tle=”Giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn”> Chế biến mủ cao-su là một trong những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Gia Lai. Theo thống kê, sáu tháng đầu năm 2012, tỉnh Gia Lai có hơn 200 doanh nghiệp (DN) tuyên bố phá sản hoặc giải thể.
Thiếu vốn được coi là nguyên nhân chính khiến nhiều DN lao đao. Thực tế này đang đặt ra vấn đề cấp bách phải giải quyết ách tắc trong cho vay vốn của ngân hàng nhằm giúp các DN có thể trụ được trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay…
Doanh nghiệp khát vốn
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Gia Lai, hiện có 1.519 DN đang còn dư nợ tại các ngân hàng trên địa bàn, trong khi đó số DN được tiếp cận vốn chiếm một nửa số DN đang hoạt động với dư nợ vay là 15.361 tỷ đồng. DN ở một số ngành có dư nợ vay cao gồm: sản xuất và phân phối điện 3.974 tỷ đồng, nông nghiệp 3.121 tỷ đồng, thương mại 2.656 tỷ đồng, xây dựng 1.934 tỷ đồng, chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ 1.304 tỷ đồng. Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, vốn đã tập trung cho DN trong những tháng đầu năm, thể hiện dư nợ của DN tăng 8,5%, trong khi tổng dư nợ chỉ tăng 2,8%. Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Gia Lai (BIDV) Lâm Quốc Vinh cho biết: 82% vốn vay của chi nhánh dành cho DN, tương đương 5.641 tỷ đồng trên 6.874 tỷ đồng tổng dư nợ. Thông thường, nguồn vốn ngân hàng chỉ là vốn bổ trợ, tuy nhiên, không ít DN gần như phụ thuộc hoàn toàn vào ngân hàng, nguồn tài chính dự phòng không có cho nên rủi ro về đầu tư tín dụng lớn. Bà Nguyễn Thị Sen, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, DN khó đủ sức cầm cự khi thiếu vốn ngân hàng. Những DN nào có khả năng vực dậy, ngân hàng nên giải quyết vốn vay.
Không ít DN đều kêu ca không tiếp cận được vốn, nhiều DN tìm đến ngân hàng bị từ chối với nhiều lý do, trong đó trở ngại lớn nhất là phải chứng minh được tài chính minh bạch, tính khả thi của dự án, chưa kể phải có tài sản thế chấp. Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường – Nhiệt điện Gia Lai Hồ Đắc Dũng cho biết: Sắp tới đây quy mô sản xuất của DN sẽ được mở rộng, công ty nâng công suất hoạt động lên 6.000 tấn mía/ngày, do vậy rất cần vốn để sản xuất. Nhưng hiện nay, tài sản đã thế chấp hết ở ngân hàng, hàng hóa lại đang tồn kho lớn… Ông Đỗ Mạnh Luynh, đại diện Hiệp hội Xây dựng của tỉnh Gia Lai cho rằng, nhiều DN xây lắp đã thi công gần hoàn thành công trình nhưng thiếu vốn, trong khi việc tiếp cận vốn vay lại không dễ chút nào vì không có tài sản bảo đảm. Nhiều công trình đầu tư đã có khối lượng nhưng chưa được bố trí vốn khiến DN phải gánh tiền lãi ngân hàng trong một thời gian khá dài. Một số DN xây dựng khác lại nêu vướng mắc ở cơ chế chính sách và dẫn chứng nhiều dự án, công trình được khởi công rầm rộ rồi sau đó phải “đắp chiếu”. Tiền DN bỏ ra đầu tư máy móc, thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu khá tốn kém, sau lại bị cắt giảm do thực hiện Nghị quyết 11. Bên cạnh đó, hàng loạt dự án cao-su, thủy điện được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng gặp khó khăn về vốn còn ngân hàng thì đang “chần chừ”… Số đông DN đều cho rằng, trong tình hình khó khăn hiện nay các ngân hàng nên linh hoạt, lấy hàng tồn kho làm tài sản thế chấp.
