Gỡ khó cho các doanh nghiệp kinh doanh tiền chất thuốc nổ
Nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh tiền chất thuốc nổ trên cả nước đang "đứng, ngồi" không yên vì một số quy định trong Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được ban hành ngày 30-6-2011 và có hiệu lực ngày 1-1-2012.Các DN cho rằng, nếu những điều bất hợp lý này không được xử lý trước khi Pháp lệnh có hiệu lực, thì đó là sự không công bằng và nhiều DN từng có hàng chục năm kinh nghiệm kinh doanh hợp pháp mặt hàng này sẽ lâm vào tình trạng bị phá sản.Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn cả nước hiện có gần 20 DN tại một số tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa ..., trong đó chủ yếu là DN ngoài quốc doanh kinh doanh tiền chất thuốc nổ. Đây là những hóa chất cơ bản, không chỉ là một trong số các tiền chất thuốc nổ mà còn là nguyên liệu đầu vào phổ biến cho ngành nông nghiệp (để sản xuất phân bón), và một số loại hóa chất cho ngành dầu khí ...Các DN này đều...
Các DN cho rằng, nếu những điều bất hợp lý này không được xử lý trước khi Pháp lệnh có hiệu lực, thì đó là sự không công bằng và nhiều DN từng có hàng chục năm kinh nghiệm kinh doanh hợp pháp mặt hàng này sẽ lâm vào tình trạng bị phá sản.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn cả nước hiện có gần 20 DN tại một số tỉnh: Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội, Thanh Hóa …, trong đó chủ yếu là DN ngoài quốc doanh kinh doanh tiền chất thuốc nổ. Đây là những hóa chất cơ bản, không chỉ là một trong số các tiền chất thuốc nổ mà còn là nguyên liệu đầu vào phổ biến cho ngành nông nghiệp (để sản xuất phân bón), và một số loại hóa chất cho ngành dầu khí …
Các DN này đều là những DN được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật và đã có nhiều năm kinh doanh một số hóa chất như Nitrat Amon (NH4NO3), Natri Nitrat (NaNO3)… Quá trình kinh doanh những năm qua, các DN đã được Bộ Công thương, Bộ Công an và các cơ quan liên quan quan tâm, hướng dẫn, cấp giấy phép và kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Hoạt động kinh doanh của các DN này luôn tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật như: Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện; Luật Hóa chất và trực tiếp là Nghị định số 39/2009/NĐ-CP về vật liệu nổ công nghiệp.
Nhiều năm nay, các DN đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, thiết bị, phương tiện. Hằng năm, ngoài việc đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, các DN còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 1.500 lao động, với mức thu nhập bình quân từ ba đến năm triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần vật tư Phú Thọ Nguyễn Ngọc Thu cho biết, nhiều năm nay, đơn vị đã được Bộ Công thương cấp phép kinh doanh mặt hàng này. Giấy phép kinh doanh tiền chất thuốc nổ số 3871/GP-BCT ngày 3-8-2011, là giấy phép mới nhất mà Bộ Công thương cấp cho công ty (thay thế cho Giấy phép 1772/GP-BCT) có giá trị đến hết ngày 16-4-2014. Quá trình kinh doanh, công ty luôn tuân thủ đầy đủ các điều kiện về an toàn, phòng chống cháy nổ và không để xảy ra sự cố nào trong kinh doanh các mặt hàng tiền chất thuốc nổ, hằng năm đóng góp cho ngân sách từ 10 đến 15 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 lao động, với mức thu nhập hằng tháng hơn bốn triệu đồng/ người và thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách như BHXH, BHYT cho người lao động. Ngoài ra, hằng năm, công ty còn tham gia đầy đủ các chương trình an sinh xã hội, ủng hộ các quỹ phúc lợi của địa phương.
Trong khi hoạt động ngày càng có quy củ, nền nếp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội thì nay, các DN đang đứng trước khó khăn, thách thức, có nguy cơ phải đóng cửa, hàng nghìn lao động có nguy cơ bị mất việc làm. Theo báo cáo của các DN, một số quy định trong Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 ban hành ngày 30-6-2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cụ thể là: khoản 4 Điều 25 Pháp lệnh quy định: “Tổ chức kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ phải là DN 100% vốn Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng”. Cùng với đó là quy định: “Việc nhập khẩu hoặc ủy thác nhập khẩu, mua tiền chất thuốc nổ chỉ được thực hiện giữa các DN sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp” (mục đ khoản 3 Điều 25), trong khi chỉ DN 100% vốn Nhà nước mới được sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp. Như vậy, theo hai quy định này, các DN không phải là DN 100% vốn Nhà nước đã bị loại trừ khỏi thị trường kinh doanh hợp pháp tiền chất thuốc nổ được pháp luật thừa nhận nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Ngọc Thu cho rằng: Nếu các DN bị loại trừ quyền kinh doanh những loại hóa chất cơ bản này thì không những các DN bị thiệt hại mà Nhà nước cũng bị thiệt hại vì mối quan hệ với các bạn hàng trong nước và quốc tế, tài sản đã được đầu tư nhiều năm của các DN bị lãng phí. Nếu thị trường một số hóa chất cơ bản này chỉ cho một đến hai DN 100% vốn Nhà nước kinh doanh sẽ không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Vì trên thực tế, hằng năm, các DN ngoài quốc doanh đang kinh doanh loại hóa chất này thường xuyên cung ứng từ 60 đến 70% lượng NH4NO3 cho sản xuất vật liệu nổ công nghiệp. Năm 2008, đỉnh điểm của sự khan hiếm và khó khăn về nguồn cung cấp nguyên liệu NH4NO3 cho ngành công nghiệp sản xuất vật liệu nổ, các DN đã phát huy thế mạnh, khai thác nguồn hàng và cung ứng kịp thời hàng trăm nghìn tấn/tháng, góp phần bình ổn giá cả và cân bằng cung cầu, đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành kinh tế quan trọng của đất nước. Giám đốc Công ty CP Thanh Bình (Thanh Hóa) Lê Trọng Tụ cho biết thêm, chúng tôi đang kinh doanh hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật, nếu phải ngừng kinh doanh theo Pháp lệnh số 16, thì những giấy phép kinh doanh của chúng tôi có hiệu lực đến năm 2014, 2015 được giải quyết như thế nào?
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, các DN đều khẩn thiết trình bày và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa ra những chính sách phù hợp nhằm bảo đảm sự tồn tại và phát triển của các DN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()