Giúp đảng viên thoát nghèo
Đảng viên Phạm Văn Vui ở ấp Sóc Tháo, xã Phú Tâm nuôi bò được đầu tư từ nguồn vốn giảm nghèo của tỉnh. Sóc Trăng là tỉnh có nhiều đảng viên nghèo, không đủ vốn để phát triển sản xuất, cuộc sống còn nhiều khó khăn; có đảng viên phải đi làm ăn xa, sinh hoạt chi bộ không đều đặn, ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt chi bộ nông thôn. Từ thực trạng đó, năm 2004, Tỉnh ủy Sóc Trăng xây dựng và chỉ đạo thực hiện đề án hỗ trợ vốn giảm nghèo (HTVGN) cho đảng viên, giúp cả nghìn hộ đảng viên vươn lên thoát nghèo.Trước đây, do chưa ứng dụng tốt khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; sản xuất kém hiệu quả, nhiều rủi ro; kinh tế gia đình của một bộ phận đảng viên gặp không ít khó khăn, nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo. Để giúp đảng viên thoát nghèo, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án HTVGN cho đảng viên. Cấp huyện cũng thành lập ban chỉ đạo để quán...
Đảng viên Phạm Văn Vui ở ấp Sóc Tháo, xã Phú Tâm nuôi bò được đầu tư từ nguồn vốn giảm nghèo của tỉnh. |
Trước đây, do chưa ứng dụng tốt khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp; sản xuất kém hiệu quả, nhiều rủi ro; kinh tế gia đình của một bộ phận đảng viên gặp không ít khó khăn, nhiều hộ thuộc diện hộ nghèo. Để giúp đảng viên thoát nghèo, Tỉnh ủy Sóc Trăng đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức thực hiện đề án HTVGN cho đảng viên. Cấp huyện cũng thành lập ban chỉ đạo để quán triệt sâu rộng đến các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Các cấp ủy xã, phường, thị trấn vào cuộc điều tra mức sống gia đình đảng viên. Các chi bộ bình chọn đảng viên nghèo trong chi bộ và đề nghị về Ban Chỉ đạo đề án của huyện, thị xã, thành phố xem xét. Trong quá trình xem xét, các chi bộ luôn ưu tiên chọn những đảng viên có sổ hộ nghèo, chí thú làm ăn, thiếu vốn sản xuất đưa ra chi bộ xét, lập danh sách gửi về ban chỉ đạo huyện xem xét, mức hỗ trợ phù hợp với phương án sản xuất, kinh doanh của từng đảng viên.
Đảng viên Huỳnh Thị Mộng Thu ở ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên) cho biết, trước đây do liên tục mất mùa, gia đình chị rơi vào cảnh chạy gạo từng bữa. Cố gắng làm ăn lắm nhưng do thiếu vốn sản xuất, cuộc sống vẫn túng quẫn. Nhờ được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn giảm nghèo cho đảng viên, chị nuôi lợn, nuôi gà, trồng hoa màu để cải thiện cuộc sống gia đình. Từ số tiền tích lũy được, chị mạnh dạn đầu tư nuôi tôm sú. Được các đồng chí trong chi bộ hỗ trợ về cung cách làm ăn cùng với việc dám nghĩ, dám làm, tìm ra phương án sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả cao, chị đã xây được căn nhà mới, sắm đầy đủ tiện nghi, mua được máy tuốt lúa và lo cho hai đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Hiện nay, chị đang cải tạo ao để nuôi tôm quảng canh cải tiến. Chị Thu đã thật sự thoát nghèo bền vững và còn được chọn báo cáo điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi ở huyện. Đồng chí Sơn Vũ Trường ở ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn (Trần Đề) cũng là một đảng viên điển hình vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn giảm nghèo. Đồng chí vui vẻ kể, lúc vợ chồng ra riêng, cha mẹ cho ba công ruộng. Chưa nắm bắt được khoa học – kỹ thuật, lại không có vốn để tăng gia sản xuất, anh làm mãi mà chẳng thoát nghèo, kinh tế gia đình rất khó khăn. Không cam chịu cuộc sống nghèo khó, anh Trường quyết tâm vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình. Được vay vốn giảm nghèo và tìm tòi học hỏi kinh nghiệm sản xuất, anh mạnh dạn mua hai con lợn giống về để gây lợn nái và trồng bắp lai. Mỗi năm anh bán từ hai đến ba lứa lợn con, cùng với thu hoạch bắp lai lãi hơn 30 triệu đồng. Cuộc sống gia đình đã được cải thiện, hai đứa con của anh cũng được đi học đàng hoàng. Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tài Văn, nhiệm kỳ 2011- 2015. Niềm vui thoát nghèo từ nguồn vốn giảm nghèo của đảng viên Huỳnh Thị Mộng Thu, Sơn Vũ Trường cũng là niềm vui chung của nhiều đảng viên được hỗ trợ vay vốn để vươn lên thoát nghèo bền vững ở Sóc Trăng.
