Gỡ khó cho các dự án xi-măng ở Quảng Bình
Hệ thống băng chuyền, lò nung xi-măng của Nhà máy xi-măng Áng Sơn bỏ không năm tháng nay. Thời gian gần đây, có một số dự án đầu tư sản xuất xi-măng ở Quảng Bình chậm triển khai hoặc ngừng sản xuất do thiếu vốn. Điều đó không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm của hàng trăm lao động.Thiếu vốn, chậm tiến độDự án xi-măng Văn Hóa (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) do Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Phát triển (VDB) là 2.117 tỷ đồng, với mức lãi suất ưu đãi 8,4% năm.Trong hai năm 2010 và 2011 đơn vị tổng thầu EPC là Viện Nghiên cứu và thiết kế xi-măng Hợp Phì (Trung Quốc) đã huy động một lượng lớn công nhân kỹ thuật và chuyên gia Trung Quốc đến làm việc, tập trung nhiều phương tiện thiết bị thi công nên tiến độ thực hiện thiết kế đạt 94%; thi công phần hạ tầng phục vụ lắp đặt...
Hệ thống băng chuyền, lò nung xi-măng của Nhà máy xi-măng Áng Sơn bỏ không năm tháng nay. |
Thiếu vốn, chậm tiến độ
Dự án xi-măng Văn Hóa (xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) do Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng, trong đó vốn vay từ Ngân hàng Phát triển (VDB) là 2.117 tỷ đồng, với mức lãi suất ưu đãi 8,4% năm.
Trong hai năm 2010 và 2011 đơn vị tổng thầu EPC là Viện Nghiên cứu và thiết kế xi-măng Hợp Phì (Trung Quốc) đã huy động một lượng lớn công nhân kỹ thuật và chuyên gia Trung Quốc đến làm việc, tập trung nhiều phương tiện thiết bị thi công nên tiến độ thực hiện thiết kế đạt 94%; thi công phần hạ tầng phục vụ lắp đặt thiết bị nhà máy đạt 60%. Riêng hạng mục cung cấp và lắp đặt thiết bị chưa thực hiện. Tuy nhiên ba tháng đầu năm 2012, nhà thầu Trung Quốc đã dừng công việc, rút hết chuyên gia, công nhân về nước, nguyên nhân do chủ đầu tư chưa thu xếp được nguồn vốn. Tổng Giám đốc Công ty TNHH VLXD Việt Nam Nguyễn Nam Thắng cho biết, do VDB chưa giải ngân vốn trong năm 2011 theo cam kết, làm cho nhà thầu EPC thiếu tin tưởng vào khả năng thanh toán của dự án nên chưa đưa cán bộ, công nhân sang tiếp tục công việc. Mặt khác, việc đền bù giải phóng mặt bằng thi công đường điện 110 kV phục vụ nhà máy còn vướng mắc nên nhà thầu chưa thể triển khai được. Cũng theo đại diện chủ đầu tư, nếu tình hình vốn khó khăn, giải phóng mặt bằng một số hạng mục ngoài hàng rào chậm thì rất khó để bảo đảm tiến độ chạy thử nhà máy vào quý I-2013.
Hoạt động thì lỗ, không hoạt động cũng lỗ
Từ sau Tết Nhâm Thìn 2012 đến nay, Nhà máy xi-măng Áng Sơn, thuộc Công ty cổ phần Cosevco 6 ngừng sản xuất. Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cosevco 6 Phan Văn Diễn, nguyên nhân nhà máy đóng cửa là do còn nợ tiền đầu tư mua thiết bị, nguyên liệu, tiền điện, than và các chi phí khác phục vụ cho hoạt động của nhà máy. Khi lập dự án nhà máy xi-măng, các ngân hàng cam kết cho vay đủ tiền để đầu tư, kể cả 50 tỷ đồng vốn lưu động. Do việc trượt giá của đồng USD so với đồng Việt Nam nên đã đội giá đầu tư lên cao. Thời điểm lập và phê duyệt dự án năm 2006-2007, khi đó giá một USD được tính bằng 11.000 đồng Việt Nam, đến khi nhà máy đi vào sản xuất phải trả 21.000 đồng/USD; lãi suất vay 12%/năm, tăng lên 22,5%/năm, hiện nay là 20,5%/năm và giá than 4a là 800 nghìn đồng/tấn vận chuyển đến nhà máy, nay phải mua với giá cao gấp 3,5 lần (2.800 nghìn đồng/tấn) và phải trả tiền ngay. Hiện nhà máy cần khoảng 100 tỷ đồng để trả các khoản nợ đầu tư mua dây chuyền thiết bị và vật tư nguyên liệu cho các nhà thầu. Trước mắt để nhà máy có thể hoạt động trở lại, cần ít nhất vài chục tỷ đồng vốn lưu động, giải quyết các vấn đề cấp bách phục vụ sản xuất và trả lương cho công nhân.
