Giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận vốn vay
Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) từ bao đời nay vốn được mệnh danh là "vựa lúa" lớn nhất của cả nước. Nhưng có một thực tế đáng buồn là người dân làm ra hạt lúa, trồng cây lành trái ngọt vẫn không thoát khỏi nhóm nghèo. Nhiều giải pháp được đưa ra cùng sự vào cuộc của các ngành, các cấp, nhưng đâu mới là lối thoát cho thực trạng này?"Hái sao trên trời"Phần lớn số dân cư vùng ĐBSCL sống bằng nghề nông, cho nên để tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo thì ngoài việc giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, yếu tố hỗ trợ nguồn vốn cũng là khâu quan trọng cần được quan tâm. Ngày 12-4-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việc ra đời của Nghị định này mở ra nhiều cơ hội cho sản xuất nông nghiệp, giải quyết được cơn khát vốn của nông dân, nhưng nhìn lại chặng đường gần...
Thu hoạch lúa ở đồng bằng sông Cửu Long. |
“Hái sao trên trời”
Phần lớn số dân cư vùng ĐBSCL sống bằng nghề nông, cho nên để tạo điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo thì ngoài việc giúp nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, yếu tố hỗ trợ nguồn vốn cũng là khâu quan trọng cần được quan tâm. Ngày 12-4-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Việc ra đời của Nghị định này mở ra nhiều cơ hội cho sản xuất nông nghiệp, giải quyết được cơn khát vốn của nông dân, nhưng nhìn lại chặng đường gần ba năm qua, liệu đây có phải là sự “cứu cánh” cho nông dân? Trong khi thực tế muốn tiếp cận được nguồn vốn này thì khó như “hái sao trên trời”, theo như cách nói ví von của một số nông dân miền Tây. Thực tế cho thấy, có quá nhiều bất cập và có quá nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ trong việc thực hiện tín dụng khu vực nông thôn, nhất là về điều kiện vay vốn và còn vô số những bất cập mà dòng chảy tín dụng về nông thôn, dù đã được khơi thông, nhưng nông dân vẫn không có cách nào để tiếp cận được.
Theo quy định, nông dân có thể vay tín chấp từ 50 triệu đồng trở xuống, nhưng phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (ngân hàng gọi là giữ hộ), điều này có khác gì so với vay thế chấp có tài sản bảo đảm? Do vậy, đối với những hộ không có sổ đỏ, sổ hồng thì việc tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng là điều không tưởng. Qua tìm hiểu thực tế từ một số bà con nông dân “may mắn” được tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng bằng tín chấp phần lớn đều cho rằng: Số tiền được duyệt cho vay chỉ đủ trang trải cho mua hạt giống, cây con và những chi phí nhỏ lẻ khác, còn các khoản vay lớn thì ngân hàng yêu cầu cần có phương án khả thi chứng tỏ việc sử dụng đồng vốn có hiệu quả, mà điều này thì không phải nông dân nào cũng có đủ năng lực.
Thời hạn cho vay cũng là điều đáng quan tâm. Phần lớn các tổ chức tín dụng quy định thời hạn đáo hạn cho các khoản vay quá ngắn, mà đặc thù của ngành nông nghiệp nước ta thì luôn phải chịu sức ép từ thiên tai, dịch bệnh và luôn trong thế bị động về thông tin giá cả thị trường cũng như đầu ra cho sản phẩm. Phần lớn bà con nông dân không thể trả tiền lãi và tiền gốc cho ngân hàng đúng thời hạn, nhất là các hộ sử dụng vốn vay để trồng các loại cây có thời gian sinh trưởng dài. Trong khi đó thủ tục vay vốn cũng là một rào cản lớn, gây nên tâm lý e ngại cho nông dân, những người quanh năm chân lấm tay bùn, trình độ dân trí thấp, nên việc đi đến ngân hàng để tìm hiểu thông tin, và thỏa thuận vay vốn là một việc làm không dễ đối với họ.
