Giúp trẻ khuyết tật phát triển nhân cách và kỹ năng
Mỗi đứa trẻ được sinh ra nếu không may mang trong mình một khiếm khuyết, đó là nỗi buồn rất lớn đối với gia đình. Dồn hết tiền để chạy chữa cho con với mong muốn cải thiện được một chút tình trạng sức khỏe nhưng trong khoảng thời gian đó, nhiều phụ huynh đã quên đi việc phải tìm cách CTS cho con em mình. Có nhiều trường hợp, khi các giáo viên của chương trình CTS của Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu tiếp cận được với học sinh tại nhà thì hầu như đã quá muộn. Trường hợp em Nguyễn Kim Minh (trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), đã trải qua hai lần phẫu thuật đục thủy tinh thể nhưng vẫn không thể cải thiện được thị lực. Gia đình em Minh đang ở trong giai đoạn khủng hoảng, khá bối rối vì không biết chăm sóc con thế nào, khả năng nhìn của con sẽ đến đâu. Chỉ đến khi chương trình CTS tại Đà Nẵng được triển khai, mỗi tuần hai buổi các giáo viên hỗ trợ cộng đồng của Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu đến nhà cùng tập luyện, tư vấn, hướng dẫn thì gia đình mới biết cách chăm sóc cho Minh. Với các bài tập như nhìn đồ chơi có âm thanh với nhiều kích cỡ khác nhau và nhiều mầu sắc tương phản chuyển động để thu hút sự chú ý quan sát của trẻ, di chuyển mắt theo hướng đèn pin, di bút… một năm sau đó, Minh đã theo học hòa nhập ở trường mẫu giáo gần nhà.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu Đặng Thanh Tùng: “Đối với những trường hợp nhìn kém như Minh, khi sắp xếp chỗ ngồi, các em luôn được ưu tiên ngồi trước, trong khi chơi cùng thì các bạn không được kéo em đi một cách đột ngột”.
Để CTS cho trẻ, chương trình “Nhìn kém” của Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu được xem là hướng mở cho những học sinh không thể theo học ở trường học bình thường vì vấn đề thị lực yếu. Trước đây, nhà trường chỉ giới hạn tuyển sinh cho đối tượng trẻ bị khiếm thị. Bằng cách tận dụng tối đa phần thị lực còn lại của học sinh, các em được khuyến khích học, đọc chữ sáng bằng cách phóng to cỡ chữ, rút ngắn khoảng cách nhìn và viết chữ bằng bút lông. Trường đã xây dựng phòng nhìn kém, để các em luyện đọc, viết và tập các bài tập thị lực để dây thần kinh thị giác không bị tê liệt.
Đồng thời, triển khai chương trình tư vấn tại cộng đồng công tác phát hiện và CTS cho trẻ nhìn kém. Một số giáo viên cho biết không ít trẻ bị thị lực yếu đã rơi vào tình trạng phát triển tâm sinh lý không bình thường, mà nguyên nhân của nó khiến cho nhiều người không khỏi day dứt: Sự thiếu hiểu biết trong phương pháp chăm sóc của gia đình khiến các giác quan còn lại đều bị ảnh hưởng và thị lực của các em ngày càng giảm sút.
Quan niệm chung của những phụ huynh có con em bị yếu thị lực đều buộc các em hạn chế nhìn, để giữ được thị lực còn sót lại. Nhưng làm như vậy, các em sẽ mất hết thị lực còn lại và không có các bài tập cử động mắt để duy trì dây thần kinh thị giác, kích thích não hoạt động.
Mặc dù đã đưa con đến các trường hòa nhập cộng đồng, nhưng ngoài nỗ lực của giáo viên thì phụ huynh phải là người đưa tay nâng đỡ, dắt con mình cùng đi. Theo Phó Hiệu trưởng Trường chuyên biệt Tương Lai (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) Nguyễn Duy Tuyên chia sẻ kinh nghiệm: “Đối với chương trình CTS thì phụ huynh có vai trò rất lớn, quyết định nhiều sự thành công của quá trình can thiệp”.
