Giúp người lao động vượt qua khó khăn
Đầu năm 2022, hàng trăm nghìn người lao động khu vực Tây Nam Bộ về quê tránh dịch Covid-19 đã trở lại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Đông Nam Bộ làm việc theo lời mời gọi của doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Đến nay, nhiều doanh nghiệp ở “thủ phủ” công nghiệp đang thiếu đơn hàng khiến không ít lao động không có việc làm và nhiều lao động ở Tây Nam Bộ lại hồi hương…
Ngành thủy sản giải quyết việc làm cho nhiều lao động thời vụ tại các vùng ven biển Cà Mau. |
Người lao động không có việc làm gây áp lực không nhỏ cho xã hội, buộc các cấp quản lý, điều hành phải khẩn trương vào cuộc nhằm bảo đảm an sinh xã hội, nhất là trong thời điểm Tết đến, Xuân về.
Nhiều người không có việc làm
Sau hơn 10 năm làm công nhân tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, vợ chồng anh Sử Văn Thoại đành dắt díu hai con về sống nương nhờ nhà cha ruột ở ấp Ba Se B, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Hồi ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh Thoại giữ kho hàng cho một cơ sở chế biến xà-phòng, nước rửa chén; vợ làm công nhân cho một công ty giày dép, tổng thu nhập của hai vợ chồng bình quân khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng.
Với khoản tiền đó, gia đình anh Thoại chi tiêu chừng mực lắm mới đủ trang trải tiền thuê trọ, lo cho hai con đi học. Hai tháng nay, nơi anh Thoại làm thuê tạm dừng sản xuất; cơ sở giày dép bên vợ cũng không có đơn hàng, buộc phải cho công nhân tạm nghỉ. Vợ chồng anh Thoại rơi vào cảnh thất nghiệp thụ động, chỉ nhờ vào tiền trợ cấp thất nghiệp 1,8 triệu đồng/tháng của anh Thoại, đành phải về quê…
Theo bà Bùi Thị Hồng Loan, công chức Văn hóa-Xã hội xã Lương Hòa, tổng hợp bước đầu từ ba trong số bảy ấp của xã đã có 25 người lao động mất việc, trong đó có sáu người trở về từ Đông Nam Bộ.
Ở phạm vi toàn tỉnh Trà Vinh, các doanh nghiệp gặp khó khăn do thiếu đơn hàng, thiếu nguyên liệu sản xuất… đã và đang ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của hơn 5.000 lao động. Trong đó, Công ty TNHH giày da Mỹ Phong ở xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần, sử dụng hơn 4.550 công nhân nhưng hiện đã hoãn hợp đồng với hơn 430 người, số còn lại phải làm việc luân phiên. Gần đó, Công ty TNHH Châu Phú với ngành nghề gia công giày, đã phải cho toàn bộ 260 người lao động tạm nghỉ không lương…
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại Cà Mau. Cuối năm 2021, trong tổng số hơn 54.000 người về quê tránh dịch thì có hơn 40.000 người cần được hỗ trợ giải quyết việc làm sau giãn cách xã hội và từ sự nỗ lực của tỉnh, toàn bộ số lao động trên đã có việc làm trở lại. Ba tháng gần đây, Cà Mau tiếp nhận thêm hơn 1.280 người lao động hồi hương, phần lớn do đơn vị sản xuất thiếu hoặc không có đơn hàng xuất khẩu buộc phải cắt giảm lao động, cho công nhân nghỉ Tết sớm, trong số đó, có hơn 640 lao động có nhu cầu tìm việc làm hoặc vay vốn để tạo sinh kế mới ở quê nhà.
Tại Sóc Trăng, ngành chức năng địa phương đang rà soát, thống kê để có con số cụ thể lao động thất nghiệp hồi hương nhằm có giải pháp hỗ trợ việc làm phù hợp. Ngay tại địa phương, gần đây, một số doanh nghiệp lĩnh vực may mặc, giày da, chế biến thủy sản… phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động tại một số vị trí không quan trọng, thỏa thuận với công nhân mỗi tháng giảm từ 4-6 ngày công, luân phiên nghỉ để ai cũng có việc làm và thu nhập “cầm chừng”.
Theo bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đến cuối tháng 11/2022, tổng số lao động có ký kết hợp đồng làm việc tại các doanh nghiệp là 18.415 người, giảm 285 lao động so với thời điểm tháng 9/2022, trong đó, có khoảng 1.200 lao động làm việc theo hình thức thời vụ, công nhật. Dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nhưng các doanh nghiệp vẫn trả lương cho người lao động bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định.
