Giúp đồng bào biên giới thoát nghèo
Bộ đội hướng dẫn nông dân các xã biên giới của tỉnh Đác Lắc trồng lúa nước. Trong gian khó, người dân Tây Nguyên được các chiến sĩ Biên phòng giúp đỡ, hướng dẫn cách làm ăn, qua đó bà con đã hiểu hơn tấm lòng của "Bộ đội Cụ Hồ". Những việc làm ý nghĩa, thiết thực chúng tôi ghi lại được ở những buôn làng xa xôi của tỉnh Đác Lắc, đã và đang giúp đồng bào nơi đây từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo.Từ một "điểm nóng" về an ninh chính trị, có nhiều đối tượng tham gia gây rối, vượt biên trái phép, giờ đây, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đác Lắc) đã thật sự bình yên, no ấm và đang chuyển mình từng ngày trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả ấy có được do nhiều nhân tố, trong đó phải kể đến sự nỗ lực của các thành viên trong đội công tác vận động quần chúng xã (Đội công tác 253), được bà con trong buôn của xã Ea Bar xem như người nhà và thường được gọi bằng tên thân mật "những chiến sĩ ba cùng". Để...
Bộ đội hướng dẫn nông dân các xã biên giới của tỉnh Đác Lắc trồng lúa nước. |
Từ một “điểm nóng” về an ninh chính trị, có nhiều đối tượng tham gia gây rối, vượt biên trái phép, giờ đây, xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đác Lắc) đã thật sự bình yên, no ấm và đang chuyển mình từng ngày trong xây dựng nông thôn mới. Kết quả ấy có được do nhiều nhân tố, trong đó phải kể đến sự nỗ lực của các thành viên trong đội công tác vận động quần chúng xã (Đội công tác 253), được bà con trong buôn của xã Ea Bar xem như người nhà và thường được gọi bằng tên thân mật “những chiến sĩ ba cùng”. Để tạo mối quan hệ gắn bó với nhân dân, tám người trong đội được chia thành bốn tổ, mỗi tổ hai người phụ trách một buôn. Ngoài việc đi cơ sở nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đội còn tuyên truyền, vận động bà con tăng gia sản xuất, đoàn kết cùng tham gia giữ gìn an ninh trật tự địa bàn, giúp đỡ những người từng mắc sai lầm nhanh chóng hòa nhập cộng đồng. Trường hợp của anh Y Ner Niê ở buôn Knia 2 là một thí dụ. Nhìn cơ ngơi khang trang của gia đình anh hiện nay, ít ai hình dung được trước đây anh từng là một trong những người vượt biên trái phép. Sau những năm tháng phiêu bạt xứ người, năm 2008, anh trở về địa phương và nhận ra “không đâu bằng nhà mình, buôn mình” nên quyết tâm làm lại từ đầu. Đội công tác xã thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, phân tích cái đúng, cái sai, giúp đỡ, tạo điều kiện cho gia đình anh phát triển kinh tế. “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nhất là Đội công tác 253, nên cuộc sống gia đình mình đã ổn định, có rẫy cà-phê, ruộng lúa và các phương tiện phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Không chỉ chăm lo làm ăn, mình còn cùng với đội, Ban tự quản buôn tuyên truyền, vận động bà con không tin, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục”, anh Y Ner Niê bộc bạch.
