Giúp nông dân tiêu thụ nông sản
Với hàng trăm sản phẩm OCOP cùng nhiều nông sản đặc sản, Bắc Kạn có tiềm năng rất lớn trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Bằng nhiều giải pháp, tỉnh đang hỗ trợ, quảng bá, kết nối giúp nông dân tiêu thụ nông sản thuận lợi.
Đầu tháng 6, Bắc Kạn đã “chào hàng” nhiều sản phẩm nông sản tới thị trường châu Âu thông qua Hội chợ triển lãm “ECO-GREEN VIET NAM EXPO”-Hy Lạp năm 2022 tổ chức tại Vườn cung điện Zappeinon tại Thủ đô Athens, Hy Lạp. Đây là kết quả của hành trình kết nối giữa tỉnh với Đại sứ quán Việt Nam tại Hy Lạp. Tại đây, nhiều nông sản được sản xuất, chế biến tại các thôn, bản của Bắc Kạn được giới thiệu tới người dân Hy Lạp, như: Miến dong Tài Hoan, miến dong Nhất Thiện, bún khô, phở khô, tinh dầu (sả, chanh, quýt), trà Như Cố, chè Shan tuyết, Vicumax Nano Curcumin nghệ, mơ, tía tô, gừng thái chỉ, kiệu muối, sản phẩm chế biến từ gỗ dùng một lần (dao, gỗ, thìa gỗ, dĩa gỗ).
Câu chuyện đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu với Bắc Kạn đã không còn là một chuyện quá xa vời. Thực tế, kênh kết nối, quảng bá thông qua các chương trình phối hợp với các trường đại học, đại sứ quán nước ngoài đang là cách làm hiệu quả của tỉnh miền núi khó khăn này. Sản phẩm OCOP đầu tiên của Bắc Kạn xuất khẩu sang châu Âu với số lượng lớn là miến dong. Trong chuyến khảo sát, học tập mô hình trồng rừng theo công nghệ châu Âu đồng thời tìm hiểu thị trường cho các sản phẩm nông sản tại Cộng hòa Séc, Bắc Kạn đã nắm bắt được nhu cầu, khả năng đáp ứng thị trường châu Âu. UBND tỉnh Bắc Kạn thống nhất lựa chọn Hợp tác xã Tài Hoan, huyện Na Rì làm đối tác xuất khẩu miến sang châu Âu. Tỉnh dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ hợp tác xã hoàn thiện nhà máy chế biến, nâng công suất từ 10 tấn miến/năm lên hơn 300 tấn/năm. Từ tháng 8/2020 đến nay, Hợp tác xã xuất khẩu hơn 25 tấn miến dong sang Cộng hòa Séc với tổng giá trị đơn hàng hơn 70.000 USD.
Xuất khẩu được nông sản không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, hợp tác xã mà còn tạo ra chuỗi giá trị lớn cho nông dân với đầu ra sản phẩm ổn định. Tại Bắc Kạn, Công ty TNHH Việt Nam Misaki đang trở thành đối tác tin cậy cho nông dân. Trung bình, hằng năm, công ty thu mua của người dân hơn 10.000 tấn nông sản các loại. Từ thành công ban đầu là sản phẩm mơ, gừng muối ăn liền, công ty đã phát triển, liên kết vùng nguyên liệu với nông dân trồng thêm nhiều sản phẩm mới, như: Củ kiệu, rau cải, củ cải khổng lồ, măng tre Bát Độ, dưa chuột… Toàn bộ sản phẩm đều được chế biến, xuất khẩu sang Nhật Bản.
Để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, tần suất tổ chức, tham gia các sự kiện kết nối, quảng bá, lãnh đạo tỉnh lặn lội tìm kiếm cơ hội của Bắc Kạn có thể nói là dày đặc. Đầu tháng 6/2022, lần đầu Bắc Kạn tổ chức sự kiện xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP gắn với du lịch trải nghiệm. Thông qua sự kiện đã có 10 biên bản hợp tác cung ứng nông sản của các hợp tác xã tại địa phương với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị trên cả nước. Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, đã có hàng chục biên bản hợp tác tiêu thụ nông sản được ký kết thông qua các sự kiện quảng bá. Trong đó, nhiều biên bản có giá trị lớn, như: cung cấp nông sản tiêu biểu vào chuỗi siêu thị Big C; cung cấp sản phẩm vào hệ thống Winmart; cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp chế biến, nhất là dược liệu…
Dù là tỉnh miền núi khó khăn nhưng Bắc Kạn cũng rất chủ động triển khai thương mại điện tử. Nhiều nông dân giờ đã thành thạo việc đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, nhiều hợp tác xã dù Covid-19 diễn biến phức tạp vẫn đạt doanh thu tốt. Bắc Kạn đã hỗ trợ tám hợp tác xã xây dựng website thương mại; hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng gian hàng trên các sàn thương mại điện tử lớn; đăng tải 131 sản phẩm OCOP 3 sao lên địa chỉ www.ketnoiocop.vn. Nhiều sự kiện livestream độc đáo được tổ chức, như: “Sản phẩm OCOP, hội tụ giá trị-lan tỏa văn hóa” đã thu hút hơn 10.000 người theo dõi, trong đó, hơn 2.000 người tham gia đặt hàng.
Thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bắc Kạn hỗ trợ 45 hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác học tập kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Qua đó, đã đưa 56 sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada…; 9 sản phẩm được ký kết tiêu thụ với siêu thị Big C. Năng lực tham gia thương mại điện tử của các đơn vị được nâng lên. Ngoài ra, toàn bộ sản phẩm OCOP đều được tỉnh hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử VoSo và sàn thương mại điện tử Postmart.
Hạn chế, khó khăn lớn nhất với Bắc Kạn hiện nay là liên kết sản xuất chưa bền vững; vẫn còn tình trạng nông dân, doanh nghiệp phá hợp đồng trong liên kết sản xuất; sản phẩm chất lượng tốt nhưng mẫu mã, bao bì chưa tương xứng, chưa tạo được dấu ấn. Theo giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn, nhiều chính sách hỗ trợ trong thời gian qua chưa sát thực tế dẫn tới thiếu hiệu quả. Các hợp tác xã thường có nhiều sản phẩm nhưng chính sách chỉ quy định hỗ trợ một loại nhãn mác sản phẩm. Việc quy định nội dung hỗ trợ thiết kế bao bì cũng được các hợp tác xã phản ánh là không phù hợp vì trên thực tế, chi phí in ấn, mua bao bì mới là phần lớn còn chi phí thiết kế bao bì thì không đáng là bao…
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa cho biết, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đi đôi với tăng cường kết nối cung cầu, tiêu thụ. Tỉnh sẽ nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận và xây dựng mục tiêu thị trường xuất khẩu để nâng cao giá trị kinh tế bền vững.
Ý kiến ()