Giúp đồng bào vùng sâu biên giới thoát nghèo
Cán bộ Đoàn KT-QP 799 (Quân khu 1) cấp cây giống cho bà con huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Làm gì để mỗi dự án, nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, Quân đội đến với người dân trong vùng dự án, giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới thoát nghèo?... Đó là những trăn trở, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 799 (Quân khu 1) đang ngày đêm "bám dân, bám bản" thực hiện nhiệm vụ giúp đồng bào thoát nghèo...Thay đổi tư duyĐại tá Đoàn Bình Thuận, Phó Chính ủy Đoàn KT-QP 799, người gắn bó từ ngày đầu thành lập Đoàn lên đây "lập nghiệp", chia sẻ: Vùng dự án nằm trên địa bàn 16 xã, thuộc hai huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng), trong đó có sáu xã biên giới, gồm chín dân tộc anh em sinh sống. Đời sống của đồng bào còn nghèo khó, trình độ dân trí còn hạn chế, đường giao thông đi lại khó khăn..., cho nên trong hoạt động, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã tích cực "bám dân, bám bản" tuyên truyền, vận động nhân...
Cán bộ Đoàn KT-QP 799 (Quân khu 1) cấp cây giống cho bà con huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). |
Thay đổi tư duy
Đại tá Đoàn Bình Thuận, Phó Chính ủy Đoàn KT-QP 799, người gắn bó từ ngày đầu thành lập Đoàn lên đây “lập nghiệp”, chia sẻ: Vùng dự án nằm trên địa bàn 16 xã, thuộc hai huyện: Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng), trong đó có sáu xã biên giới, gồm chín dân tộc anh em sinh sống. Đời sống của đồng bào còn nghèo khó, trình độ dân trí còn hạn chế, đường giao thông đi lại khó khăn…, cho nên trong hoạt động, cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đã tích cực “bám dân, bám bản” tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Song, khó khăn nhất vẫn là làm sao thay đổi tư duy “du canh, du cư” của người Mông, mượn thầy mo để đuổi bệnh tật, không cho trẻ em đến trường, hay sự trông chờ ỷ lại của một số gia đình vào chính sách hỗ trợ, bao cấp của Đảng, Nhà nước… Trước thực tế trên, Đoàn đã xác định: Công tác vận động tuyên truyền phải gắn việc làm cụ thể để giúp người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, việc vận động tuyên truyền được bắt đầu từ trưởng thôn, trưởng bản. Không ít gia đình đồng bào dân tộc thiểu số cho rằng “cái ăn còn thiếu thì nghĩ gì đến việc học hành”, nhưng khi thấy Trưởng thôn Vi Văn Khiào ở bản Nà Luông, xã Cốc Pàng (Bảo Lạc) nhượng lại hơn một nghìn m2 đất để xây trường học và cho con cháu mình đi học, thì lớp học ngày một đông hơn, trẻ con đều đặn cắp sách tới trường. Cùng với tuyên truyền vận động nhân dân cho con em đi học, cán bộ, y bác sĩ của Đoàn còn vượt núi, xuyên rừng lặn lội đến từng nhà để khám, chữa bệnh, vận động đồng bào ăn uống vệ sinh, phòng, chống dịch, bệnh. Chuyện bộ đội quân y 799 “đuổi” được con “ma” bệnh (sốt vi-rút) cho con trai Trưởng thôn Bản Báng, xã Lý Bôn (huyện Bảo Lâm) đã lan truyền khắp các thôn, bản, giúp bà con đã biết tìm đến Bệnh xá quân dân y của Đoàn để khám, chữa bệnh.
Hơn tám năm gắn bó với đồng bào, Đại úy Ma Khánh Trì, Đội trưởng Đội sản xuất 2 thuộc tên từng hộ dân, từng con đường, quả đồi. Anh Trì cho biết: “Ngôn ngữ bất đồng là trở ngại lớn nhất khi chúng tôi công tác ở địa bàn một số xã, nhất là Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm). Ở Đức Hạnh, 50% số dân là người dân tộc Lô Lô. Vì vậy, mọi hoạt động chúng tôi đều phải dựa vào đội ngũ cán bộ thôn, bản để phổ biến chương trình dự án; hướng dẫn bà con cách đào hố, phát quang, kỹ thuật chăm sóc cây con. Cán bộ, chiến sĩ thực hiện phương châm: Nói kết hợp với làm; làm để nói cho bà con hiểu”. Đặc biệt, Đoàn chú trọng đến cây giống, không mua sẵn cây con mà các anh tìm mua hạt giống của các công ty giống cây trồng có uy tín về ươm theo đúng quy trình kỹ thuật; chọn thời điểm trời có mưa để giao cây giống cho bà con trồng; cán bộ, chiến sĩ của Đoàn vừa hướng dẫn vừa cùng làm với bà con, sát sao, tỉ mỉ đến từng gốc cây nên tỷ lệ cây trồng phát triển luôn đạt hơn 90%…, từng bước giúp đồng bào xua đi đói, nghèo.
Tạo dựng “mầu xanh” no ấm
Đến các bản làng, tận mắt nhìn những hàng cây xanh tốt bao quanh những cánh rừng, chúng tôi càng cảm phục sự cống hiến thầm lặng của những người lính Đoàn KT-QP 799. Nơi đây, người dân luôn dành cho cán bộ, chiến sĩ của Đoàn sự đón tiếp niềm nở, chân tình như người thân trong gia đình. Anh Nông Văn Thanh, ở thôn Cốc Phung, xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, chia sẻ: “Nhờ có bộ đội Đoàn 799 mà gia đình tôi không còn thiếu ăn, đời sống đã khá lên nhiều rồi”.
Trồng rừng mang lại nguồn thu nhập lớn cho các hộ dân, nhất là hộ trưởng thôn, trưởng bản gương mẫu trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng, các đội sản xuất của Đoàn tích cực phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các buổi gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm nhân rộng mô hình trồng rừng trong bà con nhân dân. Một số hộ lúc đầu chỉ nghĩ: “Trồng cây dự án để lấy tiền công” nhưng qua trao đổi và tận mắt nhìn thấy thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng từ rừng hồi nhà anh Vi Văn Chiến, ở thôn Nà Nhùng, xã Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc), hay rừng quế, rừng keo của Trưởng thôn Pác Pha, xã Lý Bôn (huyện Bảo Lâm) Lục Văn Vạng… thì người dân đã đầu tư nhiều công sức trông coi, chăm sóc những cánh rừng, trả lại mầu xanh cho đất. Ba năm trở lại đây, Đoàn KT-QP 799 đã bàn giao 243,2 ha rừng trồng cho các hộ gia đình và chính quyền địa phương quản lý. Bên cạnh đó, Đoàn còn giám sát chặt chẽ việc thi công xây dựng các công trình và thực hiện hiệu quả các dự án xây dựng điểm dân cư, đường giao thông giúp bà con đi lại thuận lợi hơn. Mới đây, Đoàn đã bàn giao số tiền hỗ trợ 560 triệu đồng và 60 con bò giống sinh sản trị giá 420 triệu đồng tặng 80 hộ gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã vùng biên giới.
Được chứng kiến những đổi thay và tình cảm gắn bó quân và dân nơi đây, chúng tôi hiểu rằng, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 799 đã và đang góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng thế trận lòng dân và củng cố quốc phòng, an ninh nơi đầu nguồn biên giới ngày càng vững chắc.
Theo Nhandan
Ý kiến ()