Giúp người dân tộc thiểu số giảm nghèo về thông tin
(LSO) – “Truyền thông và giảm nghèo về thông tin” là một trong 5 dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Đây là nội dung quan trọng giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận thông tin mới, phục vụ đời sống, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Thực hiện dự án, hằng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, sở, ngành tăng cường hỗ trợ truyền thông, nâng cao nhận thức trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo. Theo đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông giảm nghèo với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng.
Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Nhượng Bạn ( Lộc Bình) nghiên cứu thông tin từ tủ sách báo của nhà trường
Trong năm 2020, các cấp, ngành đã tổ chức tuyên truyền về công tác giảm nghèo được 20 cuộc với hơn 1.240 người tham gia; in ấn, cấp phát 10.000 cuốn sổ tay, 22.000 tờ rơi và đăng tải trên 500 bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung như: hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cây trồng chủ lực; chế độ chính sách giảm nghèo…
Đồng thời, thực hiện chính sách “Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2019 – 2021 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn theo Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 9/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ, việc cấp phát báo, tạp chí trên địa bàn tỉnh được UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng.
Trong năm 2020, UBND các huyện, thành phố đã cấp được 643.515 tờ báo, tạp chí các loại. Qua đó, góp phần tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân, động viên người nghèo nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn, tranh thủ vận dụng các chính sách của Nhà nước vào sản xuất để tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.
Chị Linh Thị Tầm, thôn Bản Piòa, xã Bình La, huyện Bình Gia cho biết: Nhờ đọc báo, tạp chí tôi biết được kỹ thuật nuôi trâu, bò bán chăn thả, năm 2017 tôi mạnh dạn vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng mua 1 con trâu, 2 con bò giống về nuôi. Năm 2019, gia đình tôi thu lãi hơn 70 triệu đồng từ bán trâu, bò. Nhờ đó, gia đình tối đã sửa lại nhà cửa và thoát nghèo, đời sống được cải thiện. Năm 2020, nghe thông tin trên đài phát thanh tôi thấy thịt lợn bắt đầu tăng giá, tôi quyết định mua thêm chục con lợn về nuôi dự kiến bán dịp cuối năm để sắm tết đủ đầy hơn.
Mặt khác, UBND tỉnh đã phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào DTTS với vai trò là “cầu nối” đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với Nhân dân, giúp đồng bào vùng DTTS từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tích cực học tập và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả, xóa nghèo bền vững.
Ông Triệu Hùng Nguyên, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, người có uy tín thôn Khun Pàu, xã Điềm He, huyện Văn Quan cho biết: Thôn có 74 hộ dân, hơn 320 nhân khẩu đều là người dân tộc Nùng. Từ những gương người tốt việc tốt, những mô hình làm kinh tế giỏi được đưa tin trên các báo, tạp chí, trên ti vi tôi đã có tư liệu quan trọng để tuyên truyền, vận động các hộ dân phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế cao như: trồng bưởi, hồng, ổi, mắc ca, keo… Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm trên 3%. Năm 2020, thôn có 6 hộ thoát nghèo.
Với những biện pháp thiết thực đó, năm 2020, toàn tỉnh có 5.860 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,89% (giảm 3% so với năm 2019). Điều này cũng đồng nghĩa với việc xuân này sẽ có 5.860 gia đình được đón tết ấm áp hơn, sung túc hơn.
Ông Lâm Văn Viên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Để ngày càng có nhiều người DTTS được cải thiện đời sống, đón tết no ấm, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để đồng bào DTTS nắm được thông tin, chủ động xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.
Ý kiến ()