Giúp học sinh vượt qua cảm xúc tiêu cực
LSO-Học sinh trung học phổ thông (THPT) là giai đoạn phát triển phức tạp và nhiều mặt của cá thể. Sự khủng hoảng về tâm lý dẫn đến những hành vi lệch chuẩn. Thực tế trên địa bàn tỉnh có không ít học sinh có hành vi tự hủy hoại bản thân (THHBT) ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, học tập, sức khỏe, thậm chí tính mạng, gây hậu quả khó lường cho gia đình, nhà trường và xã hội.
Hoạt động tập thể, trải nghiệm giúp học sinh THPT giảm bớt căng thẳng,
hướng đến cảm xúc tích cực
Đầu năm 2018, nhóm nghiên cứu gồm: cô giáo Chu Thị Hồng Chinh, giáo viên môn Địa lý và các học sinh: Phạm Quỳnh Anh, Phạm Thu Trang, Trường THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn đã lựa chọn đề tài “Nghiên cứu kỹ năng ứng phó với hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh THPT tỉnh Lạng Sơn”.
Hành vi THHBT của học sinh THPT trên địa bàn tỉnh biểu hiện ở 3 mức độ. Mức độ thấp chủ yếu biểu hiện về nhận thức như: suy nghĩ sai lệch về giá trị cuộc sống, giá trị bản thân, sự bi quan, tuyệt vọng, đau khổ kéo dài… Thái độ căm hận, chán ghét bản thân, buông xuôi, bất cần. Mức độ trung bình có hành vi giật tóc, tự cào cấu, cắn xé bản thân. Mức độ cao tự đập đầu, tự cắt vào cơ thể, lên kế hoạch tự tử, đã từng tự tử nhưng không thành.
Nghiên cứu trên 848 học sinh khối 10, 11, 12 thuộc 4 trường THPT Bình Độ, huyện Tràng Định; THPT Lộc Bình, huyện Lộc Bình; THPT Việt Bắc và THPT chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn, có đến 205/848 học sinh có biểu hiện THHBT, chiếm 24,2%. Trong đó, 81,6% biểu hiện ở mức độ thấp, 16,2% ở mức độ trung bình, đặc biệt, 2,2% số học sinh biểu hiện ở mức độ cao, có hành vi làm tổn thương cơ thể như: tự cắt, tự làm phỏng bản thân, đập đầu vào tường. Đáng chú ý là những hành vi ảnh hưởng đến tính mạng như: đập đầu vào tường, bàn ghế có 6 học sinh; 2 học sinh tự cắt vào cơ thể nhiều lần; 3 học sinh đã nhiều lần lên kế hoạch tự tử.
Em Phạm Quỳnh Anh, học sinh Trường THPT chuyên Chu Văn An – thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Nguyên nhân của hành vi THHBT là do các bạn dễ bị kích động bởi yếu tố bên ngoài nên rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng. Cùng đó là sự kỳ vọng của bản thân và gia đình, áp lực học hành, thi cử. Hành vi THHBT còn chịu tác động của yếu tố khách quan như: sự bỏ mặc về tình cảm của bố mẹ, mất đi người thân, trào lưu cảm xúc…
Từ những nghiên cứu trên, nhóm đã đưa ra một số biện pháp nâng cao nhận thức về hành vi THHBT gồm: nhóm biện pháp tuyên truyền về kiến thức, kỹ năng ứng phó với hành vi THHBT; bồi dưỡng kỹ năng ứng phó với hành vi THHBT; tư vấn và trị liệu.
Với nhóm biện pháp tuyên truyền, nhóm tiến hành tổ chức tuyên truyền thông qua các diễn đàn, xây dựng sổ tay về kỹ năng ứng phó với hành vi THHBT, thiết kế tờ rơi, truyền thông trên mạng xã hội và giới thiệu một số trang web giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống.
Bên cạnh tuyên truyền, nhóm nghiên cứu chú trọng bồi dưỡng kỹ năng ứng phó với hành vi THHBT, trong đó, nhiều biện pháp phát huy hiệu quả tích cực như: rèn luyện kỹ năng tự nhận thức, giải quyết vấn đề và tìm kiếm sự giúp đỡ; tập huấn công tác tư vấn tâm lý với chuyên gia; trải nghiệm và xử lý tình huống, trải nghiệm hoạt động nhân đạo, hoạt động lao động, truyền thông văn hóa.
Nhóm biện pháp tư vấn tập trung tư vấn khi học sinh gặp phải những vấn đề không tự giải quyết được. Biện pháp trị liệu hành vi dành cho học sinh có hành vi THHBT ở mức độ cao và trung bình.
Cô Chu Thị Hồng Chinh, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Sau khi thực nghiệm, các em đã tích cực, linh hoạt và chủ động hơn trong các tình huống căng thẳng. Với học sinh có biểu hiện THHBT nghiêm trọng như: ít giao tiếp với người xung quanh, tự nhốt mình trong phòng, dùng dao tự rạch tay sau 3 tháng nhóm tiếp cận, điều trị tâm lý đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi, tích cực tham gia hoạt động của trường, lớp.
Tham gia cuộc thi sáng tạo kỹ thuật dành cho học sinh THPT quốc gia năm 2018 – 2019, đề tài Nghiên cứu kỹ năng ứng phó hành vi THHBT của học sinh THPT tỉnh Lạng Sơn đạt giải tư và giải của nhà tài trợ.
Hành vi THHBT và kỹ năng ứng phó với hành vi này là vấn đề phức tạp, phụ thuộc vào yếu tố khách quan và chủ quan. Chính vì vậy, đề tài nghiên cứu kỹ năng ứng phó hành vi THHBT của học sinh THPT tỉnh Lạng Sơn cho thấy những vấn đề mà học sinh trên địa bàn đang gặp phải cần có sự quan tâm vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội, hướng học sinh đến những cảm xúc và hoạt động tích cực, tránh tình huống đáng tiếc có thể xảy ra.
Ý kiến ()