Giúp người dân vùng biên giới thoát nghèo
Công an huyện Văn Chấn vận động nhân dân xã Sơn Thịnh tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự. Nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Hà Giang đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ xuống các thôn, bản tham gia xây dựng cơ sở, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, xóa mù chữ và phối hợp các cấp chính quyền, đoàn thể xóa gần 100 nhà tạm, giúp đồng bào địa bàn biên giới làm hàng chục công trình dân sinh...Hạ Sơn đã hết nghèoLà tỉnh miền núi, biên giới thuộc vùng cực bắc của Tổ quốc, Hà Giang có tuyến đường biên giới dài hơn 277 km, với nhiều dân tộc sinh sống như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Kinh, Giáy, Lô Lô..., trong đó dân tộc Mông chiếm 30,8%. Những năm qua, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, cho nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới đã khá hơn. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, Hà Giang vẫn thuộc là...
Công an huyện Văn Chấn vận động nhân dân xã Sơn Thịnh tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự. |
Hạ Sơn đã hết nghèo
Là tỉnh miền núi, biên giới thuộc vùng cực bắc của Tổ quốc, Hà Giang có tuyến đường biên giới dài hơn 277 km, với nhiều dân tộc sinh sống như: Mông, Dao, Tày, Nùng, Kinh, Giáy, Lô Lô…, trong đó dân tộc Mông chiếm 30,8%. Những năm qua, nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, cho nên đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới đã khá hơn. Tuy nhiên, do điều kiện địa lý, Hà Giang vẫn thuộc là một trong những tỉnh nghèo của cả nước. Để tạo điều kiện giúp bà con dân tộc các huyện vùng biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn biên phòng cử cán bộ, chiến sĩ đến các thôn, bản khó khăn khảo sát, lựa chọn mô hình phù hợp giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy BĐBP tỉnh Hà Giang, Đồn Biên phòng Thanh Thủy đã chọn thôn Hạ Sơn, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên làm điểm.
Trước kia, 28 hộ gia đình, với 156 khẩu người Mông, ở xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ chỉ quen sống du canh, du cư, cái đói, cái nghèo bám theo hết đời này, đến đời khác. Lãnh đạo Đồn Biên phòng Thanh Thủy đã cử nhiều đợt cán bộ, chiến sĩ lên núi “bốn cùng” với đồng bào; vận động, giải thích cho bà con hiểu nếu cứ sống du canh, du cư sẽ mãi đói nghèo. Chỉ có nơi ăn, chốn ở cố định thì đời sống mới tốt hơn, con em sẽ được đến trường, ốm đau được bác sĩ chăm sóc… Và thôn Hạ Sơn đã được thành lập từ đó. Sau ba năm, nhờ áp dụng giống mới cùng tiến bộ khoa học – kỹ thuật do chính các cán bộ, chiến sĩ biên phòng hướng dẫn, đến nay các hộ gia đình như: Mua Vảng Ly; Giàng Chúng Thàng; Cháng Mí Mua mỗi năm thu hoạch hơn ba tấn ngô, riêng gia đình anh Vàng Seo Chư đã mua được xe ô-tô làm phương tiện vận chuyển lương thực, thực phẩm. Nhiều hộ gia đình đã có xe máy, ti-vi, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm rõ rệt.
Thiếu tá Nguyễn Đình Quảng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Thanh Thủy cho biết: Ngoài việc giúp dân xây dựng nhà, làm đường vào xóm, đơn vị đã trích kinh phí mua tấm lợp prô xi-măng tặng các gia đình lợp mái nhà, vận động các đơn vị ủng hộ hàng trăm bộ quần áo, chăn màn cũ. Vận động 100% hộ gia đình xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc ra xa nhà. Hiện toàn thôn có 40 con trâu, bò, hơn 1.000 con gia cầm. Hệ thống đường giao thông thôn, bản đã được chú trọng nâng cấp và làm mới, mở được hai km đường từ đầu cầu treo lên thôn Hạ Sơn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại. Ngoài ra, đơn vị cùng Đoàn kinh tế – quốc phòng 313 tổ chức tu sửa đường nước, làm mới 16 bể chứa nước. Phối hợp Đảng ủy, chính quyền xã Thanh Thủy vận động các nhà máy, xí nghiệp ủng hộ một phòng học dành cho các cháu thiếu nhi trong thôn. Với sự hỗ trợ của địa phương, chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”, đơn vị đã xóa được năm nhà tạm và đang khảo sát để giúp đỡ ba hộ gia đình xây dựng nhà mới…
Đổi thay ở Tùng Vài
Đồn Biên phòng Tùng Vài có nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn các xã: Tùng Vài, Tả Ván, Cao Mã Pờ, thuộc huyện Quản Bạ, tổng chiều dài đường biên là 28,5 km, với bảy cột mốc. Trên địa bàn ba xã, có tám dân tộc anh em cùng chung sống, gồm dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Pú Y, Giấy, Hán, Kinh, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 60% dân số.
Nằm sát con đường đá dài 700 m do cán bộ, chiến sĩ đồn huy động doanh nghiệp trên địa bàn và nhân dân trong thôn đổ hơn 80 m khối đất đá san phẳng là gia đình Giàng Tờ Phủ, dân tộc Mông. Nhà nghèo, đông anh em, nên khi ra ở riêng, tài sản bố mẹ cho chẳng có gì đáng giá. Được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tùng Vài, giờ đây gia đình Tờ Phủ đã có căn nhà lợp ngói prô xi-măng vững chắc, rộng và thoáng mát. Anh Phủ cho biết: Vợ chồng tôi có được ti-vi, xe máy và bồ ngô đầy như hôm nay là nhờ chính quyền cấp cho sáu sào ruộng trồng ngô, lúa nương. Các anh Bộ đội Đồn Biên phòng Tùng Vài đã tặng gia đình con lợn nái. Được sự chỉ bảo cách chăm sóc, sau hơn một năm chăn nuôi, lứa đầu tiên lợn nái đã sinh được bốn con. Đàn lợn con được anh Phủ bán cho các hộ nghèo khác trong thôn, số tiền dư anh đầu tư mua thêm một con lợn nái nữa. Hiện đàn lợn của vợ chồng anh Phủ đã có hơn chục con.
Từng là một trong những thôn nghèo của xã, với tổng diện tích đất canh tác chỉ có 27,5 ha, mỗi năm gieo trồng một vụ lúa, đậu tương và ngô, đường sá đi lại còn khó khăn. Đến nay, đời sống đồng bào xã Tùng Vài đã dần dần đổi thay, số hộ nghèo giảm, an ninh trật tự ổn định. Nét mặt hân hoan, trưởng thôn trẻ Và Sín Sàn bộc bạch: Có được như ngày hôm nay là nhờ công lao giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tùng Vài. Các anh không chỉ giúp chúng tôi đẩy mạnh công tác quốc phòng, quân sự ở địa phương, mà còn “bốn cùng” giúp người dân phát triển kinh tế. Đời sống được nâng lên, an ninh chính trị được giữ vững và ổn định, đồng bào các dân tộc chúng tôi yên tâm lao động sản xuất, tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Theo Nhandan
Ý kiến ()