Giúp đồng bào các dân tộc vươn lên thoát nghèo
Cán bộ Ban CHQS huyện Thanh Sơn hướng dẫn người dân xóm Quyết Tiến, xã Địch Quả (Thanh Sơn, Phú Thọ) chăm sóc chè. Thực hiện chức năng "đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất", những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Phú Thọ không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương, mà còn làm tốt công tác "dân vận khéo", góp phần giúp đồng bào các dân tộc trên địa bàn từng bước vươn lên thoát nghèo.Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôiPhú Thọ là tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ đói nghèo còn hơn 20%, trong đó đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn... Để giúp dân xóa đói, giảm nghèo, Đại tá Nông Văn Tài, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết: Những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã coi trọng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và Ban CHQS 13 huyện, thành phố, thị xã phối hợp các cấp, các...
Cán bộ Ban CHQS huyện Thanh Sơn hướng dẫn người dân xóm Quyết Tiến, xã Địch Quả (Thanh Sơn, Phú Thọ) chăm sóc chè. |
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Phú Thọ là tỉnh miền núi, tỷ lệ hộ đói nghèo còn hơn 20%, trong đó đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn… Để giúp dân xóa đói, giảm nghèo, Đại tá Nông Văn Tài, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh cho biết: Những năm qua, Bộ CHQS tỉnh đã coi trọng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và Ban CHQS 13 huyện, thành phố, thị xã phối hợp các cấp, các ngành bám dân, bám bản tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; xây dựng mô hình điểm về chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng bằng nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Nhà nước và địa phương. Hỗ trợ nhân dân vay vốn để chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn…
Về công tác tại xã vùng cao Địch Quả (huyện Thanh Sơn), đến thăm gia đình ông Dương Trung Thành, 61 tuổi, dân tộc Dao, ở xóm Quyết Tiến, chúng tôi ai nấy đều ngỡ ngàng bởi ở giữa vùng núi cao lại có mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi và trồng rừng trị giá “bạc tỷ”. Bên cạnh ngôi nhà mái bằng, nối liền dãy nhà ngang được xây dựng kiên cố, tựa lưng vào đồi cây keo, rộng hơn 11 ha xanh tốt. Cách đó không xa, dưới sườn đồi là chuồng trâu, bò, với hàng chục con béo căng tròn; khoảng ao phía trước nhà là đàn ngan, vịt gần hai trăm con đang chờ ngày xuất chuồng… Không như trước kia, vợ chồng ông Thành với bảy đứa con (năm gái, hai trai), quanh năm suốt tháng gắn bó với đồng ruộng, núi rừng mà vẫn thiếu ăn. Được cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh đến vận động gia đình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng tiền vốn để phát triển kinh tế gia đình. Từ nguồn vốn vay, được cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ ngày công, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, con, vợ chồng ông Thành mạnh dạn chuyển đổi khu vườn đồi trồng cây măng Bát Độ và cây luồng hiệu quả kinh tế không cao sang trồng cây keo; kết hợp chăn nuôi trâu, bò, gà, vịt. Hơn mười năm qua, bằng đôi bàn tay cần cù, sáng tạo, tần tảo sớm hôm, vợ chồng ông Thành đã gây dựng nên cơ nghiệp. Từ chăn nuôi và trồng rừng, trừ chi phí, bình quân gia đình ông Thành thu nhập từ 50 đến 60 triệu đồng/năm… Ông Thành hồ hởi: “Nếu không có sự giúp đỡ của bộ đội, của các cấp, các ngành thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới có cơ ngơi như hôm nay. Vợ chồng tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và cảm ơn Bộ đội Cụ Hồ nhiều đấy!”.
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Được sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh, của các cấp, các ngành trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà không ít gia đình trước đây thuộc diện “hoàn cảnh”, đến nay đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Bí thư Đảng ủy xã Địch Quả Hà Văn Thái cho biết: Xã có 19 xóm, bản, với bảy nghìn nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Dao và Mường chiếm 51%. Đến nay, toàn xã có nhiều mô hình tiêu biểu như: gia đình anh Đỗ Đình Hồng, ở xóm Đình, chăn nuôi lợn thịt, lúc cao điểm có đến 200 con, bình quân thu lãi 200 đến 300 triệu đồng/năm; mô hình nuôi cá kết hợp nuôi lợn, nuôi vịt đẻ trứng, nuôi bò của anh Hà Vĩ Bắc, ở xóm Muôi, cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm… Nếu trước đây, toàn xã có 48,2% số hộ nghèo (năm 2005), thì hiện nay giảm xuống còn 13,7% số hộ nghèo; 100% số hộ gia đình sử dụng điện lưới; đường ô-tô đi đến 100% số thôn, bản; 30 đến 40% số đường liên thôn được đổ bê-tông; 100% số các cháu được đi học, được phổ cập tiểu học, THCS đúng độ tuổi. Từ một xã vùng cao còn nghèo, đến nay xã Địch Quả được đánh giá là một trong những xã đứng tốp đầu của huyện về phát triển kinh tế – xã hội. Thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ CHQS tỉnh còn phối hợp các cấp, các ngành, địa phương tổ chức xây dựng 78 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách; xây dựng 35 nhà văn hóa ở các khu dân cư; tham gia xóa nhà tranh, tre, nứa, lá, dột nát cho các hộ nghèo. Phối hợp các đơn vị tổ chức bộ đội hành quân dã ngoại làm công tác dân vận tại địa bàn của 30 xã vùng sâu, vùng xa. Đã tu sửa, nạo vét 2.284 km kênh mương nội đồng; nâng cấp, làm mới 2.487 km; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gần bốn nghìn lượt người; nâng cấp, sửa chữa 15 trạm y tế xã; tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh cho đồng bào vùng sâu, vùng xa. Nhất là, từ đầu năm 2012 đến nay, hưởng ứng phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh thi đua xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, gắn tham gia giúp dân bằng những công trình, việc làm cụ thể, thiết thực. Đồng thời, Bộ CHQS tỉnh còn chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 đóng quân trên địa bàn tổ chức bộ đội huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trung tá Nguyễn Viết Oánh, trợ lý Dân quân Ban CHQS huyện Thanh Sơn tâm sự: “Được tham gia đóng góp công sức giúp dân xóa đói, giảm nghèo, cán bộ, chiến sĩ đơn vị chúng tôi ai nấy đều phấn khởi, tự hào. Tuy công việc vất vả, khó khăn, nhưng anh em luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Trở về xuôi, đi trên con đường nhựa phẳng lỳ như dải lụa mềm vắt qua sườn núi, đồi trập trùng, là những vạt rừng bạch đàn, rừng keo, đồi chè, nương lúa xanh mát. Tôi cảm nhận việc làm của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()