Nhiều áp lực, thách thức
Chị Trương Hồng Gấm, công nhân của một công ty may mặc tại Thành phố Hồ Chí Minh, vừa trở lại quê nhà ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau cho biết: “Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết mà giờ trong túi cạn tiền không biết xoay xở ra sao. Làm công nhân, cuối năm tôi muốn tăng ca nhiều hơn để có thêm tiền thưởng Tết nhưng năm nay bị cắt giảm lao động, bị cho nghỉ Tết sớm, không có luôn tiền thưởng” …
Người lao động vùng Tây Nam Bộ phần nhiều dịch chuyển lên làm việc tại các khu công nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Họ chỉ trở về quê sum họp gia đình trong những ngày cận Tết. Nay, không chỉ người lao động xa quê mà cả người lao động tại chỗ cũng không có việc làm, kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội nếu không thực hiện tốt công tác an sinh.
Theo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Cà Mau, nếu như trong tháng 10/2022, đơn vị chức năng tỉnh giải quyết hồ sơ bảo hiểm xã hội một lần cho 851 trường hợp thì trong tháng 11 vừa qua, lượng hồ sơ lên đến 2.323, tăng bình quân 106 hồ sơ/ngày.
Dù có nhiều nỗ lực trong đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động, hỗ trợ giải quyết việc làm… nhưng do nhiều nguyên nhân, một số tỉnh vùng Tây Nam Bộ chung tình cảnh thừa lao động, thiếu việc làm tại chỗ. Tại Sóc Trăng, thống kê từ ngành chức năng địa phương cho thấy, dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh là hơn 769.300 người nhưng trong năm 2022, chỉ có 19 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển hơn 12.140 lao động, trong khi có đến 580 doanh nghiệp ngoài tỉnh cần tuyển dụng lao động tại Sóc Trăng với số lượng hơn 86.300 người.
Tương tự, tại Cà Mau, hiện có 3.937 doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hơn 61.700 người lao động, chỉ chiếm khoảng 1/10 dân số trong độ tuổi lao động tại địa phương. Do vậy, hằng năm, tỉnh có khoảng 25.000 lao động đi làm việc ngoài tỉnh, chủ yếu ở Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh… Số lao động ở Cà Mau làm việc ngoài tỉnh cộng dồn cả giai đoạn 2016-2020 hơn 125.200 người.
Còn tại Trà Vinh, trong năm 2022, toàn tỉnh tạo việc làm mới cho hơn 25.400 người lao động, đạt 110,5% so kế hoạch. Nhưng, cùng thời gian trên, tỉnh cũng giải quyết hơn 9.400 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Cà Mau, Nguyễn Quốc Thanh cho biết, bằng nhiều cách thức, ngành chức năng và chính quyền địa phương sẽ nỗ lực hỗ trợ việc làm cho lao động thất nghiệp. Tuy nhiên, nếu tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phục hồi, phát triển trở lại thì nơi thiếu lao động sẽ là các tỉnh, thành phố công nghiệp phát triển khi lao động nhập cư bất đắc dĩ phải hồi hương.
Giải bài toán việc làm cho người lao động tại địa phương, Cà Mau đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, như: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả để tạo thêm nhiều cơ hội việc làm; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển thị trường lao động; tăng cường đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội…
Thất nghiệp thụ động đã và đang diễn ra trong những ngày cận Tết. Trước mắt, ngành chức năng và chính quyền các địa phương khu vực Tây Nam Bộ đang thực hiện nhiều cách để hỗ trợ lao động thất nghiệp. Theo đó, đưa người lao động đã nghỉ việc từ doanh nghiệp này qua doanh nghiệp đang tuyển dụng; đôn đốc doanh nghiệp trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định pháp luật, không để xảy ra tình trạng nợ đọng tiền lương, tiền thưởng của người lao động; vận động doanh nghiệp hỗ trợ tiền nhà, nhu yếu phẩm… khi người lao động trở lại làm việc.
Về lâu dài, các địa phương trong khu vực cần có chiến lược hành động cụ thể về vấn đề lao động, việc làm, cả giải quyết tại chỗ, đưa lao động ra ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động cho cả giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn xa hơn. Tuy nhiên, cũng cần những giải pháp chung cho cả nước, nhất là những địa phương đang thu hút nhiều người lao động ở những địa phương khác về việc quan tâm đúng mức nơi ăn, chốn ở và các dịch vụ xã hội giá rẻ cho người lao động nhập cư.
Nguồn:https://nhandan.vn/giup-nguoi-lao-dong-vuot-qua-kho-khan-post732650.html
Ý kiến ()