tle=”Giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo bền vững”> Bà con điểm tái định cư bản Noong Luông, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La) tích cực tham gia phát triển sản xuất, từng bước thoát nghèo, vươn lên khá giả. Nhiều năm qua, thực hiện chính sách của Nhà nước hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ cuộc sống du canh, du cư, nay bà con đã được sở hữu, làm chủ tư liệu sản xuất, đời sống cơ bản ổn định, nhiều hộ thoát nghèo, từng bước vươn lên khấm khá.
An cư lạc nghiệp
Về huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi), nơi thực hiện tốt chương trình xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, chúng tôi thấy nhiều ngôi nhà mới khang trang trong các thôn, bản. Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đặng Ngọc Dũng phấn khởi cho biết: Từ khi triển khai Chương trình 134 của Chính phủ hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất giúp hộ đồng bào DTTS nghèo thật sự mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình ủng hộ của bà con. Sum vầy trong những ngôi nhà 134 đậm tình làng nghĩa xóm, bà con nơi vùng xa xôi rất phấn khởi. Già làng ở thôn Nước Bung Đinh Văn Hít vui mừng nói: Nhờ địa phương triển khai thực hiện tốt Quyết định 134 và 167 của Chính phủ, đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nghèo đồng bào DTTS ở vùng cao, vùng xa có nhà ở kiên cố, ổn định cuộc sống, góp phần từng bước phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Với hầu hết các hộ nghèo như gia đình ông Đinh Văn Pha, ở xã Sơn Trung và chị Đinh Thị Sim, xã Sơn Ba, có ngôi nhà để “an cư lạc nghiệp”, có mảnh đất trồng lúa, trồng cây hoa màu, là một “bước ngoặt” trong cuộc sống, sự đổi thay kỳ diệu, là niềm mơ ước bao đời nay. Sự ổn định về nhà ở chính là một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu để đồng bào an tâm bám trụ tại chỗ lâu dài, phát triển sản xuất, xây dựng đời sống mới. Gặp chúng tôi về thăm thôn Nước Rinh, xã Sơn Bao, chỉ vào căn nhà mới của gia đình, bà Đinh Thị Ya cười rất vui: Vợ chồng mình gần 60 tuổi mà nhiều năm không có tiền để sửa lại ngôi nhà cho khỏi dột nát. Nhìn căn nhà xuống cấp thật tủi thân! Được Nhà nước hỗ trợ tiền xây dựng nhà, mình bàn với gia đình góp thêm bốn triệu đồng từ tiền tích lũy bán mì (sắn) và mượn anh em họ hàng thêm ba triệu đồng xây được nhà mới, thật là mừng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thời gian qua, huyện Sơn Hà và nhiều huyện nghèo trong tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực chỉ đạo các xã, tiến hành rà soát những gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn, bảo đảm giải quyết kịp thời mức hỗ trợ. Theo quy định, mỗi hộ gia đình được thụ hưởng chính sách theo Quyết định 167 được hỗ trợ 16 triệu đồng, và được vay tám triệu đồng không lãi suất từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua vật liệu xây dựng, với các tiêu chí bảo đảm nền cứng, khung cứng, mái cứng, diện tích sử dụng tối thiểu là 24 m2. Đối với những hộ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, không có người thân thì cộng đồng, các tổ chức đoàn thể tại địa phương đứng ra đại diện vận động người dân hỗ trợ tiền, ngày công xây dựng. Từ năm 2009 đến nay, huyện Sơn Hà đã xây dựng và đưa vào sử dụng 3.248 nhà cho người nghèo từ Chương trình 167, với giá trị nhà thấp nhất là 25 triệu đồng. Hiện nay, huyện Sơn Hà đang tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, đất ở giai đoạn 2 với khoảng 1.530 nhà. Huyện đang phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng 1.630 nhà trong giai đoạn 2 theo chương trình này cho bà con vào cuối năm nay.
Khó khăn, vướng mắc cần giải quyết
Nhiều năm qua, bà con các dân tộc sinh sống tại sáu huyện miền núi ở Quảng Ngãi, được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết thực, đặc biệt chương trình giải quyết nhà ở, đất sản xuất cho hộ nghèo đồng bào đã đạt kết quả đáng kể. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Thị Loan cho biết: Hiện nay đồng bào ở vùng cao, vùng sâu trong tỉnh đã cơ bản có đất sản xuất, có nhà ở kiên cố, góp phần ổn định cuộc sống của đồng bào DTTS thuộc diện nghèo.
Tuy nhiên, vấn đề về nhà ở, đất ở hiện nay đối với đồng bào DTTS còn nhiều bất cập. Theo lãnh đạo tỉnh, việc thực hiện một số chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào còn chậm, thiếu đồng bộ ảnh hưởng sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Như việc thực hiện Quyết định số 1592 của Chính phủ, nguồn vốn phân bổ của Trung ương chỉ đạt khoảng 15%, khiến cho việc thực hiện Quyết định này kéo dài thời gian so với quy định. Việc quy định mức hỗ trợ đất sản xuất 20 triệu đồng/hộ là không phù hợp thực tế, vì có những hộ được hỗ trợ đất sản xuất không cùng diện tích, nhưng mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và vốn vay tín dụng ngang nhau là chưa phù hợp. Do giá cả tăng cao, nên mức vốn đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung được phê duyệt trong Đề án trước đây so với hiện nay không còn phù hợp. Đối với chính sách theo Quyết định số 33 của Chính phủ, mức hỗ trợ bình quân 15 triệu đồng/hộ để làm nhà, mắc điện sinh hoạt, nước sinh hoạt, mua lương thực trong sáu tháng tính từ khi về điểm định canh định cư và hỗ trợ phát triển sản xuất là quá thấp…
Lên tỉnh Sơn La, thuộc miền Tây Bắc xa xôi, chúng tôi đến thăm bà con đang sinh sống tại điểm tái định cư nằm ven hồ thủy điện thuộc xã Chiềng Bằng. Trưởng bản Pom Sinh I Là Văn Biểu cho biết: Bản có 33 hộ dân, chuyển về nơi ở mới gần hai năm rồi, nhưng mọi thứ vẫn đang “tạm”, đất ở tạm giao, đất sản xuất tạm chia. Hiện nay, bà con phải đi thuê mượn đất ở xã Chiềng Ơn để trồng lúa mới đủ ăn. Anh Biểu cho biết thêm, Pom Sinh I còn có đất sản xuất, chứ bên bản Pom Sinh II đất xấu, chỉ trồng sắn, giá sắn tươi hiện nay chỉ bán được 1.200 đồng/kg, nên đời sống của bà con rất khó khăn.