“Tôi đã thấy rõ sự quan tâm sâu sắc của Đảng, của tổ chức nên cố gắng làm ăn. Giờ kinh tế gia đình đã ổn định, tôi có điều kiện phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mạnh dạn đóng góp suy nghĩ, việc làm, tích cực xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh và vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, nhất là chủ trương xóa đói, giảm nghèo ở địa phương” – đảng viên Kim Ty ở ấp Sóc Tháo, xã Phú Tâm (Châu Thành) bộc bạch. Việc hỗ trợ đảng viên thoát nghèo ở Sóc Trăng đã khơi dậy tinh thần, ý thức tiền phong gương mẫu, dám nghĩ, dám làm trong nhiều đảng viên nghèo. Những đảng viên này chẳng những cố gắng vươn lên thoát nghèo mà còn là nhân tố tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước ta. Đảng viên Thạch Hên ở ấp Thọ Hòa Đông B, xã Phú Tâm chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi còn nghèo, thấy cuộc sống bà con mình gặp nhiều khó khăn nên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng hiệu quả không cao, vì nhiều người nghĩ rằng gia đình mình còn lo chưa xong, lại lo chuyện của người khác. Từ khi được vay vốn giảm nghèo và tham dự các lớp tập huấn, vận dụng khoa học – kỹ thuật để phát triển sản xuất, kinh tế gia đình tôi khấm khá hơn trước, như vậy nói bà con mới tin”. Thực tế cho thấy, nhiều đảng viên như Nguyễn Kim Sơn (ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên), Lê Văn Huấn (ấp Hòa Mỹ, thị trấn Mỹ Xuyên), Phạm Văn Vui (ấp Sóc Tháo, xã Phú Tâm)… được hỗ trợ vốn kịp thời, cuộc sống gia đình được cải thiện nên đã cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được chi bộ phân công, tham gia sinh hoạt đều đặn và luôn đi đầu trong mọi phong trào hành động cách mạng tại địa phương. Việc hỗ trợ vốn giảm nghèo cho đảng viên còn góp phần khắc phục tình trạng đảng viên bỏ công tác và sinh hoạt đi làm ăn xa do kinh tế gia đình khó khăn.
Năm 2003, Sóc Trăng có 1.398 đảng viên nghèo, chiếm khoảng 8% tổng số đảng viên toàn tỉnh; trong đó đảng viên có sổ hộ nghèo là 665 đồng chí, đảng viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nhưng chưa có sổ hộ nghèo 733 đồng chí. Nguồn để thực hiện chủ trương hỗ trợ vốn xóa đói, giảm nghèo cho đảng viên là nguồn quỹ dự trữ. Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) có trách nhiệm quản lý và cho đảng viên nghèo vay với lãi suất ưu đãi, bình quân mỗi hộ vay 15 triệu đồng. Việc cho vay được chia làm hai đợt: Đợt một ưu tiên cho đảng viên có sổ hộ nghèo vay; sau khi đáo hạn, Ngân hàng CSXH cấp huyện thu hồi vốn và tiếp tục đưa ra chi bộ xét hỗ trợ vốn đợt hai cho đảng viên cận nghèo. Có nhiều đảng viên vay đợt một tiếp tục được tái vay vốn đợt hai, nâng tổng số lượt đảng viên được hỗ trợ vốn lên khoảng 1.500 lượt với số tiền gần chục tỷ đồng.
Cấp ủy các cấp nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc giúp đảng viên gặp khó khăn vươn lên thoát nghèo, thành lập ban chỉ đạo, thường xuyên kết hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan đôn đốc, nhắc nhở và kiểm tra nhằm kịp thời chỉ đạo các cấp có biện pháp giúp đảng viên tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế và sử dụng vốn có hiệu quả. Các cấp ủy có sự chỉ đạo kết hợp nhiều nguồn vốn trong phát triển kinh tế gia đình. Nhiều đảng viên và hộ gia đình đã lồng ghép các mô hình, ứng dụng tốt khoa học -kỹ thuật vào sản xuất. Đối với từng dự án sản xuất, kinh doanh, cấp ủy phân công đảng viên có kinh nghiệm trong sản xuất hướng dẫn, giúp đỡ đảng viên được hỗ trợ vốn sử dụng vốn đúng mục đích, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Các huyện theo dõi chặt chẽ việc sử dụng vốn của đảng viên và chỉ đạo cho Đảng ủy xã, thị trấn giao cho chi bộ và tổ trưởng tổ vay vốn theo dõi thực hiện dự án, vận động đảng viên trả nợ đúng hạn. Từ khi triển khai thực hiện đề án HTVGN cho đảng viên đến nay có gần một nghìn hộ đảng viên vươn lên thoát nghèo, trong đó có 128 đảng viên dân tộc Khmer.
Nói về hiệu quả hỗ trợ vốn giảm nghèo cho đảng viên, đồng chí Võ Minh Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, trong quá trình thực hiện đề án HTVGN cho đảng viên, Ban chỉ đạo cùng với cấp ủy cơ sở đã khảo sát nắm chắc điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng đảng viên thuộc diện nghèo để hỗ trợ vốn đúng đối tượng, đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, công khai. Tùy vào điều kiện, phương án sản xuất của từng đảng viên mà xem xét mức cho vay phù hợp. Những đảng viên này còn được giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật từ đảng viên trong chi bộ. Nhiều mô hình sản xuất như chăn nuôi bò, nuôi lợn, gà, trồng hoa màu… được thực hiện có hiệu quả. Việc hỗ trợ vốn giảm nghèo cho đảng viên đã nâng dần mức thu nhập, giúp nhiều đảng viên ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, an tâm công tác; đồng thời tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình đảng viên và xã hội. Qua đó, nhiều chi bộ đã đổi mới phương thức lãnh đạo. Để xóa đói, giảm nghèo trong quần chúng nhân dân đạt hiệu quả cao, trước tiên phải thực hiện công tác này trong Đảng. Từ đó làm nòng cốt cho phong trào xóa đói, giảm nghèo tại địa phương, tạo được sức lan tỏa ra toàn xã hội, góp phần tiếp tục khẳng định tính ưu việt của chương trình xóa đói, giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta.
Theo Nhandan
Ý kiến ()