Thứ 7, 08/02/2025 17:43 [(GMT +7)]
Giúp người hoàn lương hòa nhập cộng đồng: Cần chung sức của cả cộng đồng
Thứ 2, 26/09/2011 | 09:03:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Giúp người hoàn lương hòa nhập cộng đồng, sớm hoàn lương là một chủ trương hết sức đúng đắn và nhân đạo. Nhưng thực tế cho thấy, mặc cảm tội lỗi, ánh mắt kỳ thị, xa lánh của người thân, gia đình, bạn bè…đã làm cho con đường hoàn lương của họ vốn đã chông gai, càng trở nên chông gai hơn.
Lực lượng công an và đoàn thanh niên tích cực giúp người tha tù sớm hoàn lương |
Hàng năm, con số người mãn hạn tù, đặc xá trở về cộng đồng của toàn tỉnh không phải là nhỏ. Chỉ tính riêng năm 2011, trong đợt đặc xá 2/9 đã có 74 phạm nhân đang thụ lý tại các trại giam, tạm giam được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước. Sau khi ra tù trở về với cuộc sống đời thường, liệu họ có thực sự hòa nhập với gia đình, cộng đồng ổn định cuộc sống, trở thành công dân có ích cho xã hội?
Thực tế, có nhiều tấm gương sau khi trở về với cộng đồng đã trở thành người có ích cho xã hội, vượt qua mặc cảm để vươn lên làm giàu chính đáng. Người dân Lạng Sơn giờ đây có lẽ đã không còn xa lạ với cái tên Nguyễn Ngọc Hiếu, khu an ninh, thị trấn Hữu Lũng, một thanh niên đã từng có thời gian cải tạo tại trại tạm giam Công an tỉnh nay trở thành Phó Bí thư Đoàn thị trấn Hữu Lũng, Bí thư chi đoàn khu An Ninh và là Trung đội trưởng đội dân quân tự vệ, thành viên tổ quản lý trật tự đô thị của thị trấn. Hoặc Lục Văn Thượng, thôn Khòn Khoang, xã Hồng Phong, Cao Lộc. Sau 10 năm tù trở về địa phương, tích cực phát triển cơ sở sản xuất gạch bê tông cho thu nhập cao, còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Và rất nhiều tấm gương hoàn lương tiêu biểu làm kinh tế giỏi như Liễu Văn Đức, xã Trùng Khánh, Văn Lãng; Hứa Văn Mừng, thị trấn Na Dương, Lộc Bình…
Thế nhưng, bên cạnh một số kết quả nhất định trong công tác giáo dục và cải tạo những đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù thì tỷ lệ người hoàn lương sau khi tái hoà nhập còn thấp. Điều này đang thực sự là một khó khăn và thách thức cho toàn xã hội. Con đường “trở lại phòng giam” của những đối tượng này có nhiều, song có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản. Theo đại tá Hoàng Quang Vọ, Giám thị trại tạm giam Công an tỉnh, về phía khách quan, khó khăn lớn nhất và gây ra ảnh hưởng mạnh mẽ tới quá trình hoàn lương là do định kiến xã hội. Dư luận xã hội và gia đình chưa thật sự cảm thông, đón nhận người con lầm lạc trở về hoà nhập cộng đồng.
Về phía chủ quan, đặc điểm tâm lý rất thường gặp ở người tù tha là thái độ mặc cảm, tự ti, e ngại tiếp xúc với cộng đồng. Nhiều người quan niệm ra tù là hết trách nhiệm với Nhà nước và Nhà nước cũng hết trách nhiệm. Nên đôi khi tái hòa nhập cộng đồng chỉ được coi là vấn đề của bản thân người ra tù. Hơn nữa, trình độ văn hóa của các đối tượng này thường thấp, chủ yếu là văn hóa cấp I, II chiếm khoảng 70%, cấp III khoảng 25%, cấp III trở lên chỉ khoảng 5%. Chính sự hạn chế trình độ văn hóa làm người tù tha khó nhận thức đúng đắn quá trình trở về làm lại cuộc đời và hòa nhập với cộng đồng… đồng nghĩa với đó là nguy cơ tiếp tục vi phạm chuẩn mực, quy phạm đạo đức xã hội, có thái độ bất cần và tái phạm tội với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Đại tá Bùi Văn Điển, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH, Công an tỉnh cho biết, nguyên nhân đầu tiên của tình trạng tội phạm gia tăng, nhất là trong thanh thiếu niên phải kể đến sự giáo dục của gia đình, tiếp đó là môi trường vui chơi không lành mạnh khiến thanh niên dễ bị lôi kéo, rủ rê vào con đường phạm tội. Chính vì thế, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội trong việc giáo dục, giúp đỡ đối tượng thanh niên vẫn được coi là biện pháp hữu hiệu nhất.
Để xử lý vấn đề tái phạm tội, giúp người hoàn lương sớm trở thành công dân có ích cho xã hội, những năm qua, một trong những “biện pháp” đang được áp dụng là UB MTTQ tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Đề án 01/138/CP năm 2011 về “Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư” tại các điểm xã và khu dân cư trên địa bàn.
Mặc dù biện pháp trên đã huy động được sự giúp sức của cả hệ thống chính trị, song công tác giúp đỡ người hoàn lương vẫn còn gặp vướng mắc. Bởi quá trình tái hoà nhập của người ra tù sẽ không có hiệu quả nếu như bản thân họ nhận thức không đầy đủ về quá trình tái hoà nhập xã hội cũng như hình thành cho mình tư thế tích cực hoàn lương trong quá trình trở về hoà nhập cộng đồng.
Nên chăng, để xử lý dứt điểm vấn đề này, cần có những biện pháp thiết thực, tích cực hơn nữa như rút ngắn khoảng cách, nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự nhiệt tình của người tiếp cận, giúp đỡ, kèm cặp người ra tù; đa dạng hóa các biện pháp hỗ trợ về kiến thức pháp luật, hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương, chú trọng đề cao vai trò của các doanh nghiệp tiếp nhận và tạo việc làm…
Điều quan trọng nhất, dễ làm và ai cũng có thể làm được là dành cho những người trong quá trình hoàn lương ánh mắt thiện cảm, sự đối đãi như những người bình thường để họ có sức mạnh vượt qua mặc cảm, kỳ thị, sớm có việc làm ổn định cuộc sống.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()