Giúp doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn
Đóng gói sản phẩm gạch lát nền tại Nhà máy gạch Tiêu Giao, Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long (Quảng Ninh). Dưới tác động của chính sách tài chính thắt chặt, toàn bộ các khâu từ sản xuất, lưu thông, tiêu thụ đến bán sản phẩm vật liệu xây dựng (VLXD) đều bị ảnh hưởng.Mặc dù đã có một số tín hiệu nới lỏng cho vay trong lĩnh vực bất động sản từ phía ngân hàng, nhưng các doanh nghiệp sản xuất VLXD vẫn đang đứng trước muôn vàn khó khăn.Sức mua giảm, hàng tồn kho nhiềuCác cửa hàng bán VLXD đều chung cảnh ngộ ế ẩm. Bà Thu Vân, 52 tuổi, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Đức Minh ở số 2, phố Giang Văn Minh, Hà Nội cho biết, từ tháng 12 năm ngoái, tình hình tiêu thụ các loại VLXD bắt đầu giảm và cho đến thời điểm này đã giảm khoảng 40% so với cùng kỳ. Hầu hết các loại VLXD đều bán rất chậm, các kho chứa hàng còn khá nhiều chỗ trống. Cửa hàng hiện chỉ dám nhập các sản phẩm có chương trình khuyến mãi và một số lượng hàng nhất...
Đóng gói sản phẩm gạch lát nền tại Nhà máy gạch Tiêu Giao, Công ty cổ phần Viglacera Hạ Long (Quảng Ninh). |
Mặc dù đã có một số tín hiệu nới lỏng cho vay trong lĩnh vực bất động sản từ phía ngân hàng, nhưng các doanh nghiệp sản xuất VLXD vẫn đang đứng trước muôn vàn khó khăn.
Sức mua giảm, hàng tồn kho nhiều
Các cửa hàng bán VLXD đều chung cảnh ngộ ế ẩm. Bà Thu Vân, 52 tuổi, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Đức Minh ở số 2, phố Giang Văn Minh, Hà Nội cho biết, từ tháng 12 năm ngoái, tình hình tiêu thụ các loại VLXD bắt đầu giảm và cho đến thời điểm này đã giảm khoảng 40% so với cùng kỳ. Hầu hết các loại VLXD đều bán rất chậm, các kho chứa hàng còn khá nhiều chỗ trống. Cửa hàng hiện chỉ dám nhập các sản phẩm có chương trình khuyến mãi và một số lượng hàng nhất định để tránh rủi ro trong kinh doanh. Bà Vân hy vọng Nhà nước sẽ có những chính sách phù hợp để giãn hoặc miễn giảm thuế trong giai đoạn khó khăn hiện nay, và đề xuất với các doanh nghiệp nên tiết giảm chi phí và tổ chức thêm nhiều chương trình khuyến mãi. Anh Ngọc, chủ cửa hàng VLXD Ngọc Thanh tại khu vực quận Long Biên cũng chia sẻ: “Hiện nay, lượng hàng bán ra chỉ bằng một nửa những tháng cuối năm ngoái. Để hạn chế chi phí, cửa hàng nhiều khi cũng phải khất khách hàng mua lẻ bằng cách đợi một số khách hàng cùng mua một nhóm sản phẩm rồi tổ chức vận chuyển một thể. Biết làm thế, uy tín cửa hàng sẽ giảm sút, nhưng tình thế bắt buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, nên cũng mong khách hàng thông cảm”.
