội bộ Nhân dân về đất đai, đồi rừng, tài sản, hôn nhân gia đình…
Hòa giải viên thôn An Rinh 1, xã Tân Liên, huyện Cao Lộc tuyên truyền pháp luật cho người dân
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.718 tổ hoà giải với 10.891 hoà giải viên. Thực tế công tác hòa giải ở cơ sở còn nhiều khó khăn, hạn chế, chất lượng, hiệu quả hòa giải ở cơ sở chưa đồng đều trong phạm vi toàn tỉnh; nhiều mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở chưa được phát hiện hoặc phát hiện nhưng chưa hòa giải, hòa giải không kịp thời nên dẫn đến tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn một số huyện vẫn còn thấp. Một số cấp uỷ, chính quyền huyện, xã chưa thật sự quyết liệt trong chỉ đạo triển khai, chưa quan tâm bố trí, nâng nguồn kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở. Cùng đó, trình độ năng lực, kỹ năng hòa giải của các hòa giải viên ở cơ sở còn nhiều hạn chế; việc tham dự tập huấn, kỹ năng hòa giải của hòa giải viên ở một số địa phương chưa đông đủ…
Ông Chu Văn Tuần, Bí thư Chi bộ, Khối trưởng, tổ trưởng tổ hòa giải khối 9, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi luôn nỗ lực làm nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở, dù công tác này còn nhiều khó khăn. Mức kinh phí hỗ trợ thấp 200.000 đồng/vụ/tổ hòa giải (5 thành viên). Đối với những vụ việc khó, phức tạp, chúng tôi phải đi lại, gặp gỡ nhiều lần mới có thể giải quyết triệt để. Hay các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn về đất đai rất phức tạp, nhạy cảm trong khi đó hệ thống văn bản pháp luật nhiều, thường xuyên thay đổi… dẫn đến khó khăn cho đội ngũ hòa giải viên.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã được các cấp chính quyền quan tâm thực hiện. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TU ngày 12/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, công tác hòa giải ở cơ sở đã có chuyển biến tích cực; tuy nhiên, kết quả chưa đảm bảo mục tiêu 80%. Trước những khó khăn đó, sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung và Luật Hòa giải ở cơ sở nói riêng, bố trí kinh phí cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Sở cũng đã hướng dẫn cấp huyện xây dựng mô hình tổ hòa giải điển hình tiên tiến, để nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hằng năm chúng tôi đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, biên soạn, phát hành các cẩm nang, tài liệu pháp luật liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở cho đội ngũ hòa giải viên.
Từ những tranh chấp nhỏ nhặt trong cộng đồng dân cư, nếu như không được giải quyết kịp thời dễ dẫn đến “cái xảy nảy cái ung”, từ mâu thuẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, trước thực trạng khó khăn, hạn chế trong công tác hòa giải ở cơ sở, các cấp ngành đã và đang triển khai các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động này.
Các đại biểu huyện Văn Quan nghiên cứu tài liệu tập huấn công tác hòa giải ở cơ sở, trong hội nghị tập huấn do Sở Tư pháp phối hợp với UBND huyện Văn Quan tổ chức năm 2022
UBND các huyện, thành phố đã thường xuyên chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn kiện toàn các tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở khi có sự thay đổi về nhân sự, chú trọng lựa chọn những người có phẩm chất đạo đức tốt, uy tín trong cộng đồng dân cư, am hiểu pháp luật để bầu vào tổ hòa giải. Hiện toàn tỉnh có 161 tổ hòa giải điển hình tiên tiến. Các tổ hòa giải điển hình tiên tiến đã được lựa chọn, xây dựng đồng bộ góp phần cho hoạt động hoà giải ở cơ sở đi vào nền nếp, thống nhất, tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở. Tỷ lệ hòa giải thành của các tổ hòa giải điển hình tiên tiến đạt trên 90%. Qua đó, đã hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương trong việc giải quyết trực tiếp những vụ việc vi phạm pháp luật, tranh chấp trong Nhân dân, hạn chế đơn thư vượt cấp.
Công tác tuyên truyền pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về hòa giải cơ sở cũng được quan tâm thực hiện. Đơn cử từ năm 2021 đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố tổ chức 6 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và tập huấn kỹ năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở với trên 1.300 lượt đại biểu tham dự. Sở Tư pháp biên soạn và cấp phát 4.000 cuốn “Cẩm nang hòa giải viên” cho tổ hòa giải của 200/200 xã, phường, thị trấn và phòng tư pháp các huyện, thành phố. UBND các huyện, thành phố đã tổ chức được 45 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho hơn 3.000 lượt đại biểu tham dự.
