Giúp người trồng cà-phê giảm bớt khó khăn
Chưa bao giờ người trồng cà-phê ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Ðác Nông nói riêng lại gặp khó khăn như niên vụ 2013 - 2014 này, khi giá cà-phê giảm quá mạnh, giá các loại vật tư như phân bón, xăng, dầu, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công... đều tăng cao. Ðể giúp người trồng cà-phê vượt qua khó khăn, thách thức cần sớm định hướng sản xuất cho nông dân xóa phương thức độc canh, để tránh khi rớt giá là lâm vào tình trạng khốn đốn.
Chưa bao giờ người trồng cà-phê ở các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Ðác Nông nói riêng lại gặp khó khăn như niên vụ 2013 – 2014 này, khi giá cà-phê giảm quá mạnh, giá các loại vật tư như phân bón, xăng, dầu, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… đều tăng cao. Ðể giúp người trồng cà-phê vượt qua khó khăn, thách thức cần sớm định hướng sản xuất cho nông dân xóa phương thức độc canh, để tránh khi rớt giá là lâm vào tình trạng khốn đốn.
Khó khăn chồng chất
Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi về xã Ðác N'Drung, một vùng cà-phê trọng điểm của huyện Ðác Song. Không khí thu hoạch cà-phê năm nay không rộn ràng, sôi động như những năm trước. Chúng tôi ghé thăm gia đình ông Trần Văn Tiến, một người quen ở gần khu vực trung tâm xã có 2,5 ha cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Những năm giá cà-phê ở mức cao, ông thuê luôn cả chục lao động phụ giúp thu hái, nhưng còn năm nay chỉ vài người tham gia. Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cà-phê chín đỏ cây, ông Tiến than thở: “Bước vào vụ thu hoạch năm nay, giá cà-phê bất ngờ giảm mạnh, nhất là thời điểm giữa tháng 11 vừa qua chỉ còn 28.500 đồng/kg, khiến người trồng cà-phê lỗ nặng. Chưa hết, bước vào vụ thu hoạch, giá thuê nhân công tăng mạnh từ 120 nghìn đồng/lao động/ngày lên 150 nghìn đồng, cho nên đã khó càng khó khăn hơn”.
Chủ tịch UBND xã Ðác N'Drung Ðiểu G'rơn cho biết: Toàn xã hiện có gần 3.000 ha cà-phê. Những năm trước đây, khi giá cà-phê ở mức 45 nghìn đến 50 nghìn đồng/kg, bà con nông dân hết sức phấn khởi, không khí thu hoạch cũng rộn ràng hơn. Còn năm nay, năng suất cà-phê có cao hơn năm trước nhưng do giá giảm sâu, cho nên không khí thu hoạch của bà con nông dân trên địa bàn xã bớt phần nhộn nhịp, thậm chí nhiều hộ lâm vào nợ nần. Hiện nay, một số người đang muốn chuyển đổi từ trồng cà-phê sang trồng tiêu, bởi giá tiêu hiện đang ở mức cao 160 nghìn đồng/kg. Trong hoàn cảnh khó khăn của người trồng cà-phê hiện nay, Nhà nước và ngành nông nghiệp cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, nếu không người nông dân ồ ạt chuyển đổi sang trồng tiêu, sản xuất theo kiểu phong trào thì thiệt hại thật khó lường.
Không chỉ ở xã Ðác N'Drung, khi đến các xã trọng điểm cà-phê của tỉnh Ðác Nông như: Ðức Minh, Ðức Mạnh, Ðác Lao, Ðác Sắc (huyện Ðác Min); xã Nhân Ðạo, Ðạo Nghĩa, Ðác Ru (huyện Ðác R'Lấp)… đều thấy không khí thu hoạch cà-phê năm nay không sôi nổi và phấn khởi như những năm trước. Gia đình anh Nguyễn Văn Long, ở thôn 2, xã Ðác Ru đang thuê người thu hoạch ba ha cà-phê của gia đình. Trò chuyện với chúng tôi, anh Long buồn rầu nói: “Năm nay, người trồng cà-phê gặp quá nhiều khó khăn vì giá giảm mạnh. Với giá bán như hiện nay 35.000 đồng/kg thì không đủ trả tiền phân bón, tưới tắm, công chăm bón, nhân công thu hoạch…, do đó lấy đâu ra nguồn vốn đầu tư cho năm sau. Liệu không biết có vượt qua được khó khăn này để tiếp tục gắn bó với cây cà-phê hay không?
Chủ tịch UBND xã Ðác Ru Nguyễn Tấn Nào cho biết: Toàn xã hiện có hơn 2.000 ha cà-phê. Do giá cà-phê năm nay giảm mạnh, trong khi giá thuê nhân công thu hái tăng hơn 15% so với năm ngoái, cho nên nông dân hạn chế thuê nhân công. Ðể người dân yên tâm thu hái, UBND xã đã chỉ đạo công an xã phối hợp xã đội và lực lượng dân quân tự vệ, công an viên các thôn, buôn trên địa bàn tăng cường giữ gìn an ninh trật tự, quản lý chặt nhân khẩu, hộ khẩu, xử lý nghiêm các cơ sở thu mua cà-phê xanh, cà-phê không rõ nguồn gốc…, giúp người dân giảm bớt khó khăn.
