Giúp nhau giảm nghèo
LSO-Những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Chi Lăng luôn tích cực thực hiện phong trào giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho hội viên, phụ nữ trên địa bàn.
![]() |
Mô hình nuôi lợn hộ gia đình của hội viên phụ nữ ở thị trấn Chi Lăng |
Hội LHPN huyện Chi Lăng hiện có trên 12.680 hội viên, sinh hoạt ở 21 cơ sở hội. Phần lớn chị em tham gia sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn; nhiều hội viên rất cần hỗ trợ về vốn để đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Do vậy, để phong trào thực sự phát huy hiệu quả, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội bám sát nghị quyết của các cấp uỷ và đề ra những giải pháp đồng bộ; phối hợp với chính quyền, các đoàn thể khảo sát điều tra hộ nghèo, nguyên nhân dẫn đến nghèo.
Trên cơ sở đó, hội tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn chị em hội viên, phụ nữ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tổ chức và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế… Cùng với đó, tuyên truyền cho các cơ sở hội huy động nguồn vốn tại chỗ và sử dụng tốt nguồn vốn đã có; vận động cán bộ, hội viên đóng góp vốn vào tổ tín dụng tiết kiệm; sau đó hỗ trợ phụ nữ nghèo, phù hợp với điều kiện của từng gia đình hội viên.
Thông qua các hoạt động trên, tính đến tháng 11/2017, nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đã khai thác và quản lý trên 78 tỷ đồng cho hơn 2.215 phụ nữ vay đầu tư phát triển kinh tế như: chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả, mở các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ, sản xuất vật liệu xây dựng… Đến nay, 100% cơ sở hội có các hoạt động hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ nghèo làm chủ hộ có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá.
Ngoài ra, hội phụ nữ các cấp còn định hướng cho hội viên tập trung vào phát triển sản xuất các ngành nghề phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với thế mạnh và tiềm năng sẵn có của địa phương, nhất là về lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Toàn huyện đã xây dựng được 1.658 mô hình sản xuất tiêu biểu trên địa bàn như: mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi của gia đình chị Lương Thị Hòa, ở thôn Yên Thịnh và chị Tự Thị Ngọc, ở thôn Lân Bông (thị trấn Chi Lăng) có thu nhập hằng năm đạt trên 1 tỷ đồng, ngoài ra còn có nhiều hộ gia đình hội viên, phụ nữ đạt thu nhập từ 200 đến 500 triệu đồng/năm.
Có thể thấy, phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo ở Hội LHPN huyện Chi Lăng đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của gia đình các chị em. Kết quả, trong năm 2017 đã có 26 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ được thoát nghèo, đạt 123,8% chỉ tiêu đề ra.
Cùng với hỗ trợ về phát triển kinh tế, Hội LHPN huyện còn phối hợp với các đoàn thể vận động hội viên đóng góp tiền, công lao động xoá nhà tạm, xây dựng nhà đại đoàn kết, nhà mái ấm tình thương. Kết quả trong năm 2017, hội đã hỗ trợ 3 hội viên nghèo làm được nhà ở với số tiền là 20 triệu đồng và nhiều ngày công lao động.
Bà Nguyễn Mai Huyền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Chi Lăng cho biết: Giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng, thiết thực đối với hội viên phụ nữ. Bởi vậy, thời gian qua, hội đã có những giải pháp giúp hội viên tìm được hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, từ đó nhiều hội viên đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ khá, giàu. Từ nay đến năm 2021, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền và các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn, giúp hội viên có kiến thức khoa học áp dụng vào sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống.
THẾ BẢO

Ý kiến ()