Là huyện đứng đầu toàn tỉnh về công tác hòa giải ở cơ sở, với tỷ lệ hòa giải thành trong 5 năm gần đây đều đạt trên 80%, Bắc Sơn đã có nhiều cách làm thiết thực để duy trì tỷ lệ này. Bà Đàm Hồng Hoa, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Bắc Sơn cho biết: Để đạt được kết quả trên, phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, kế hoạch liên quan đến công tác hòa giải ở cơ sở. Đặc biệt, phòng thường xuyên theo dõi tình hình, đôn đốc, hướng dẫn cấp xã triển khai nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở thông qua các nhóm zalo, giao ban trực tiếp theo quý, các dịp sơ, tổng kết hằng năm. Cùng đó, huyện thường xuyên phối hợp với Sở Tư pháp hoặc tự tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên. Qua đó, các hòa giải viên được hướng dẫn về kỹ năng nghiệp vụ, cập nhật kiến thức pháp luật trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, từng bước vận dụng hiệu quả vào công tác hòa giải ở cơ sở.
Ngoài ra, các cấp, chính quyền cũng đã có sự quan tâm, bố trí kinh phí nhất định cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đơn cử cấp tỉnh, từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh giao dự toán kinh phí chi riêng cho công tác hòa giải ở cơ sở là 550 triệu đồng/năm (thông qua Sở Tư pháp) để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý ở cấp xã và hòa giải viên, người có uy tín trong cộng đồng. Cấp huyện đã thực hiện giao dự toán kinh phí cho cấp xã chi cho công tác hòa giải ở cơ sở trong tổng kinh phí cấp chi cho công tác phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng và rà soát văn bản quy phạm pháp luật (thông qua Phòng Tư pháp).
UBND các xã, thị trấn trực tiếp quản lý và chi hỗ trợ cho các tổ hòa giải khi thực hiện hòa giải các vụ việc phát sinh trên địa bàn xã và chi cho công tác tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bầu hòa giải viên, hỗ trợ tài liệu cho các tổ hòa giải. Tuy nhiên, một số địa phương chỉ đảm bảo chi thù lao 200.000 đồng/vụ/tổ hòa giải, còn các khoản chi hỗ trợ văn phòng phẩm 70.000 đồng/tháng/tổ hòa giải chưa thực hiện được.
Với sự vào cuộc của các cấp, chính quyền, tin rằng thời gian tới công tác hòa giải ở cơ sở sẽ ngày càng nâng cao chất lượng, đi vào vào chiều sâu, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bà Trần Thị Sơn Thùy, Phó Trưởng Ban Pháp chế, HĐND tỉnh
“Nhằm phục vụ phiên họp giải trình của HĐND tỉnh vào ngày 7/11/2022 vừa qua, tháng 10/2022, Ban Pháp chế đã tổ chức khảo sát về tình hình, kết quả thực hiện công tác hòa giải cơ sở năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khảo sát trực tiếp tại 7 xã và báo cáo của Sở Tư pháp, 3 đơn vị cấp huyện (Bắc Sơn, Hữu Lũng, thành phố Lạng Sơn). Qua khảo sát, chúng tôi cơ bản nắm được thực trạng, kết quả đạt được, khó khăn, nguyên nhân hạn chế trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh.
Để phấn đấu đưa tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn toàn tỉnh đạt 80% trở lên trong thời gian tới, ban đã tham mưu HĐND tỉnh đề xuất trung ương nâng mức hỗ trợ thù lao vụ việc từ 200 lên 500.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải; tăng hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, tập huấn viên hòa giải cấp tỉnh, cấp huyện, hòa giải viên ở cơ sở. Cùng đó, tăng cường tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết, khen thưởng đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở hằng năm; bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở đảm bảo đáp ứng yêu cầu; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục phát huy vị trí, vai trò, trách nhiệm để triển khai tốt công tác hòa giải ở cơ sở.
Đối với các huyện, thành phố cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật hòa giải ở cơ sở; tập huấn chuyên sâu về kỹ năng hòa giải, thường xuyên củng cố kiện toàn đội ngũ hòa giải viên bảo đảm quy định. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng mô hình xây dựng tổ hòa giải điển hình tiên tiến; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất; tổ chức giao lưu, sân khấu hóa để các hòa giải viên được thường xuyên học hỏi trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng”.
Ý kiến ()