Giúp học sinh lựa chọn ngành nghề trong thời kỳ chuyển đổi số
Tọa đàm nhằm thảo luận, cung cấp, trao đổi thông tin về dự báo việc làm, xu hướng đào tạo nghề, nhu cầu của thị trường lao động để giúp học sinh có thông tin trong việc lựa chọn ngành học.
Sáng nay, 24/4, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm trực tuyến Hướng nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số do Báo Người đại biểu Nhân dân phối hợp với một số đơn vị tổ chức.
Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân, tọa đàm nhằm thảo luận, cung cấp, trao đổi thông tin về dự báo việc làm, xu hướng đào tạo nghề, nhu cầu của thị trường lao động và hướng nghiệp nhằm giúp học sinh có thông tin trong việc lựa chọn ngành nghề, trường đào tạo phù hợp với cá nhân, nhu cầu xã hội. Từ đó các em sẽ có cơ hội việc làm sau tốt nghiệp cao hơn, giảm thiểu lãng phí thời gian và tiền bạc khi học sinh học không đúng nghề, góp phần khắc phục sự mất cân đối trong đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Với mục tiêu trên, các đại biểu đã cùng thảo luận xung quanh ba chủ đề: Chuyển đổi số và vấn đề chọn nghề, chọn trường cho học sinh; đào tạo chưa “bắt sóng” được nhu cầu của thị trường; định hướng nghề nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0.
Nhiều vấn đề đã được các đại biểu đề cập như các ngành nghề có nhu cầu cao trong thời kỳ chuyển đổi số, nhằm giúp cho thí sinh có thêm thông tin tham khảo trước khi quyết định chọn ngành, chọn nghề cho kỳ xét tuyển đại học sắp tới.
Các đại biểu cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khi các ngành nghề biến đổi rất nhanh, người học cần xác định tinh thần học tập suốt đời và sẵn sàng thích nghi trong các bối cảnh mới. Các nhà trường cũng thay đổi đào tạo theo hướng đào tạo liên ngành để sinh viên ra trường có thể linh hoạt trong lựa chọn công việc. Về phía cơ quan quản lý cần có sự nghiên cứu và thông tin về xu hướng ngành nghề để các trường chủ động hơn trong đào đạo và người học có căn cứ tốt hơn để chọn nghề đón đầu nhu cầu thị trường.
Các đại biểu cũng thảo luận về vấn đề phối kết hợp giữa các doanh nghiệp và nhà trường để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, việc phối hợp giữa doanh nghiệp và trường phổ thông giúp học sinh có cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp thực tế, nhằm giúp các em có định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Phối hợp giữa doanh nghiệp và các trường đại học, cao đẳng trong đào tạo và tuyển dụng sẽ giúp chương trình dào tạo của các trường gắn với thực tiễn, giúp giảm tình trạng sinh viên ra trường phải đào tạo lại đồng thời giúp các doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng hơn, tỷ lệ có việc làm của sinh viên cao hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, tọa đàm đã cung cấp các thông tin hữu ích cho thí sinh khi ngày 27/4 tới đây, các em sẽ bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng theo phương thức xét tuyển từ điểm thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông, phương thức chiếm trên 70% tỷ lệ tuyển sinh của toàn hệ thống đại học, cao đẳng sư phạm. Đây cũng là cơ hội để các trường đại học, trường trung học phổ thông cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để có thể triển khai tốt hơn việc hướng nghiệp cho học sinh và nâng cao hơn chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ chuyển đổi số./.
Ý kiến ()