Tổng Giám đốc Phan Văn Diễn cho biết, nếu sản xuất mỗi năm nhà máy lỗ khoảng 40 tỷ đồng do nguyên liệu đầu vào tăng (giá than và lãi vay hiện ngang với giá thành), trong khi giá xi-măng không thay đổi. Mặt khác, hiện xi-măng trên toàn quốc cung đã vượt cầu và việc thắt chặt đầu tư công làm cho việc tiêu thụ sản phẩm của nhà máy càng khó hơn. Còn nếu nhà máy ngừng sản xuất, công nhân không có việc làm thì mỗi năm lỗ 110 tỷ đồng do lãi vay và chi phí khấu hao máy móc.
Tháo gỡ khó khăn cho các dự án
Trước những khó khăn của các dự án sản xuất xi-măng trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp với chủ đầu tư, các ngành và ngân hàng để tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang đã yêu cầu VDB Quảng Bình giải ngân cho các dự án trọng điểm của tỉnh, trong đó có dự án xi-măng Văn Hóa. Ngay sau đó, VDB Quảng Bình đã làm thủ tục giải ngân theo hợp đồng số tiền 120 tỷ đồng để Công ty TNHH VLXD Việt Nam thanh toán các hạng mục đã thi công tại công trình xi-măng Văn Hóa. Nhà thầu EPC và các đơn vị thi công cũng đã trở lại làm việc với quyết tâm cao hơn.
Đối với Nhà máy xi-măng Áng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Xuân Quang yêu cầu HĐQT, lãnh đạo công ty có phương án đồng bộ để chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt có hiệu quả để đưa nhà máy thoát ra khỏi khó khăn, tiếp tục sản xuất. Trọng tâm đó là cơ cấu về vốn, cơ cấu lại bộ máy quản lý theo hướng tinh giản biên chế; các biện pháp nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Chủ động làm việc với ngân hàng, các đối tác liên quan tài trợ vốn đầu tư dự án để có giải pháp về vốn, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hỗ trợ cho vay có hạn mức vốn lưu động để duy trì sản xuất.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, lãnh đạo Công ty cổ phần Cosevco 6 mong được sự hỗ trợ từ phía ngân hàng. Đó là giãn nợ gốc và giảm lãi suất tiền vay (tỷ suất huy động hiện đã giảm nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lãi 22,5% là quá cao), đồng thời cho công ty được vay đủ hạn mức như ngân hàng đã cam kết. Theo Tổng Giám đốc Phan Văn Diễn, để Nhà máy xi-măng Áng Sơn hoạt động cầm cự, chờ vượt qua giai đoạn khó khăn, từ ngày 21-5, công ty hợp đồng với Nhà máy xi-măng Sông Gianh (Quảng Bình) nhận gia công nghiền clanh-ke với khối lượng khoảng 20 nghìn tấn/tháng. Doanh thu dự kiến 7,7 tỷ đồng, để trả lương công nhân và tích lũy một phần để trả nợ ngân hàng. Về lâu dài, công ty kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến hợp tác, liên doanh với nhà máy. Tuy nhiên, đến gần cuối tháng 5 vẫn chưa có nhà đầu tư nào ngỏ ý liên kết hoặc mua lại nhà máy, do vậy, Nhà máy xi-măng Áng Sơn chưa thể trở lại hoạt động.
Theo Nhandan
Ý kiến ()