Giúp đồng bào Khmer thoát nghèo
Hoạt động gần mười năm, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Evergrowth ở Sóc Trăng không ngừng phát huy hiệu quả của đơn vị kinh tế tập thể, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, giúp nhiều hộ Khmer có thu nhập ổn định nhờ nuôi bò sữa, vươn lên thoát nghèo.
Hoạt động gần mười năm, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Evergrowth ở Sóc Trăng không ngừng phát huy hiệu quả của đơn vị kinh tế tập thể, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, giúp nhiều hộ Khmer có thu nhập ổn định nhờ nuôi bò sữa, vươn lên thoát nghèo.
Tìm hướng đi đúng
Ðến vùng nông thôn Sóc Trăng nghe bà con Khmer râm ran bàn chuyện nuôi bò sữa để thoát nghèo, chúng tôi tìm đến HTX Nông nghiệp Evergrowth ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện Trần Ðề để tìm hiểu cung cách làm ăn của HTX. Hỏi ra mới biết, phần lớn hộ nuôi bò sữa là đồng bào Khmer, con số này chiếm hơn 95% số hộ tham gia HTX. Trước đây, nông dân Sóc Trăng thường xuyên loay hoay với điệp khúc “trúng mùa thất giá”. Nhiều hộ không biết nuôi con gì, trồng cây gì để cho thu nhập ổn định. Trình độ sản xuất của người dân còn lạc hậu. Ðất hoang hóa hoặc chưa được cải tạo, cỏ mọc um tùm lên đến hàng trăm ha. Lúc này, HTX ra đời, kịp thời giúp nhiều hộ Khmer làm ăn có hiệu quả, cải thiện cuộc sống.
Ðể xóa đói, giảm nghèo bền vững cho nông dân, nhất là đồng bào Khmer, HTX chọn mô hình nuôi bò sữa. Mô hình này mang tính cộng đồng cao, phù hợp với điều kiện sản xuất ở nông thôn, có khả năng phát triển lâu dài, tận dụng được phế phẩm nông nghiệp, đất hoang hóa và đất trống để trồng cỏ nuôi bò. Dẫn chúng tôi đi xem quy trình làm lạnh sữa trước khi chuyển đến nhà máy, Giám đốc HTX Nông nghiệp Evergrowth Trần Hoàng An cho biết, HTX được thành lập tính đến nay đã gần mười năm, thuộc Dự án nâng cao đời sống người dân nông thôn tỉnh Sóc Trăng. Ðể làm ăn có hiệu quả, trước khi thành lập, nông dân được tập huấn kỹ lưỡng cách chăm sóc, phòng trị bệnh cho bò sữa, kỹ thuật trồng cỏ… Bà con còn được giải thích, hiểu rõ về chức năng, nhiệm vụ của HTX, quyền lợi, nghĩa vụ của xã viên khi tham gia HTX. Ðiều quan trọng là phải làm sao cho nông dân thấy rõ lợi ích thật sự để tự nguyện tham gia HTX.
Ban Quản trị, bộ phận kiểm soát và Ban Ðiều hành của HTX gồm có 27 người. Ðể hỗ trợ tốt cho xã viên trong chăn nuôi, còn có sự tham gia của bốn cộng tác viên thú y, ba nhân viên thu mua sữa tại các điểm thu mua. Không chỉ hướng dẫn xã viên chăn nuôi bò sữa có hiệu quả, HTX còn tổ chức hệ thống thu mua sữa toàn bộ cho xã viên và nông dân. Hiện nay, hệ thống này thu gom sữa trên địa bàn của năm huyện có đông đồng bào Khmer gồm: Trần Ðề, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Châu Thành.
Trưởng Ban Quản trị HTX Nông nghiệp Evergrowth Trương Hải Phước cho rằng, vì nghề nuôi bò lấy sữa còn mới mẻ đối với đồng bào Khmer ở Sóc Trăng cộng thêm khả năng tiếp cận kỹ thuật chăn nuôi của bà con còn hạn chế, cho nên HTX phải sát cánh với xã viên ngay từ đầu đến suốt quá trình chăn nuôi để hỗ trợ mọi mặt. Nhờ vậy, xã viên luôn vững tin vào HTX, phấn khởi đoàn kết, hăng say lao động để vượt qua khó khăn, cùng nhau phát triển HTX. Lúc mới thành lập, HTX chỉ có 171 xã viên, nay đã lên đến hơn 1.500 xã viên. Tổng đàn bò cũng không ngừng tăng lên. Ban đầu chỉ có 352 con, hiện nay đã lên đến hơn 3.300 con, trong đó có khoảng 60% đang cho sữa, đưa tổng đàn bò sữa của Sóc Trăng tăng lên dẫn đầu các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL). Từ chỗ chỉ thu được khoảng 150 kg sữa/ngày, hiện nay mỗi ngày sản lượng sữa đã lên đến hơn 15 tấn.