Tại cuộc họp kết nối ngân hàng – doanh nghiệp mới đây, các DN đều kêu ca vốn ngân hàng cũng như hạn mức tín dụng thấp. Ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, đại diện Hiệp hội Nông sản Gia Lai phân tích: Sản lượng cà-phê toàn tỉnh hiện khoảng 180 nghìn tấn, nếu đạt mục tiêu xuất khẩu, riêng cà-phê có thể thu về khoảng 180 triệu USD. Chia đều cho các DN thì mỗi DN ít nhất là vài triệu USD, nhiều là vài chục triệu USD. Nhu cầu là vậy, nhưng vốn vay ngân hàng rất thấp, nhiều nhất là hai, ba triệu USD/năm. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh tỉnh Gia Lai, dư nợ cho vay thu mua hàng xuất khẩu là 1.554 tỷ đồng, trong khi vốn cần cho lĩnh vực này mỗi vụ khoảng 180 triệu USD, tương đương khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo ông Lâm Quốc Vinh: Vốn cho ngành hàng nông sản trên địa bàn rất lớn, khi vay, DN phải đáp ứng điều kiện tài sản thế chấp, nhưng gần như tài sản này đều đã nằm ở ngân hàng với các khoản vay trước, do đó DN chủ yếu thế chấp bằng hàng tồn kho. Tuy nhiên, quy trình bảo quản để bảo đảm chất lượng và số lượng hàng hóa, giúp ngân hàng yên tâm và có cơ sở pháp lý nhận thế chấp cần phải có đối tác thứ ba là công ty cho thuê kho. Đây là điều các ngân hàng và DN cần thống nhất và triển khai thực hiện càng sớm càng tốt.
Giải pháp đồng bộ
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Gia Lai đã có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển thực hiện cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho các DN tiếp tục được vay vốn để ổn định sản xuất, kinh doanh; các dự án đã đầu tư thực hiện gần hoàn thành khối lượng cũng phải được vay tín chấp vì không còn tài sản thế chấp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ, nhấn mạnh: Doanh nghiệp sống nhờ ngân hàng, khi DN gặp khó khăn ngân hàng phải chia sẻ. Nếu không được tiếp vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh, DN khó mà hoàn thành dự án, lúc đó khả năng trả nợ càng khó khăn hơn, làm tăng thêm nợ xấu ngân hàng. Ngoài tháo gỡ khó khăn bằng những giải pháp cụ thể và đồng bộ như cơ cấu lại nợ, áp dụng lãi suất phù hợp, linh hoạt trong cho vay, ngân hàng phải cùng với DN ngồi lại để tính toán nhu cầu thật sự của từng DN để có hướng đầu tư hợp lý và linh hoạt. Ngành nào cần bao nhiêu vốn, khả năng đáp ứng ra sao, khó khăn do nội tại DN hay do cơ chế chính sách, đều phải được làm rõ. DN nào chỉ khó khăn tạm thời thì nên tiếp tục đầu tư giúp họ đủ sức vực dậy.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, đến cuối tháng 8 vừa qua, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.212 khách hàng, trong đó có 60 DN, với dư nợ 1.267 tỷ đồng. Các ngân hàng đã chủ động phối hợp với khách hàng rà soát, đánh giá khả năng trả nợ và khả năng tài chính của ngân hàng để tạo điều kiện cho DN trả nợ phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc, lãi vay, gia hạn nợ mà vẫn được giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước đó. Trong tổng dư nợ cho vay toàn ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh là 28.300 tỷ đồng, đến nay đã có gần 81% dư nợ ở mức lãi suất dưới 15%, hiện chỉ còn hơn 19% dư nợ có lãi suất trên 15%. Ngoài các khoản vay lãi suất thấp ở những lĩnh vực khuyến khích như: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa… áp dụng lãi suất dưới 13%/năm, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đề nghị giải ngân với lãi suất dưới 15%/năm các khoản vay mới.
Cùng với các biện pháp tháo gỡ giúp DN vượt qua khó khăn về vốn trên cơ sở Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ, Thông tư số 83/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính, một số sắc thuế sẽ được giảm, gia hạn. 1.018 doanh nghiệp vừa và nhỏ được gia hạn khoảng 250 tỷ đồng tiền thuế. Bên cạnh đó, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012 cho 96 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ với số tiền giảm gần 1 tỷ đồng; giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2012 đối với 1.276 DN vừa và nhỏ khoảng 63 tỷ đồng; áp dụng lãi suất cho vay mới 13%/năm, các khoản vay cũ được điều chỉnh về dưới 15%, với dư nợ 19.035 tỷ đồng. Các ngân hàng đã cơ cấu lại nợ vay cho 55 DN với dư nợ 925 tỷ đồng, gia hạn nợ cho 45 DN với dư nợ 890 tỷ đồng. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Gia Lai là một trong những ngân hàng đi đầu hạ lãi suất xuống dưới mức 15% nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, đồng thời triển khai gói hỗ trợ lãi suất 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 9%/năm cho DN và gói tín dụng 5.000 tỷ đồng áp dụng lãi suất 12%/năm cho khách hàng cá nhân, hộ sản xuất, kinh doanh; Ngân hàng Công thương chi nhánh Gia Lai cũng dành 15 nghìn tỷ đồng cho gói tín dụng có lãi suất bằng trần lãi suất huy động, gói tín dụng ngoại tệ lãi suất 2,5%/năm…
Theo Nhandan
Ý kiến ()