Giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Đác R'tíh tham gia khai hoang trên cánh đồng Đác R'tăng. Trước tình trạng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong huyện thiếu đất sản xuất, thường xuyên xảy ra thiếu đói giáp hạt, trong khi một diện tích lớn đất đai phì nhiêu, màu mỡ đang bị bỏ hoang hóa, sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát, đầu năm 2012, Huyện ủy Tuy Đức (tỉnh Đác Nông) đã có chủ trương tổ chức khai hoang những vùng đất hoang hóa để cấp cho các hộ DTTS thiếu đất sản xuất, giải quyết vấn đề lương thực và xóa đói, giảm nghèo bền vững.Phó Chủ tịch UBND xã Đác R’tíh Điểu Blế cho biết: Xã Đác R’tíh hiện có 1.237 hộ, 5.264 khẩu, trong đó có 75% số hộ là đồng bào dân tộc M’nông, sinh sống ở 11 bon, buôn trong xã. Trong những năm qua, với các Chương trình 168, 135, 134, 132... cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực giải quyết đất ở, đất sản xuất và quan tâm chăm lo nâng cao đời sống cho đồng bào. Tuy nhiên, do trình...
Đồng bào dân tộc thiểu số xã Đác R'tíh tham gia khai hoang trên cánh đồng Đác R'tăng. |
Phó Chủ tịch UBND xã Đác R’tíh Điểu Blế cho biết: Xã Đác R’tíh hiện có 1.237 hộ, 5.264 khẩu, trong đó có 75% số hộ là đồng bào dân tộc M’nông, sinh sống ở 11 bon, buôn trong xã. Trong những năm qua, với các Chương trình 168, 135, 134, 132… cấp ủy, chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực giải quyết đất ở, đất sản xuất và quan tâm chăm lo nâng cao đời sống cho đồng bào. Tuy nhiên, do trình độ dân trí thấp, việc ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất còn hạn chế nên năng suất các loại cây trồng còn thấp, như lúa nước chỉ đạt khoảng 3 đến 3,5 tấn/ha, cà-phê chỉ đạt 1-1,2 tấn/ha… Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn thiếu đất sản xuất, nhất là thiếu ruộng nước nên đến nay, toàn xã vẫn còn 700 hộ nghèo, hằng năm thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu đói giáp hạt, trong khi đó trên địa bàn xã vẫn còn nhiều diện tích đầm lầy bị bỏ hoang hóa… Vì vậy, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Tuy Đức về khai hoang những vùng đầm lầy cấp đất cho các hộ DTTS nghèo sản xuất lúa nước, UBND huyện Tuy Đức đã chọn vùng đầm lầy Đác R’Tăng, xã Đác R’tíh để khai hoang làm cánh đồng lúa nước cấp cho những hộ thiếu đất trong xã sản xuất và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ. Ý Đảng đã hợp lòng dân, từ đầu tháng 2 đến nay, công tác khai hoang được tiến hành khẩn trương với sự tham gia của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của huyện, xã và người dân địa phương để kịp cấp đất cho người dân trồng lúa nước cứu đói.
Ngoài ra, huyện cũng chi ngân sách 1,3 tỷ đồng để làm một đoạn đường dài hơn một km nối từ đường liên thôn xuống cánh đồng và xây dựng đập giữ nước, đào đắp hệ thống kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất cho toàn cánh đồng.
Ông Điểu Blế dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng Đác R’tăng đang trong quá trình được “đánh thức”. Con đường từ trụ sở UBND xã Đác R’tíh ra đến cánh đồng Đác R’tăng dài khoảng 10 km, nhưng phải mất hơn 30 phút đi xe máy băng qua nhiều đồi dốc và hàng trăm “ổ trâu”, “ổ voi” gập ghềnh, sóc nảy, bụi đỏ mịt mù. Trước mắt chúng tôi là một đầm lầy rộng lớn đang được các đơn vị làm nhiệm vụ khai hoang phát dọn, sử dụng các phương tiện cơ giới đào gốc cây rừng, san ủi, tạo mặt bằng, xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức Lê Văn Quang cho biết: Dự kiến khi công tác khai hoang hoàn thành, huyện, xã sẽ tổ chức cấp cho 100 hộ đồng bào DTTS nghèo có nhu cầu làm ruộng nước tại 10 buôn trong xã, mỗi hộ được nhận với diện tích 1.000 m2, diện tích tám ha còn lại sẽ chia thêm cho những hộ khó khăn chưa có ruộng nước làm. Ngoài ra, sau khi cấp đất, huyện sẽ lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ giống, phân bón cho bà con sản xuất; đồng thời cử các kỹ sư nông nghiệp, cán bộ khuyến nông, bảo vệ thực vật của huyện xuống bám đồng ruộng để hướng dẫn người dân kỹ thuật gieo trồng lúa nước, chăm bón, phòng trừ các loại sâu bệnh… để gặt hái được thành quả ngay từ vụ sản xuất đầu tiên.
Ông Điểu Kim, Buôn trưởng buôn Bu Mblanh A đang cùng bà con trong buôn tham gia khai hoang trên cánh đồng phấn khởi cho biết: “Được huyện, xã quan tâm khai hoang cấp đất làm ruộng nước, gia đình tôi cũng như bà con trong buôn, trong xã mừng lắm! Có cánh đồng này, từ nay bà con không còn sợ đói nữa. Bà con cảm ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm!”. Còn anh Điểu Ngơ, ở buôn Ja Lú sau khi nhận được ruộng tâm sự: “Gia đình mình có đến sáu người, nhưng đất rẫy trồng cà-phê, điều ít lắm nên lâu nay hằng năm gia đình thường xuyên thiếu ăn vào dịp giáp hạt từ một đến hai tháng, phải vay mượn của bà con trong buôn. Vì vậy, kể từ khi huyện, xã tổ chức khai hoang cánh đồng Đác R’tăng này và ưu tiên cấp cho những hộ dân thiếu đất sản xuất, gia đình mình mừng lắm nên ngày nào xã huy động người khai hoang gia đình mình cũng tham gia đầy đủ. Nay có ruộng nước làm rồi, gia đình mình không còn sợ đói cái bụng nữa, con cái mình cũng yên tâm đến trường học được nhiều cái chữ hơn”.
Với chủ trương “đánh thức” những đầm lầy hoang hóa thành những cánh đồng lúa nước của huyện Tuy Đức đang mở ra một hướng phát triển kinh tế giúp bà con DTTS xã Đác R’tíh có cơ hội thoát nghèo bền vững, tăng thu nhập gia đình, ổn định cuộc sống. Đặc biệt là góp phần xóa bỏ hẳn tục phá rừng làm rẫy, giúp người dân định canh định cư, thực hiện thâm canh tăng năng suất, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” của mình.
Theo Nhandan
Ý kiến ()