Giúp khách hàng tiếp cận nhanh dịch vụ tín dụng
LSO-Các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời giúp khách hàng tiếp nhận nhanh và thuận lợi các dịch vụ tín dụng.
Khách hàng giao dịch tại điểm giao dịch của Ngân hàng Agribank
chi nhánh tỉnh Lạng Sơn
Thời gian gần đây, tổng nguồn vốn huy động và cho vay của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh liên tục tăng. Cụ thể về tổng nguồn vốn huy động đến ngày 31/12/2017 là 23.163 tỷ đồng, tăng 19,5% so với 31/12/2016; đến ngày 31/3/2018, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng là 24.505 tỷ đồng, tăng 22,28% so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 5,8% so với thời điểm 31/12/2107. Tổng dư nợ cho vay đến ngày 31/12/2017 là 24.229 tỷ đồng, tăng trên 20% so với thời điểm 31/12/2016; đến ngày 31/3/2018 là 24.628 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, tăng 1,6% so với thời điểm 31/12/2017. Những con số trên đã phản ánh sự sôi động trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Lạng Sơn. Có được kết quả này, bên cạnh việc nâng cao chất lượng tín dụng, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chú trọng cải cách TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết giao dịch với khách hàng.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh là một ví dụ. Những năm gần đây, ngân hàng đã chủ động đơn giản hóa thủ tục vay vốn và các thủ tục giao dịch với khách hàng. Đơn cử như hồ sơ vay vốn ngắn hạn (dưới 12 tháng) nếu hợp lệ thì chỉ trong ngày hoặc 1 đến 2 ngày đã được giải quyết và giải ngân. Đối với hồ sơ vay vốn dài hạn (trên 12 tháng) chỉ còn từ 3 đến 5 ngày, giảm 5 – 7 ngày theo quy định. Ông Nông Văn Như, Phó Giám đốc Chi nhánh Agribank tỉnh cho biết: Từ cuối năm 2017, 17 điểm giao dịch của hệ thống Agribank trong tỉnh triển khai việc in hóa đơn, mẫu phiếu cho khách hàng. Thay vì phải tự điền thông tin vào các giấy chuyển tiền, nộp tiền, gửi tiền, rút tiền và ủy nhiệm chi thì khách hàng chỉ việc xác nhận thông tin và ký, ghi rõ họ tên. Những cải cách này đem lại sự chính xác, thuận tiện, nhanh chóng và tiết kiệm tối đa thời gian cho khách hàng khi giao dịch. Chị Vũ Quế Anh, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Thành Sơn (thành phố Lạng Sơn) kể: Công ty tôi là một khách hàng của Agribank tỉnh nên thường xuyên giao dịch tại đây từ vay vốn đến rút vốn, chuyển tiền… Khác so với trước là vay vốn mất nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ, thẩm định món dự án vay thì nay chỉ 2 ngày là ngân hàng làm xong các bước để giải ngân. Các giao dịch khác cũng rất thuận, đều do nhân viên ngân hàng làm, tôi chỉ việc xác nhận thông tin và ký tên, sau 5 phút đã xong giao dịch.
Hiện nay, mạng lưới ngân hàng tại Lạng Sơn gồm: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh và 14 chi nhánh ngân hàng cấp I (cấp tỉnh), 12 chi nhánh ngân hàng cấp II (cấp huyện) và 39 phòng giao dịch. Mặc dù đây là loại hình doanh nghiệp song theo chỉ đạo của NHNN Việt Nam và các hội sở ngân hàng thương mại, các TCTD ở Lạng Sơn đã thực hiện các giải pháp đơn giản hóa, bãi bỏ các quy định không phù hợp, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ. Các TCTD đã đổi mới thủ tục giao dịch, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của đơn vị về hồ sơ tín dụng, dịch vụ, lãi suất, phí dịch vụ… Điển hình trong các TCTD này gồm các chi nhánh ngân hàng: Đầu tư và Phát triển Lạng Sơn (BIDV), Công thương Lạng Sơn (VietinBank), Agribank, bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)…
Bà Trương Thu Hòa, Quyền Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn cho biết: Việc cải cách nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh cho các TCTD cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ. Thời gian qua, NHNN Chi nhánh tỉnh thường xuyên phổ biến, triển khai kịp thời các quy định cấp trên về công tác cải cách TTHC. Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, năm 2016 và 2017, đơn vị đã cắt giảm, sửa đổi nhiều TTHC thuộc thẩm quyền và giảm trên 20% chi phí tuân thủ TTHC. Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, đơn vị giải quyết trả kết quả đúng và sớm hơn thời gian quy định 14 hồ sơ TTHC.
Ý kiến ()