Trong những ngày đầu tháng 12, giá cà-phê trên địa bàn khu vực Tây Nguyên đã tăng trở lại và đang dao động ở mức 34 nghìn đồng đến 35 nghìn đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 11 vừa qua, nhưng vẫn giảm tới 10 nghìn đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, người trồng cà-phê vẫn lỗ nặng. Tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên hiện nay, nhất là các huyện như Ðác Min, Ðác R'Lấp, Ðác Song của tỉnh Ðác Nông; Cư M'gar, Krông Búc, Krông Pác, Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ (Ðác Lắc)… chỉ sản xuất độc canh cây cà-phê, vì vậy khi giá giảm mạnh khiến người nông dân thua lỗ, lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Ðể người trồng cà-phê giảm bớt khó khăn
Theo thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, bước vào thu hoạch cà-phê niên vụ 2013 – 2014, toàn vùng có hơn 551 nghìn ha cà-phê, chủ yếu đang trong giai đoạn kinh doanh. Trong đó, Ðác Lắc có diện tích cà-phê lớn nhất, với hơn 202 nghìn ha, diện tích cho thu hoạch là hơn 191 nghìn ha, với sản lượng ước đạt hơn 450 nghìn tấn cà-phê nhân. Tỉnh Ðác Nông có hơn 114 nghìn ha cà-phê, với sản lượng ước khoảng 220 nghìn tấn… Mặc dù sản lượng cà-phê năm nay tăng hơn năm ngoái, nhưng giá bán thấp, người trồng cà-phê lỗ nặng. Ðể đối phó với thực trạng này, các chuyên gia trong ngành cà-phê khuyến cáo người nông dân thu hoạch xong không nên bán ngay mà cần có kế hoạch cất trữ, chờ được giá mới tiêu thụ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở Ðác Nông cũng như các tỉnh Tây Nguyên không phải gia đình trồng cà-phê nào cũng có vốn để đầu tư, phần lớn đều phải vay ngân hàng, thậm chí là “vay nóng” bên ngoài để đầu tư, cho nên dù giá thấp vẫn buộc phải bán rẻ để trả nợ.
Gia đình anh K'Song, ở buôn Sêrê Ú, xã Ðác Nia, thị xã Gia Nghĩa trồng được hai ha cà-phê, đầu năm 2013, ngoài vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, anh còn vay nóng bên ngoài đầu tư cho vườn cà-phê, nay đến lúc phải trả nợ cả gốc lẫn lãi hơn 70 triệu đồng, trong khi đó anh dự kiến chỉ thu được 2,5 tấn cà-phê nhân. Anh K'Song than thở: “Nếu chỉ thu được 2,5 tấn cà-phê và với giá như hiện nay là 34 nghìn đồng/kg, tôi chưa đủ để trả nợ và lãi, chưa tính công chăm sóc, thu hái… Làm nông nghiệp mà thiếu vốn như chúng tôi, quần quật quanh năm cũng để “nuôi” các nhà giàu. Nếu không được Nhà nước hỗ trợ vốn thì chúng tôi không thể thoát nghèo được”. Không chỉ riêng anh K'Song hay những nông dân chúng tôi gặp mà phần lớn người trồng cà-phê đều rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Giám đốc Công ty TNHH cà-phê Ðác Nông Hồ Văn Sơn cho biết: Do giá cà-phê giảm sâu, cho nên không chỉ hộ gia đình mà ngay cả doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà-phê cũng đều lâm vào tình trạng bế tắc. Ðể giúp người trồng cà-phê vượt qua giai đoạn khốn khó hiện nay, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ thu mua tạm trữ kịp thời để nâng giá cà-phê lên và giữ ổn định ở mức 40 nghìn đồng/kg thì người trồng cà-phê mới không bị lỗ. Còn theo một cán bộ lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ðác Nông, toàn tỉnh có hơn 80% số dân làm nông nghiệp, trồng cây cà-phê là chính. Tuy nhiên, với giá cà-phê đang ở mức thấp như hiện nay, trong khi giá vật tư phân bón, xăng, dầu, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… đều tăng cao thì việc trồng cà-phê là không có lãi, thậm chí bị thua lỗ. Do vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thu mua cà-phê tạm trữ để đẩy giá cà-phê lên như việc hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long hoặc có thể hỗ trợ trực tiếp cho người dân qua ưu đãi lãi suất vốn vay ngân hàng. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn có thể khoanh nợ hoặc kéo dài thời gian trả nợ đối với khoản tín dụng cho vay chăm sóc cà-phê, để người dân trữ cà-phê lại, chờ giá lên cao mới bán. Ðối với chính quyền địa phương cần chỉ đạo lực lượng công an và lực lượng dân quân tự vệ tăng cường giữ gìn an ninh trật tự, quản lý chặt nhân khẩu, hộ khẩu, có kế hoạch bảo vệ vườn cà-phê, xử lý nghiêm các cơ sở thu mua cà-phê xanh, cà-phê không rõ nguồn gốc… để người dân yên tâm thu hoạch. Người dân cũng cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý, tiết kiệm và hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong thời gian thu hoạch để giảm bớt khó khăn.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()