Thứ 7, 23/11/2024 19:14 [(GMT +7)]
Giúp người bệnh ung thư vơi bớt nỗi lo nằm viện
Thứ 7, 18/08/2012 | 11:02:00 [(GMT +7)] A A
Có cơ sở mới, người bệnh đến khám, điều trị tại Bệnh viện K sẽ đỡ vất vả hơn, không phải xếp hàng rất lâu như thế này để làm các xét nghiệm. |
Một tin vui với những người không may mang trong mình căn bệnh ung thư, khi Bệnh viện K (Bộ Y tế) chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn một của cơ sở thứ ba tại Tân Triều (Hà Nội).
Với những người đã từng có lần đặt chân tới bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối về khám và điều trị các bệnh ung bướu thì con số khổng lồ ba nghìn người bệnh phải điều trị cùng bốn nghìn người tới khám bệnh mỗi ngày chắc chắn sẽ để lại những hình ảnh “ấn tượng khó phai”. Những chiếc giường đơn oằn lưng mang vác cùng lúc năm, sáu người bệnh mệt mỏi, kiệt sức trong những đợt truyền hóa chất. Những buồng bệnh nhỏ xíu chưa tới 20 m2 bị “nhồi nhét” tới vài ba chục người. Những dãy hành lang hẹp cũng có la liệt người bệnh ngồi vạ vật, dây truyền lằng nhằng được móc vào mọi chốt cửa, tay nắm. Những khuôn viên cỏ không mọc nổi vì hàng hàng lớp lớp giường bạt (để người bệnh lẫn thân nhân có thể ngả lưng tạm thời) cày nát tan hoang. Những cái đầu trọc lóc, những gương mặt thất thần sau lộ trình dằng dặc những phác đồ điều trị hao sức, tốn tiền chỉ ôm ấp một giấc mơ duy nhất – có giường. “Nằm viện” đã trở thành một khái niệm xa xỉ, khi chiếc giường chật chội để bệnh nhân điều trị. Nếu có, cũng phải chia năm xẻ bảy cho nhiều người đồng cảnh.
Để bước đầu cố gắng giải bài toán giảm tải, Bệnh viện K đã đưa thêm cơ sở hai đi vào hoạt động từ năm 2000 với công suất 200 giường bệnh, giảm tải cho cơ sở một chỉ có 500 giường bệnh. Thế nhưng, đây vẫn là cơ sở y tế chịu cảnh quá tải nhiều nhất, luôn từ 250 đến 300% công suất. PGS, TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: Cứ năm sau, người bệnh tăng khoảng 30% so với năm trước. Hằng năm, luôn có khoảng 150 nghìn người mắc ung thư cần được điều trị. Theo thống kê của Bộ Y tế, trên cả nước chỉ có 35 bệnh viện, trung tâm, khoa, đơn vị điều trị căn bệnh này, đáp ứng được 20% nhu cầu của người bệnh. Trong con số ít ỏi đó, có tới 10 cơ sở nằm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 25 cơ sở còn lại thuộc các bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng năng lực khám, chữa bệnh của tuyến dưới còn chưa đồng đều, cho nên người bệnh vẫn dồn về hai thành phố lớn điều trị. Tình trạng quá tải là tất yếu, không thể tránh khỏi.
Đối mặt với thực trạng nan giải ấy, cho dù sở hữu đội ngũ 900 cán bộ thuộc 42 khoa, phòng với chỉ tiêu 810 giường bệnh, mọi nỗ lực giảm tải của tập thể cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện K xem ra đều chỉ như “muối bỏ bể”. Vì vậy, để từng bước nâng cao chất lượng khám và điều trị, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã quyết định đầu tư xây dựng Bệnh viện K – cơ sở III tại Tân Triều, tổng mức đầu tư 980 tỷ đồng (từ vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ cùng các nguồn vốn khác). Với mốc thời gian hoàn thành là năm 2014, cơ sở III đạt quy mô 1.000 giường bệnh, với lộ trình thực hiện được chia thành hai giai đoạn. Khi hoàn tất, cơ sở này sẽ giúp đơn vị trở thành bệnh viện chuyên khoa ung thư ở tuyến trung ương hiện đại ngang tầm khu vực.
Việc đưa cơ sở III vào hoạt động giai đoạn một với 300 giường bệnh, bước đầu nâng cao chất lượng khám và điều trị, góp phần giảm tình trạng quá tải của toàn bệnh viện. Hiện tại khu nhà kỹ thuật nghiệp vụ đã cơ bản hoàn thành, khu nhà điều trị nội trú, nhà xạ trị hậu cần cũng đã xây xong phần thô, tiếp tục hoàn thiện; các công trình phụ trợ cũng gấp rút được triển khai. Theo đánh giá của TS Bùi Diệu, Giám đốc Bệnh viện K, sau khi hoàn thành cơ sở mới ở Tân Triều sẽ trở thành cơ sở lớn nhất, hiện đại ngang tầm khu vực về khám và điều trị các loại bệnh ung thư. Khi đó sẽ góp phần thiết thực vào nỗ lực giảm tình trạng quá tải của chuyên ngành ung thư hiện nay. Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bệnh viện cũng đã liên tục đào tạo đội ngũ bác sĩ trẻ kế cận, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực khi quy mô của viện ngày càng mở rộng.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()