Chúng tôi được già làng Y Loai, buôn Mthal, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, kể cho nghe câu chuyện về chàng trai Y Duynh H’ra, từng theo Phun-rô, nay trở thành Trưởng buôn Mthal. Số là, vào những ngày đầu năm 2001, khi một số thanh niên buôn Mthal và các buôn khác của huyện Ea Súp bị bọn phản động Phun-rô gieo vào đầu những tư tưởng sai trái. Riêng Y Duynh, do có uy tín với nhiều người trong buôn, vì thế, sau khi dụ dỗ ép buộc, lôi kéo anh ra rừng hoạt động chống phá, chúng còn yêu cầu Y Duynh về buôn kích động thêm nhiều người nữa cùng đi biểu tình, nếu không thì anh và gia đình sẽ phải trả giá. Vậy là Y Duynh phải nghe theo. Anh cầm đầu khoảng hơn 40 thanh niên trong buôn tập hợp nhiều xe công nông chở đầy đủ gạo, muối, dao, ná, gậy gộc kéo lên TP Buôn Ma Thuột để tham gia biểu tình, bạo động. Tuy nhiên, sau khi được chính quyền các cấp giải thích, vận động và thực tế cũng chẳng có ai đến cho tiền bạc, nhà cửa hay đón đi nước ngoài, mọi người mới biết đây là âm mưu thâm độc của bọn phản động. Biết mình bị bọn xấu lợi dụng và xấu hổ với bà con buôn làng, sau khi trở về, Y Duynh trốn biệt ngoài rẫy, không thèm ăn uống, cũng chẳng dám nhìn mặt người quen. Được già làng Y Loai cùng các cán bộ chính quyền, cán bộ Biên phòng tìm đến tận nơi khuyên bảo, khó khăn lắm Y Duynh mới trút bỏ được những mặc cảm và quay trở về buôn để làm lại cuộc đời. Bằng lòng nhiệt tình và bằng chính bài học của bản thân, Y Duynh đã thuyết phục được nhiều thanh niên trong buôn nhìn ra điều hay, lẽ phải, từ bỏ những ý định sai lầm để quay về cuộc sống bình thường. Y Duynh đã lấy lại được niềm tin của mọi người trong buôn. Năm 2004, anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng buôn, đến năm 2005, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trung tá Mai Thế Bùi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ea H’leo (đứng chân trên địa bàn xã Ya Lốp, huyện Ea Súp) cho biết: Nhiều cán bộ, chiến sĩ của Đồn trở thành các kỹ sư nông nghiệp, hướng dẫn bà con những cách thức làm ăn mới như thử nghiệm trồng gừng trong túi ni-lông, vừa không tốn diện tích, vừa thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây và cho hiệu quả kinh tế cao.
Nằm khá biệt lập trong Vườn quốc gia Yok Đôn, cách xa thị trấn hơn 30 km, buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) trước đây có tới… gần 100% số hộ nghèo, đường sá đi lại khó khăn. Nhưng với phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpôk 743 đã cùng bà con các dân tộc Ê Đê, M’nông, J’Rai làm nên kỳ tích, số hộ nghèo giảm dưới 50% và thay đổi lối sinh hoạt cùng những thói quen lạc hậu. Thiếu tá Đoàn Quang Trung, Phó Đồn trưởng quân sự Sêrêpôk, cho biết: “Ngoài nhiệm vụ chính là bảo vệ chủ quyền dọc 12 km vùng biên, đồn còn tích cực cử các chiến sĩ, y, bác sĩ xuống công tác địa bàn để giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Người dân ở đây đã quen với việc vệ sinh sạch sẽ, xây chuồng trại xa nhà, biết cách phòng dịch bệnh và làm lúa nước. Mỗi khi đau ốm bà con đều đến Trạm Y tế quân, dân, y kết hợp để khám bệnh, cấp thuốc uống miễn phí thay vì tìm thầy mo”. Vậy mà cách đây bốn năm, 100% số hộ ở đây đều thuộc diện nghèo, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng và các hủ tục lạc hậu vẫn còn đeo bám. Chính quyền địa phương cũng dành nhiều ưu tiên cho buôn, xong người dân vẫn nghèo. Từ năm 2007, đập thủy lợi phục vụ nước tưới cho Vườn quốc gia Yok Đôn và cho việc mở rộng cánh đồng buôn Đrang Phốk được xây dựng. Hàng nghìn ngày công của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Sêrêpôk cùng với cán bộ Vườn quốc gia, cán bộ – viên chức huyện Buôn Đôn, thanh niên các vùng lân cận và bà con trong buôn tiến hành đắp đập, xây kè dẫn nước. Cánh đồng Đrang Phốk được khai hoang, mở đất thêm hơn 50 ha lúa nước hai vụ thay cho một vụ như trước đây. Qua đó, từ việc thiếu đói thường xuyên, nay số hộ nghèo đã giảm hơn một nửa. Trước đây mua gạo nhiều, giờ đã đủ ăn rồi, Y Phút Bu Đăm – nguyên trưởng buôn chia sẻ như vậy. Từ khi nước về buôn, bà con nơi đây đã biết trồng hai vụ lúa, kết hợp với trồng ngô, sắn nên cuộc sống đã khấm khá hơn.
Những việc làm nghĩa tình đầy trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng tỉnh đã để lại những ấn tượng đẹp trong lòng đồng bào các dân tộc vùng biên tỉnh Đác Lắc và bà con luôn biết ơn các anh đã giúp nhiều hộ gia đình thoát đói, nghèo.
Theo Nhandan
Ý kiến ()