Ngoài sự hỗ trợ về vật chất, kỹ thuật trong quá trình CTS, chính thái độ, tinh thần của phụ huynh sẽ tác động rất lớn đến việc hình thành, phát triển nhân cách cũng như kỹ năng cho trẻ.
Nếu trẻ được CTS tại cộng đồng, thì thời gian cùng tập luyện với giáo viên không nhiều, thường chỉ từ 2 đến 3 lần/tuần nên cha mẹ chính là người hỗ trợ để trẻ có thể thuần thục mọi kỹ năng. Không riêng gì trẻ khiếm thị hay nhìn kém, đối với trẻ khuyết tật vận động, khiếm thính, chậm phát triển, trẻ tự kỷ… nếu được CTS, sẽ giúp xác định sớm các chương trình giáo dục, y tế thích hợp nhất cho nhu cầu cá nhân của từng trẻ. Tùy thuộc vào mức độ từng loại khuyết tật, trẻ được áp dụng những chương trình thuận lợi cho quá trình học tập sau này.
Tham gia chương trình CTS tại cộng đồng với các tổ chức phi chính phủ tại Đà Nẵng đã mấy năm nay, cô giáo Lê Thị Giang, Trường PTCB Nguyễn Đình Chiểu đã vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại để chăm sóc các em khuyết tật nặng tại nhà. Hiện nay cô đang chăm sóc em Nguyễn Hoàng Lân B (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng). Ngay từ khi mới sinh ra, Lân B bị đa dị tật: động kinh, bại não, cho nên không thể ngồi được. Công việc bắt đầu của cô giáo là giúp em nhận biết môi trường chung quanh, tập phát âm vì Lân B nói không rõ, những từ nào không nói được thì em chuyển hết qua chữ “c”.
Cô giáo Giang vừa dạy vừa dùng phương pháp xoa bóp tay, chân cho em nhằm làm mềm các cơ. Sau nhiều tháng nỗ lực của cả cô và trò, bây giờ em có thể cầm và giữ phấn trong tay, điều khiển được bút để viết lên giấy.
Cô Giang cho biết: “Nhà Lân B nghèo quá, không có điều kiện để đưa em tới trường và thể trạng của em cũng không thể đến trường. Đây là lý do khiến tôi tận tâm, giúp các em. Hiện tại, mẹ Lân B tự học cô giáo Giang các kỹ năng cách chăm sóc, CTS cho con. Điều quan trọng là mẹ Lân B đã bớt đi mặc cảm vì con mình bị khuyết tật và bản thân em, dù không thể đến trường như bao bạn đồng trang lứa khác nhưng em có thể viết và nói sau hơn sáu năm im lặng.
Tháng 11-2014, UBND thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững (VietHealth) ký kết dự án Nâng cao năng lực và tính bền vững trong phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật trẻ em tại Đà Nẵng (giai đoạn 2) do Cơ quan viện trợ Ai Len-Irish Aid tài trợ với tổng kinh phí hơn 366 nghìn ơ-rô. Dự án thực hiện tại huyện Hòa Vang và quận Liên Chiểu TP Đà Nẵng từ tháng 11-2014 đến tháng 11-2016, với việc hỗ trợ 300 trẻ khuyết tật, hướng đến giảm bớt gánh nặng do trẻ bị khuyết tật gây ra cho các gia đình. Tại giai đoạn 1, dự án của VietHealth đã giúp quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng triển khai sàng lọc, tầm soát khuyết tật cho gần 9.000 trẻ em, qua đó đã lập hồ sơ can thiệp sớm cho hơn 120 trẻ em khuyết tật, góp phần cùng thành phố thực hiện hiệu quả chương trình trợ giúp người khuyết tật và an sinh xã hội.
|
Ý kiến ()