Giúp trẻ ảnh hưởng chất độc hóa học hòa nhập cộng đồng
Sau hàng chục năm nghiên cứu, các nhà khoa học kết luận rằng chất độc hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong chiến tranh đã gây ra hậu quả y học và sinh học lâu dài đối với sức khỏe con người. Nó không chỉ đối với các cựu chiến binh Việt Nam, mà còn cả thế hệ thứ hai, thứ ba là con em của những người đã bị phơi nhiễm. Thậm chí, cả những trẻ em sống trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học cũng có biểu hiện bệnh lý.
Những nạn nhân này hằng ngày phải sống chung với bệnh tật, đau đớn về thể chất và tinh thần, do đó rất cần sự chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng và phục hồi chức năng (PHCN) thường xuyên tại các cơ sở khám, chữa bệnh PHCN và tại cộng đồng. Tuy nhiên hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị và năng lực của cán bộ tại các cơ sở khám, chữa bệnh PHCN còn hạn chế, cho nên giúp nạn nhân chất độc hóa học/đi-ô-xin và người khuyết tật hòa nhập cộng đồng thông qua các biện pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề sức khỏe và khuyết tật là rất cần thiết.
Thời gian qua, với vai trò là cơ quan đồng thực hiện dự án “Chăm sóc sức khỏe và Phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/đi-ô-xin”, Bệnh viện Nhi T.Ư đã triển khai nhiều hoạt động để giúp những trẻ bị ảnh hưởng chất độc hóa học hòa nhập cộng đồng tại các tỉnh vùng dự án. Cụ thể tại hai tỉnh Thái Nguyên và Thanh Hóa (hai trong số 11 tỉnh vùng dự án), bệnh viện đã triển khai các hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em tự kỷ dưới sáu tuổi. Bệnh viện đã điều tra sàng lọc tại bảy xã ở tỉnh Thái Nguyên (Tân Thịnh, Tân Lập, Thịnh Đán, Linh Sơn, Tích Lương, Tân Thành, Túc Duyên) và bảy xã ở tỉnh Thanh Hóa (Quảng Đại, Quảng Cư, Quảng Hùng, Trung Sơn, Quảng Minh, Bắc Sơn, Quảng Châu).
Mỗi tỉnh có 100 gia đình có trẻ tự kỷ và khuyết tật trí tuệ khác tham gia các buổi hướng dẫn can thiệp tại gia đình, bao gồm cung cấp lý thuyết và hướng dẫn thực hành. Tại đây, vai trò của cha mẹ và người chăm sóc trong việc bố trí môi trường can thiệp, thực hiện các hoạt động can thiệp và phối hợp giáo viên, nhà trường được nhấn mạnh. Sau các buổi hướng dẫn, cha mẹ có thể thực hiện việc dạy trẻ các kỹ năng giao tiếp, phát triển ngôn ngữ, dạy tự phục vụ và quản lý hành vi. Tùy theo mức độ bệnh, trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật trí tuệ khác được hướng dẫn đi can thiệp tại các cơ sở như: Bệnh viện PHCN, Bệnh viện Nhi; các trung tâm giáo dục đặc biệt hoặc các giờ can thiệp cá nhân… Trong quá trình này, cha mẹ cùng các cán bộ y tế theo dõi sự tiến triển của trẻ, tiếp tục thực hiện các can thiệp tại gia đình.
Đáng chú ý, bên cạnh giúp trẻ tự kỷ, Bệnh viện Nhi T.Ư cũng tập trung nâng cao năng lực, chuyển giao kiến thức, kỹ thuật PHCN tại cơ sở khám, chữa bệnh, PHCN. Bệnh viện đã tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế của các đơn vị về cách nhận biết sự phát triển bình thường của trẻ, bộ công cụ sàng lọc rối loạn phát triển theo tuổi và giai đoạn; bảng kiểm sàng lọc phát hiện trẻ có nguy cơ mắc tự kỷ. Sau tập huấn, các cán bộ trạm y tế có thể sàng lọc phát hiện trẻ có nguy cơ tự kỷ hoặc có các bất thường khác; còn cán bộ của trung tâm y tế và bệnh viện PHCN đủ khả năng sàng lọc, chẩn đoán xác định và can thiệp trẻ tự kỷ. Các cán bộ y tế cơ sở cũng được tham gia tập huấn về chẩn đoán và xác định nhu cầu can thiệp trẻ tự kỷ (rối loạn tự kỷ, các rối loạn kèm theo, các đặc điểm khó khăn về giao tiếp, ngôn ngữ, hành vi, nhận thức của trẻ tự kỷ… hướng dẫn sử dụng bộ tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn tự kỷ).
Hoàn thiện, duy trì và phát triển mạng lưới phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em tự kỷ dưới sáu tuổi dựa vào mạng lưới y tế sẵn có và dựa vào cộng đồng cũng được chú trọng thông qua tập huấn cho các cán bộ y tế xã, phường và cộng tác viên thôn, bản; tập huấn cho cán bộ của trung tâm y tế huyện và các bệnh viện PHCN. Sau tập huấn, các bệnh viện PHCN tham gia giám sát công tác điều tra, sàng lọc phát hiện sớm các trẻ có nguy cơ tự kỷ và các dạng khuyết tật khác, chẩn đoán và can thiệp nhóm trẻ nghi ngờ tự kỷ; lập biểu mẫu và phần mềm quản lý trẻ tự kỷ; xây dựng quy trình chuyển tuyến và hội chẩn với các chuyên gia tuyến trung ương.
Ý kiến ()