Trao đổi ý kiến về những khó khăn hiện nay, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viglacera Nguyễn Văn Sinh cho biết, do ảnh hưởng của chính sách tài chính thắt chặt, cộng thêm thời điểm sau Tết Nguyên đán nhu cầu xây dựng chưa cao, nên sản lượng tiêu thụ VLXD chỉ đạt bình quân hơn 65% so với năng lực sản xuất. Bên cạnh đó, mức lãi suất vốn vay vẫn ở mức cao, giá một số mặt hàng thiết yếu điều chỉnh tăng như: than (tăng khoảng 10% từ 27-2) đã làm tăng chi phí sản xuất của Tổng Công ty đối với nhóm gạch, ngói đất sét nung khoảng ba tỷ đồng/tháng; xăng dầu (tăng từ 15.273 đồng/lít lên 17.091 đồng/lít từ ngày 7-3) đã làm tăng chi phí nhiên liệu khoảng 5,3 tỷ đồng/tháng. Hơn nữa, do sức ép cạnh tranh, khó khăn về thị trường, nên giá bán sản phẩm của Viglacera không đủ bù đắp cho chi phí đầu vào làm cho kết quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị thuộc tổng công ty trong quý I còn hạn chế. Mặc dù hầu hết các đơn vị khối sản xuất của Viglacera đã thực hiện dừng sản xuất một phần hoặc toàn bộ dây chuyền để sửa chữa và bảo dưỡng thiết bị trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng lượng sản phẩm tồn kho vẫn ở mức cao. Cụ thể: Kính xây dựng tăng 1,74 lần; gạch ốp lát các loại (Granite, ceramic, cotto) tăng 1,21 lần; sứ vệ sinh khoảng 300 nghìn sản phẩm; gạch ngói đất sét nung tăng 1,71 lần so với cùng kỳ (tương ứng lần lượt là khoảng 6 tháng, 2 tháng, 3 tháng và 2 tháng sản xuất).
Khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất VLXD là các công ty xi-măng. Trong khi các nhà máy sản xuất VLXD thông thường có quy mô vốn nhỏ, thì các nhà máy xi-măng được đầu tư xây dựng lên đến hàng nghìn tỷ đồng vì vậy ảnh hưởng càng lớn. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, ba tháng đầu năm cả nước sản xuất 9,98 triệu tấn và tiêu thụ được 9,57 triệu tấn xi-măng, nhưng hầu hết các đơn vị đều không đạt mục tiêu sản xuất kinh doanh. Trong đó Tổng công ty công nghiệp xi-măng Việt Nam (Vicem) sản xuất 3,28 triệu tấn và tiêu thụ 3,19 triệu tấn. Trong tổng lượng tồn kho cuối kỳ khoảng 2,95 triệu tấn, thì Vicem chiếm hơn 60%. Bên cạnh đó, dự báo lượng tiêu thụ
xi-măng trong năm nay cũng chỉ xấp xỉ năm ngoái khoảng 56,5 triệu tấn, trong khi tổng công suất thiết kế các nhà máy xi-măng trong quy hoạch đến cuối năm 2011 đã hơn 66 triệu tấn. Điều này đồng nghĩa với việc cạnh tranh xi-măng sẽ còn rất căng thẳng. Ngay cả các đại gia trong ngành xi-măng như Vicem Hoàng Thạch mặc dù đã mở rộng các hình thức khuyến mại nhưng hàng bán vẫn chậm và cũng đã phải ngừng một trong ba dây chuyền sản xuất. Hiện nay, nhiều dây chuyền xi-măng mới đi vào hoạt động, thương hiệu và thị trường chưa có nên gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều khả năng phá sản do không tiêu thụ được sản phẩm và áp lực trả nợ cao.
Doanh nghiệp chủ động vượt qua khó khăn
Vụ trưởng Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Văn Tới cho rằng, trước hết các doanh nghiệp phải tự tìm hướng đi phù hợp cho mình trong giai đoạn khó khăn hiện nay, bằng cách đẩy nhanh chương trình tái cơ cấu doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, Bộ Xây dựng cũng đang tiến hành nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp VLXD, trong đó tập trung phối hợp Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh chương trình làm đường bằng bê-tông và đẩy mạnh các chương trình nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp xi-măng với nhau và với Hiệp hội xi-măng trong việc xuất khẩu sản phẩm một cách hiệu quả nhất. Mặc dù về lâu dài, Bộ Xây dựng không khuyến khích xuất khẩu xi-măng, nhưng trong tình hình hiện nay, giải pháp tình thế này có những hiệu quả nhất định trong việc tăng tỷ lệ xuất siêu, thu hồi ngoại tệ, giảm áp lực tiêu thụ nội địa, khắc phục tình trạng chênh lệch tỷ giá đầu tư của các dây chuyền bắt đầu đến thời hạn trả nợ. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất Chính phủ tăng cường chỉ đạo các đơn vị sử dụng các thiết bị, vật liệu, nguồn lực trong nước nhằm hạn chế và thay thế hàng nhập khẩu.