Đó là những khó khăn cơ bản của nông dân khi có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng để tăng gia sản xuất. Với các khoản vay ngắn hạn trong một năm với số tiền dưới 50 triệu đồng thì phần lớn bà con nông dân không sử dụng đúng mục đích vốn vay. Dù được giải ngân kịp thời trong các vụ xuống giống và các đợt vào vụ chăn nuôi nhưng tình trạng mua ghi nợ phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc… rồi đương nhiên phải trả một mức giá cao hơn khi thanh toán vào cuối vụ thu hoạch. Tình trạng này gây nên mức “lãi kép” mà nông dân phải gánh chịu, và ngân hàng thì do không có đủ nhân lực và điều kiện để giám sát chặt chẽ cho nên rủi ro là điều không tránh khỏi.
Khơi thông nguồn vốn
Câu chuyện khơi thông nguồn vốn tín dụng đến các vùng nông thôn cho đến nay không còn mới, cũng không thể phủ nhận được việc Nhà nước đã làm hết sức mình trong việc xây dựng những chính sách ưu đãi dành cho khu vực này. Ngoài những ngân hàng được Nhà nước giao nhiệm vụ cho vay khu vực nông thôn như: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội, thì Ngân hàng Nhà nước rất khuyến khích và ưu đãi các ngân hàng thương mại tham gia cho vay khu vực này. Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc thấp hơn, ưu tiên lãi suất tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng nào tham gia cho vay lĩnh vực tam nông thấp hơn so với cho vay vào các lĩnh vực khác,… dường như mọi điều kiện mà Nhà nước tạo ra đều thuận lợi, nhưng thực tế tín dụng khu vực này vẫn không tăng trưởng xứng tầm. Vậy, cốt lõi của mọi vấn đề là ở đâu, và nút thắt nào cần được tháo gỡ?
Nhà nước sớm đề ra những giải pháp để giải quyết sự thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, vì thực tế hiện nay, nông dân cứ đến mùa thì sản xuất, không cần biết đầu ra ở đâu, giá cả biến động như thế nào, và đâu sẽ là nơi thu mua sản phẩm của mình… Với một thực trạng như vậy thì dù có được tạo điều kiện ưu đãi về vốn đến đâu nông dân vẫn không tự mình tìm lối thoát được.
Trình độ dân trí ở nông thôn cũng là một trong những vấn đề nhức nhối hiện nay. Chính vì hệ lụy: Mức sống thấp – thu nhập thấp – dân trí thấp – đời sống văn hóa thấp… tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác làm cho nông dân không biết khai thác dù có được trao cơ hội tận tay. Nhiều hộ nghèo và cận nghèo tại các vùng sâu, vùng xa của ĐBSCL nhận được nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, nhưng rồi họ không biết nên làm gì với số vốn đó. Thực tế này đã xảy ra ngay tại huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ), nhiều hộ sau khi nhận vốn vay về không biết đầu tư vào đâu cho hiệu quả cho nên mang tiền đi mua máy thu hình, tủ lạnh và các vật dụng xa xỉ khác… Vì vậy, tại các xã, phường, cần thành lập các tổ chức đại diện như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… làm cầu nối giúp nông dân tiếp cận với ngân hàng khi có nhu cầu vay vốn và giúp ngân hàng tuyên truyền các chính sách, thủ tục cũng như hỗ trợ ngân hàng trong việc thu hồi nợ.
Nghị định 41/2010 có quy định về xử lý rủi ro do những nguyên nhân bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh… bằng cách khoanh nợ, giãn nợ, xóa nợ nhằm tạo hành lang an toàn bên cho vay lẫn bên đi vay. Điều cần thiết hơn là Nhà nước cần quy hoạch sao cho mỗi địa phương thành lập được một nguồn quỹ hỗ trợ để khi cho vay thì các ngân hàng sẽ yên tâm hơn trong việc cho vay và chủ động hơn trong việc xử lý rủi ro.
Theo Nhandan
Ý kiến ()