Giúp nông dân Tây Nguyên tái canh cây cà-phê
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm Tây Nguyên (KHKTNLTN), diện tích cây cà-phê già cỗi ở Tây Nguyên chiếm khoảng 30% tổng diện tích cà-phê của cả nước. Năng suất cà-phê già cỗi (đã khai thác từ 20 đến 30 năm) giảm dần theo từng niên vụ, cần thay thế trong năm đến 10 năm tới. Ðã có nhiều mô hình tái canh cây cà-phê thành công, song không ít vườn tái canh đã thất bại...
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm Tây Nguyên (KHKTNLTN), diện tích cây cà-phê già cỗi ở Tây Nguyên chiếm khoảng 30% tổng diện tích cà-phê của cả nước. Năng suất cà-phê già cỗi (đã khai thác từ 20 đến 30 năm) giảm dần theo từng niên vụ, cần thay thế trong năm đến 10 năm tới. Ðã có nhiều mô hình tái canh cây cà-phê thành công, song không ít vườn tái canh đã thất bại…
Mỗi nơi tái canh một kiểu
Ở Tây Nguyên đã có một số mô hình tái canh cây cà-phê thành công khi áp dụng triệt để quy trình khai hoang, thu gom rễ và luân canh từ hai đến bốn năm. Trong đó, Công ty cà-phê Ea Pôk (Ðác Lắc) là đơn vị đã bước đầu thành công khi tái canh với quy trình luân canh với cây bắp, đậu. Từ năm 1996 đến 2007, công ty đã tái canh 180 ha cà-phê, trong đó có 100 ha cà-phê được áp dụng biện pháp thu gom rễ cùng với biện pháp luân canh ba năm và 80 ha cà-phê được tiến hành thu gom rễ nhưng không thực hiện luân canh. Ðến nay, toàn bộ diện tích cà-phê luân canh đều sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất bình quân từ 2,5 đến 3 tấn nhân/ha, trong khi đó tất cả diện tích cà-phê không được luân canh trước đó đều bị bệnh thối rễ với năng suất bình quân dưới một tấn nhân/ha.
Cuối năm 2012, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà-phê Thắng Lợi Nguyễn Xuân Thái được Sở Khoa học và Công nghệ Ðác Lắc cấp chứng nhận sáng kiến “Giải pháp tái canh cà-phê vối bằng biện pháp luân canh cải tạo đất”. Theo đó, quy trình bắt buộc trong cải tạo đất trồng mới tái canh cây cà-phê vối trên nền đất thanh lý là phải nhổ cây cà-phê vối bằng phương pháp thẳng đứng, cày rà rễ, thu gom hết rễ cũ; trồng luân canh cây ngắn ngày nhằm cắt đứt nguồn thức ăn của nấm bệnh, nhất là tuyến trùng. Thời gian luân canh ít nhất là ba năm, trong đó hai năm đầu trồng màu, năm thứ ba trồng cây muồng hoa vàng (trồng hai vụ) và cày vùi để tăng hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng cho đất, đây là một trong những yêu cầu bắt buộc. Từ năm 2005, Công ty TNHH MTV Cà-phê Thắng Lợi áp dụng hình thức này trên diện tích hơn 85 ha cây cà-phê của hơn 90 hộ dân nhận khoán vườn cây. Ðến nay, toàn bộ diện tích tái canh phát triển rất tốt (100% đạt loại A), cho năng suất cao và ổn định.
Cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên kiểm tra vườn cà-phê thực nghiệm giống mới.
Ông Trần Văn Sương, thôn Ngọc Sơn 1, xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà (Lâm Ðồng) cho biết, gia đình vừa vay của ngân hàng 120 triệu đồng để mua 900 gốc cà-phê Rusbita và 900 cây cà-phê Katimo. Theo ông, gia đình không thực hiện tái canh vườn cà-phê đồng loạt mà làm theo cách “cuốn chiếu”. Với cách làm này, gia đình ông vẫn có nguồn thu quanh năm, vừa ổn định thu nhập mà lại có điều kiện để đầu tư tái canh toàn bộ diện tích cây cà-phê theo kế hoạch.
Ông Vương Ðức Hợi ở thôn 8, xã Cư Ni, huyện Ea Kar (Ðác Lắc) cho biết, gia đình ông có tám sào cà-phê 27 tuổi cho sản lượng thấp, chưa đầy hai tấn nhân/ha nên năm 2008 ông đã phá bỏ để trồng mới. Với kinh nghiệm của người trồng cà-phê lâu năm và cùng với kiến thức từ một số tư liệu về tái canh cây cà-phê, ông thực hiện theo quy trình: nhổ cây, rà rễ, cày đất, đào hố bỏ vôi và phân chuồng; thực hiện trồng các loại hoa màu để cải tạo đất trong hai năm đầu. Sang năm thứ ba, ông bắt đầu trồng mới bằng cây giống mua từ Viện KHKTNLTN. Hai năm đầu, vườn cây phát triển rất tốt, tuy nhiên sang năm thứ ba thì bị vàng lá, khô cành và chết dần do rễ bị hư . Ông Hợi cho biết, trong năm tuổi thứ ba và tư của vườn cây, bình quân mỗi năm ông phải trồng thay thế 100 cây. Hiện tại, vườn cây đã bước sang tuổi thứ năm nhưng tình trạng chết dần hoặc phát triển kém vẫn xảy ra, phải tiếp tục nhổ bỏ để trồng lại. Trường hợp hộ bà Vũ Thị Hòa ở tổ dân phố 17, phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ (Ðác Lắc), sau khi nhổ bỏ hơn ba sào cà-phê 26 năm tuổi, gia đình cũng đã thực hiện các biện pháp như rà rễ, cày xới, đào hố, bón vôi và phân chuồng, đồng thời để đất nghỉ trong một năm rồi trồng mới. Ðến nay, sau bốn năm trồng lại, tổng số cây cà-phê phải nhổ bỏ, trồng thay thế đã hơn 100 cây mà vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cần vốn và kỹ thuật tái canh chuẩn
Diện tích cây cà-phê cần tái canh ở Ðác Lắc là 85.000 ha, Lâm Ðồng là 59.600 ha, Gia Lai là 27.300 ha, Ðác Nông là 24.658 ha… Nếu so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 thì số cây cà-phê đã được tái canh rất ít, chưa đạt mục tiêu. Tái canh chậm là do chi phí cao, mỗi ha cà-phê cần tới 120 đến 150 triệu đồng. Theo tính toán, để tái canh 126.000 ha trong giai đoạn đầu, cần khoảng 15 nghìn tỷ đồng.
Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKTNLTN, việc trồng lại cây cà-phê trên đất đã trồng cà-phê gặp khó khăn do nguồn sâu bệnh tích lũy trong đất. Nhiều trường hợp, sau khi trồng lại cây cà-phê không chết ngay mà hai, ba năm sau mới chết, thiệt hại rất lớn. Một trong những biện pháp quan trọng là phải thu gom hết rễ cà-phê cũ, bởi đây chính là nơi chứa nấm bệnh. Ngoài ra, cần áp dụng luân canh bằng những cây trồng ngắn ngày để cắt đứt nguồn thức ăn của nấm bệnh, nhất là tuyến trùng. Ðối với những vườn cà-phê cũ, không có tiền sử bị bệnh vàng lá thì thời gian luân canh tối thiểu chừng hai năm; ngược lại thì thời gian luân canh phải nhiều hơn, ít nhất là ba đến bốn năm. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà-phê Thắng Lợi: Tái canh cà-phê thất bại là do làm sai quy trình kỹ thuật, nhiều nông dân làm tự phát, không nắm rõ khoa học kỹ thuật, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và quy trình tái canh cây cà-phê đến người nông dân đang là yêu cầu cấp bách. Thời gian qua, ngành khuyến nông một số địa phương cũng đã xây dựng vài mô hình tái canh nhưng phổ biến chưa rộng. Theo Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðác Lắc) Trịnh Tiến Bộ, đã đến lúc việc phổ cập kiến thức tái canh cây cà-phê phải được thực hiện bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”. Tăng cường hơn nữa việc tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về tái canh cây cà-phê, các cơ quan chuyên môn cần xây dựng ở mỗi địa phương một số mô hình chuẩn để trình diễn về tái canh cây cà-phê, giúp người dân học tập, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau. Chính quyền địa phương cần vào cuộc, rà soát chất lượng vườn cây trên địa bàn, xác định nhu cầu cần tái canh hằng năm và tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.
Khó khăn lớn nhất trong tái canh cây cà-phê đối với người nông dân hiện nay là thiếu vốn. Theo tính toán, để tái canh một ha cây cà-phê cần khoảng 150 đến 250 triệu đồng, chưa kể thời gian tái canh kéo dài năm đến sáu năm: Trong hai, ba năm đầu luân canh cải tạo đất, sau đó trồng lại phải mất ba năm nữa mới có thu hoạch. Trong khoảng thời gian này, thu nhập của người dân giảm đáng kể, khiến họ không mạnh dạn tái canh. Anh Phạm Văn Hùng, tổ dân phố 9, thị trấn Phước An, huyện Krông Pách (Ðác Lắc) cho biết: Gia đình anh có 1,6 ha cà-phê đã bước sang tuổi 30, năng suất thấp. Anh định tái canh, nhưng qua tham khảo nhiều nơi, thấy vốn đầu tư khá cao, thêm vào đó lại mất nguồn thu nhập trong nhiều năm nên gia đình rất băn khoăn. Hộ chị Nguyễn Thị Lương, xóm mới, xã Quảng Tiến, huyện Chư M'gar (Ðác Lắc) có vườn cà-phê đã 20 tuổi, năng suất thấp, do thiếu vốn trồng lại, nên nhiều năm nay chị vẫn phải cải tạo vườn cây theo phương pháp cưa vát để nuôi chồi và dùng các chế phẩm sinh học. Thực tế cho thấy, cách làm này trước mắt giúp cải thiện năng suất nhưng về lâu dài vẫn phải tiến hành tái canh mới bảo đảm được hiệu quả. Thiếu vốn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nông dân nóng vội, không cải tạo đất theo quy trình mà cứ trồng ngay, cho nên thất bại.
Tháng 6-2013, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ký kết với UBND hai tỉnh Ðác Lắc và Lâm Ðồng về việc triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng tại Ðác Lắc và 2.800 tỷ đồng tại Lâm Ðồng cho vay thực hiện tái canh cây cà-phê giai đoạn 2013 – 2016. Theo quy định, mỗi ha tái canh được ngân hàng cho vay từ 150 đến 200 triệu đồng trong thời hạn bảy năm. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2013, ngành ngân hàng cam kết cho vay 12 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thông thường 2%/năm. Như vậy, một lượng vốn lớn đã sẵn sàng cho tái canh cây cà-phê ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo khảo sát tại một số địa phương, bà con nông dân vẫn chưa thật sự mặn mà vay vốn vì họ cho rằng, lãi suất cho vay 10%/năm vẫn còn cao. Ngành ngân hàng cần rà soát lại, có kế hoạch cụ thể thực hiện các cam kết để giúp nông dân Tây Nguyên thật sự tiếp cận được nguồn vốn để tái canh có hiệu quả cây cà-phê.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()