Tìm hiểu nguyên nhân được biết, công tác đo đạc, xác định nguồn gốc đất, thu hồi đất ở đây không làm dứt điểm trước khi nước ngập, nay nhiều hộ dân không đồng ý với kết quả đo đếm cũ. Đồng thời, công tác quản lý hồ sơ đất của địa chính xã, huyện còn yếu kém, không chặt chẽ, dẫn đến không ra quyết định thu hồi đất được. Ngoài ra, bà con đã được tuyên truyền vận động, nhưng có hộ dân cứ đòi phải chi trả tiền trước mới giao đất, làm cho công tác thu hồi đất ở vùng dự án di dân Thủy điện Sơn La đang gặp nhiều khó khăn. Trao đổi ý kiến với các đồng chí lãnh đạo địa phương, chúng tôi thấy, tuy không thiếu đất gay gắt như một số tỉnh khác, nhưng diện tích đất ở và đất sản xuất của bà con dân tộc ở Sơn La thường nhỏ hẹp, có độ dốc lớn, nhiều nơi đất xấu bạc màu, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống lâu dài. Theo Quyết định số 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Sơn La, mỗi hộ thuộc đối tượng di dân khỏi vùng ngập được cấp từ 200 đến 400 m2 đất ở và 1,2 đến 2 ha đất sản xuất nông nghiệp, tùy theo số lượng nhân khẩu. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện dự án di dân và hai năm những hộ dân cuối cùng di chuyển khỏi vùng ngập, đến nay việc chia đất, giao đất cho bà con vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được giải quyết.
Mặc dù UBND tỉnh Sơn La đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn, nhưng đến nay, tỉnh mới tạm giao được 240,8 ha đất ở (trung bình một hộ được giao 214 m2) và 14.617 ha đất sản xuất cho bà con. Trong đó, vẫn còn 412 hộ dân thuộc diện “di chuyển tạm” ở 14 điểm tái định cư của ba xã Chiềng Bằng, Mường Sại và Pắc Ma – Pha Khinh của huyện Quỳnh Nhai đang gặp nhiều khó khăn.
Sau 10 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bằng việc gắn liền chính sách hỗ trợ đất ở, gắn với hỗ trợ nhà ở, cơ bản nhu cầu về đất ở của hộ gia đình DTTS đã được giải quyết. Các hộ đồng bào DTTS nghèo từ chỗ không có hoặc thiếu đất sản xuất; từ du canh, du cư nay đã được sở hữu, làm chủ tư liệu sản xuất. Đời sống của đồng bào cơ bản được ổn định, có đất sản xuất, nhiều hộ vượt nghèo, từng bước vươn lên khấm khá. Theo số liệu tổng hợp của Hội đồng Dân tộc của QH, qua 10 năm thực hiện nhiều chương trình, chính sách, nước ta có gần 334 nghìn hộ đồng bào DTTS nghèo đã được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất. Trong đó, hơn 48 nghìn hộ được hỗ trợ đất ở và gần 186 nghìn hộ được hỗ trợ đất sản xuất.
Tuy nhiên, từ thực tiễn cuộc sống, lãnh đạo một số địa phương cho rằng, vừa qua, trong lĩnh vực này có nhiều chính sách lớn, nhưng việc bố trí nguồn lực chưa tập trung, chưa đầy đủ. Việc thực hiện chính sách rất quan trọng, cấp thiết, nhưng cũng mới chỉ là điều kiện cần. Để ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS nghèo, cần phải có thêm những điều kiện đủ. Đó là, phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để đồng bào DTTS được tiếp cận với tri thức, kiến thức khoa học – kỹ thuật, phương thức canh tác mới, hiệu quả, phù hợp điều kiện nơi cư trú. Hơn nữa, cần đầu tư thêm những phương thức, giải pháp khác để tạo sinh kế bền vững, có các giải pháp căn cơ để đào tạo văn hóa, nâng cao dân trí, dạy nghề, chuyển nghề, từ đó phá bỏ các nguyên nhân sâu xa đang kìm hãm sự phát triển của người dân khu vực này.
Nhiều đồng chí cán bộ cơ sở khi chúng tôi đến làm việc đều có chung quan điểm, quá trình thực hiện việc hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn ở Sơn La, Quảng Ngãi và một số địa phương khác cần tiếp tục được thực hiện trong tổng thể các chính sách. Một mặt, gắn với mục tiêu an sinh xã hội, định canh định cư, hạn chế di dân tự do, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, khơi dậy nội lực giúp đồng bào DTTS thoát nghèo bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()