Giúp dân đủ vốn trồng rừng
LSO-Những năm gần đây, công tác xã hội hóa trồng rừng trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Năm 2017, toàn tỉnh đã trồng mới được 11.370 ha rừng, vượt 26,3% kế hoạch, tăng 7,4% so với năm 2016. Đạt được kết quả đó có một phần đóng góp quan trọng từ nguồn vốn vay trồng rừng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Lạng Sơn (Agribank Lạng Sơn).
Người dân xã Đội Cấn, huyện Tràng Định chăm sóc rừng trồng từ nguồn vốn ngân hàng |
Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, ngày 27/12/2007, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND (QĐ 39) về ưu đãi lãi suất cho người dân vay vốn trồng rừng. Trong đó, Agribank Lạng Sơn đóng vai trò chủ đạo trong việc cung cấp vốn cho người dân. Từ đó đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.500 hộ dân, tổ chức kinh tế được tiếp cận nguồn vốn vay theo QĐ 39 để trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả với tổng dư nợ tính đến hết năm 2017 là 200 tỷ đồng, đầu tư trồng mới được gần 20.000 ha rừng. Trong đó, một số huyện phát triển rừng hiệu quả nhờ nguồn vốn ưu đãi như: Đình Lập, Tràng Định, Hữu Lũng, Chi Lăng.
Ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đình Lập cho biết: Chi nhánh luôn chủ động phối hợp cùng các phòng, ban chuyên môn của huyện giúp người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi trồng rừng. Trong năm 2017, riêng tổng dư nợ cho vay trồng rừng theo QĐ 39 của UBND tỉnh của chi nhánh đạt 48 tỷ đồng, chiếm 24% tổng dư nợ.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi mà năm 2017, người dân huyện Đình Lập đã trồng rừng mới đạt 1.341 ha, vượt 11,75% kế hoạch, tăng 9,92% so với năm 2016. Trong đó, diện tích rừng trồng mới chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hóa của nhân dân, chiếm khoảng 70%. Một số xã người dân đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để phát triển rừng như các xã: Bính Xá, Đình Lập…
Không chỉ Đình Lập mà đến nay tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều có diện tích rừng được trồng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi từ Agribank Lạng Sơn. Như huyện Hữu Lũng trong năm 2017 trồng mới được 1.915 ha rừng, vượt 27,6% kế hoạch, tăng 15,5% so với năm 2016 và trồng cây ăn quả được 304 ha, tăng 74,5%. Trong đó diện tích rừng đầu tư trồng mới từ nguồn vốn vay ngân hàng chiếm gần 50%.
Bà Hoàng Thị Thủy, Phó Giám đốc Agribank Lạng Sơn cho biết: Để hỗ trợ nguồn vốn cho người dân trồng rừng, Agribank Lạng Sơn đã yêu cầu cán bộ tín dụng tại các chi nhánh nâng cao ý thức, trách nhiệm, không ngại khó, ngại khổ, chủ động phối hợp cùng chính quyền các xã, cán bộ các phòng, ban liên quan của huyện, thành phố tổ chức thẩm định, tư vấn cho người dân, tổ chức kinh tế về thủ tục vay vốn đúng quy định của pháp luật và ngân hàng để có thể giải ngân nguồn vốn nhanh, hiệu quả, giúp người dân kịp vụ trồng rừng trong năm.
Với sự đồng hành của ngân hàng, nhiều hộ dân vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh đã có vốn để đầu tư, khai thác hiệu quả diện tích đồi rừng của gia đình. Như hộ gia đình ông Bế Văn Khánh, xã Chí Minh, huyện Tràng Định đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho vay 700 triệu đồng theo QĐ 39 để đầu tư trồng mới 19 ha rừng, chủ yếu là cây quế theo chủ trương phát triển vùng quế của huyện. Hiện nay, hơn 20% diện tích rừng bắt đầu cho thu hoạch, giúp gia đình có nguồn thu trả lãi vay và tái đầu tư. Hoặc điển hình hơn là trên địa bàn huyện Hữu Lũng đã có nhiều hộ đạt doanh thu từ rừng trên 300 triệu đồng/năm.
Hiện tại, bắt đầu vụ trồng rừng năm 2018, Agribank Lạng Sơn đã chỉ đạo chi nhánh tại các huyện chủ động nguồn vốn, trong đó ưu tiên hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho các hộ nghèo, gia đình chính sách phát triển trồng rừng. Riêng trong tháng 1/2018, khoảng 20 tỷ đồng vốn trồng rừng đã đến tay người dân để đầu tư cây giống, vật tư, sẵn sàng cho vụ trồng rừng đầu xuân.
ANH DŨNG
Ý kiến ()