Xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng trong tiến trình đổi mới và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Chương trình 135 giai đoạn I, II và Chương trình giúp các huyện nghèo tập trung chủ yếu cho khu vực nông thôn.Hàng chục nghìn tỷ đồng Chính phủ đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo như ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến nông, lâm, ngư, phát triển ngành nghề, xây dựng kết cấu hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, dạy nghề ở nông thôn... đã góp phần rất quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo khu vực nông thôn. Trong ba năm gần đây, thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn lên đến gần 290 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn cũng giảm mạnh. Theo tiêu chí cũ trong ba năm từ 2008 đến 2010 tỷ...
Xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn là một chủ trương lớn của Đảng trong tiến trình đổi mới và thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Chương trình 135 giai đoạn I, II và Chương trình giúp các huyện nghèo tập trung chủ yếu cho khu vực nông thôn.
Hàng chục nghìn tỷ đồng Chính phủ đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo như ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, khuyến nông, lâm, ngư, phát triển ngành nghề, xây dựng kết cấu hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, dạy nghề ở nông thôn… đã góp phần rất quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo khu vực nông thôn. Trong ba năm gần đây, thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành T.Ư khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn lên đến gần 290 nghìn tỷ đồng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn cũng giảm mạnh. Theo tiêu chí cũ trong ba năm từ 2008 đến 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,2% xuống còn 11,3%, ở 62 huyện nghèo đã giảm từ 47% xuống còn 37%.
Có thể coi đây là thành tựu nổi bật trong chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp và an sinh xã hội đối với khu vực nông thôn. Thực tiễn kinh tế – xã hội của nước ta trong quá trình ứng phó với khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu cho thấy, kinh tế nông nghiệp và an sinh xã hội khu vực nông thôn, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng nông thôn có vị trí, vai trò to lớn cho sự ổn định và phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, do điều kiện thiên tai khắc nghiệt, hạn hán, bão lũ ngày càng dữ dội vì tác động của biến đổi khí hậu, nạn phá rừng bừa bãi, khai thác khoáng sản và tài nguyên biển quá mức, cùng với những tập quán canh tác còn thô sơ, lạc hậu, nhất là ở vùng núi cao và các vùng ven biển cho nên việc xóa đói, giảm nghèo ở nhiều vùng nông thôn chưa thật sự bền vững. Vẫn còn nhiều hộ phải cứu đói, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Phải làm sao cho việc giảm nghèo thật sự bền vững là một thực tế cần phải suy tính để có những tác động, thay đổi từ chính sách đến tổ chức thực hiện.
Theo những kết quả nghiên cứu, điều tra về giảm nghèo cho thấy, trong các chính sách, quyết định của Chính phủ đối với công tác xóa đói, giảm nghèo thì chính sách đầu tư cho phát triển sản xuất và tổ chức thực hiện của địa phương là hiệu quả nhất. Thí dụ, từ năm 2007 đến 2009 đã có hơn 25 nghìn hộ ở 62 huyện nghèo được vay hơn 126 tỷ đồng để mua trâu, bò, cây, con giống, vật tư nông nghiệp… góp phần cho 14 nghìn hộ thoát nghèo. Trong hơn mười năm qua, tất cả các xã, thôn, bản thuộc diện hỗ trợ của Chương trình 135 đã tiếp cận với giống cây, con mới và sản xuất theo hướng thị trường. Điều có ý nghĩa thiết thực và hiệu quả là có hơn 50% số hộ nghèo được tập huấn kỹ thuật sản xuất, chế biến nông sản, bảo quản nông sản hàng hóa sau thu hoạch thông qua các chương trình khuyến nông, lâm, ngư…
Từ những bài học và kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo của các địa bàn nông thôn nên chăng trong các chính sách và chỉ đạo thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo cần tập trung nhiều hơn các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế hàng hóa các vùng nông thôn nghèo. Chẳng hạn như ưu đãi tín dụng cho phát triển sản xuất và để người nông dân nghèo được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của Chính phủ dành cho người nghèo; ưu tiên việc đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất cho vùng nghèo và người nghèo như thủy lợi, giao thông, kho bãi, các cơ sở chế biến nông, lâm, hải sản… Cần đặc biệt coi trọng giải quyết cả đầu vào và đầu ra cho sản phẩm hàng hóa mà người nghèo và vùng nghèo ở nông thôn làm ra. Có thể thiết lập mạng lưới tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhất là các vùng cao nơi có đồng bào dân tộc thiểu số, có thể xây dựng và quảng bá các thương hiệu nông sản cho đồng bào để đưa ra thị trường, hoặc phát triển hệ thống dịch vụ để hỗ trợ đồng bào về giống, vật tư nông nghiệp; ưu tiên chuyển giao kỹ thuật, công nghệ thông qua công tác khuyến nông, lâm, ngư hoặc các dự án triển khai với sự chỉ đạo và tham gia tích cực của Nhà nước và nhà khoa học để phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()