Chỗ dựa của người nghèo
Nhờ nuôi bò sữa mà ngày càng có nhiều xã viên người Khmer có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Trước khi vào HTX, nông dân phải tham gia câu lạc bộ (CLB). Một trong những tiêu chí quan trọng của mỗi CLB là phải có ít nhất 30% số hộ nghèo. Khi được hỏi, bà con đều cho rằng bò sữa dễ nuôi, vì vừa được HTX hỗ trợ bò sữa vừa được hỗ trợ kỹ thuật nuôi, bao tiêu toàn bộ sản phẩm sữa. Theo tính toán của bà con xã viên, với giá HTX đang thu mua 11.500 đồng/kg, trung bình mỗi con bò cho 12 kg sữa/ngày, sau khi trừ chi phí, thì người nuôi còn lời khoảng 100 nghìn đồng. Xã viên còn được chia tiền lãi của HTX theo tỷ lệ sữa bán cho nhà máy. HTX luôn xác định rõ mọi hoạt động cung cấp dịch vụ như: thuốc, thức ăn, chăm sóc, gieo tinh nhân tạo… chủ yếu là phục vụ tốt nhất cho bà con xã viên chăn nuôi đạt hiệu quả cao, chứ không phải chỉ để kiếm lời. Những lúc giá sữa biến động bất lợi, HTX vẫn bảo đảm cho xã viên có thu nhập ổn định. Bên cạnh việc tìm biện pháp giúp nông dân chăm sóc đàn bò để cho nhiều sữa, chất lượng sữa cũng luôn được HTX đặc biệt quan tâm. HTX có đầy đủ phương tiện bảo quản, có xe bồn vận chuyển đến tận nhà máy sau khi làm lạnh… Nhờ vậy, sữa mà bà con xã viên bán cho nhà máy luôn ở mức giá cao hơn so với nhiều hộ nuôi bò sữa khác tại khu vực ÐBSCL. Sau gần mười năm đi vào hoạt động, tỷ lệ hộ nghèo trong HTX đã giảm hơn 60% so với lúc mới thành lập. HTX thật sự là “cầu nối” trong tiêu thụ nông sản giữa nông dân với doanh nghiệp.
Cán bộ kỹ thuật của HTX dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi bò sữa của nhiều hộ Khmer. Ði đến đâu, chúng tôi cũng nghe bà con khoe: “Nuôi bò sữa cho thu nhập ổn định lắm”; “Nhờ có bò sữa mà gia đình không còn thiếu trước hụt sau như trước đây”; “HTX lo cho bà con từ đầu vào đến đầu ra nên nuôi bò sữa khỏe re”… Với cách hỗ trợ nông dân bằng mô hình làm ăn có hiệu quả, Sóc Trăng hiện có cả nghìn hộ là đồng bào Khmer đã thoát nghèo nhờ nuôi bò sữa. Bà Lý Thị Suôl ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện Trần Ðề hồ hởi nói: “Trước khi vào HTX, gia đình nghèo lắm. Bốn mẹ con đi làm mướn quanh năm suốt tháng để no cái bụng. Nếu không có bò, không biết giờ này mình đi làm mướn ở xứ nào rồi. Nhờ HTX giúp đỡ mà nay mình đã có ba con bò đang cho sữa. Mỗi ngày cũng kiếm được vài ba trăm nghìn đồng. Thu nhập ổn định, cả nhà không còn đi làm mướn như trước nữa. Mình cảm ơn mấy chú trong HTX nhiều lắm!”. Nhiều hộ Khmer khác như: Liêu Văn Sọn, Lý La, Thạch Thị Sen (xã Viên An, huyện Trần Ðề), Thạch Thị Phol, Lý Thị Sượng (xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú)… cũng được HTX hỗ trợ nuôi bò sữa, hiện đã thoát nghèo và trở thành xã viên tiêu biểu của HTX.
Ðể HTX tiếp tục phát triển, theo Giám đốc HTX Trần Hoàng An, tới đây, phía HTX đẩy mạnh hỗ trợ bà con xã viên nâng cao hơn nữa chất lượng sữa, xây dựng công nghệ chế biến một phần sữa tươi nhằm nâng giá trị sản phẩm, tăng thêm lợi nhuận cho HTX và xã viên; phía chính quyền địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện cho bà con vay vốn để tăng quy mô chăn nuôi, phát triển đàn bò, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, quy hoạch lại đất trồng cỏ cung cấp đủ lượng cỏ tươi cho bò.
Các sản phẩm nông nghiệp đang gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ. Nhiều nông hộ ở Sóc Trăng điêu đứng do sản xuất không có lãi, thu nhập bấp bênh. Trong thời điểm này, HTX Nông nghiệp Evergrowth lại tìm hướng đi đúng, làm ăn đạt hiệu quả cao, giúp phần lớn bà con xã viên là đồng bào Khmer thoát nghèo. Ðiều này càng khẳng định mô hình kinh tế tập thể luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở Sóc Trăng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()