Phó Tổng Giám đốc Viglacera Nguyễn Văn Sinh nhận định: Mặc dù đã lường trước được những khó khăn hiện tại, nhưng để vượt qua được giai đoạn cam go này, Tổng công ty đã đề ra những giải pháp đồng bộ có tính định hướng cụ thể cho từng lĩnh vực. Ưu tiên phát triển các “bộ sản phẩm” đồng bộ cung cấp cho các dự án nhà ở xã hội; nhà ở trung và cao cấp, đồng thời bảo đảm tiêu chuẩn, giữ vững thương hiệu hàng đầu về vật liệu xây dựng. Trong đó, tập trung nghiên cứu phát triển các bộ sản phẩm mới có tính năng ưu việt hơn, bằng công nghệ tiên tiến, đi trước đón đầu, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị cho sản phẩm. Chẳng hạn như: Phát triển kính cán hoa văn mới, kính cán tôi an toàn, kính mầu, kính mỏng; sản phẩm gạch ốp lát có kích thước lớn, hoa văn mới, công nghệ Inkjec; Các mẫu sứ vệ sinh mới, các bộ sản phẩm đồng bộ từ sứ vệ sinh với sen vòi tiết kiệm nước…; sản phẩm gạch ngói xây dựng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, vật liệu xây dựng không nung. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tiết giảm chi phí, định mức tiêu hao vật tư, nguyên nhiên liệu, phát động các phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành, đưa mức tồn kho thành phẩm, nguyên nhiên liệu về mức hợp lý, kiểm soát chặt chẽ công tác tài chính. Hiện nay, Tổng công ty đang nghiên cứu và thử nghiệm mô hình kinh doanh mới theo hướng tập trung và đồng bộ các dòng sản phẩm; củng cố và mở rộng mạng lưới kênh phân phối sản phẩm trên toàn quốc và đẩy mạnh chương trình xuất khẩu sang các thị trường truyền thống: Nga, Trung Đông, Hàn Quốc và các nước Đông – Nam Á.
Chủ tịch HĐTV Vicem Lê Văn Chung khẳng định, năm 2012 sẽ là năm công nghệ của Vicem. Điều này có nghĩa là để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, thì ngoài việc rà soát khoản chi phí thường xuyên, chi phí sản xuất, Tổng công ty sẽ tập trung mạnh vào vấn đề công nghệ, nhằm giảm hơn nữa những chi phí phát sinh không đáng có. Bên cạnh đó, Tổng công ty tiến hành cơ cấu lại tổ chức, đẩy mạnh cổ phần hóa, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, xây dựng thương hiệu mạnh, tránh cạnh tranh nội bộ không cần thiết…, giữ vững vai trò làm công cụ để Nhà nước điều tiết vĩ mô nền kinh tế.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp sản xuất VLXD cần chủ động, linh hoạt các giải pháp, đồng thời cũng cần những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ban, ngành liên quan. Qua tìm hiểu, nguyện vọng tương đối thống nhất của doanh nghiệp sản xuất VLXD đề xuất Chính phủ tiếp tục tăng tỷ lệ vay vốn cho lĩnh vực bất động sản, giảm lãi suất cho vay xuống mức 12%/năm, miễn giảm thuế giá trị gia tăng VAT cho các doanh nghiệp từ sáu tháng đến một năm. Đồng thời, cơ cấu hoặc giãn các khoản nợ đến hạn và quá hạn cho các doanh nghiệp, bình ổn giá nguyên nhiên liệu đầu vào, nhất là điện cho các doanh nghiệp sản xuất…
Theo Nhandan
Ý kiến ()