Giúp 4.000 trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng
Dự án “Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam” vận động cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ em tự kỷ… Chương trình sẽ giúp khoảng 4.000 trẻ em tự kỷ được hưởng lợi, hòa nhập cộng đồng.
Đây là thông tin từ tọa đàm “Vấn đề trẻ em tự kỷ ở Việt Nam” do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 19-4 tại Hà Nội.
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, rối loạn phổ tự kỷ ngày càng phổ biến với tỷ lệ chẩn đoán ở trẻ tăng lên qua từng năm ở tất cả các nước và khu vực trên thế giới. Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ, nhưng theo thống kê sơ bộ của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200 nghìn người mắc chứng tự kỷ. Và thực tế, số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay.
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đồng hành khởi xướng dự án“Nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam”. Chương trình thực hiện trong năm năm (2018 – 2022) với các mục tiêu nâng cao nhận thức về trẻ tự kỷ, đồng thời tuyên truyền vận động cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động can thiệp, hỗ trợ trẻ tự kỷ, từ đó tạo cơ sở đề xuất chính sách cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam.
Dự án tập trung vào năm mục tiêu cơ bản. Trước hết là biên tập và phát hành bộ tài liệu chuẩn về hỗ trợ trẻ tự kỷ ở Việt Nam. Tiếp đó là đào tạo nâng cao năng lực 100 cán bộ nòng cốt (giảng viên nguồn) về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ tự kỷ; Phổ biến kiến thức về tự kỷ cho 10 nghìn cha, mẹ, người chăm sóc nuôi dưỡng trẻ tự kỷ, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và cộng đồng; Hỗ trợ 10 nghìn giáo viên, cán bộ dự án, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tiếp cận và chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ tại Việt Nam. Thông qua kết quả phổ biến kiến thức, khoảng 4.000 trẻ tự kỷ được hưởng lợi gián tiếp từ dự án để hòa nhập cộng đồng.
Tự kỷ (Autism) hay rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder – ASD) đều là những thuật ngữ nói đến một nhóm các rối loạn phức tạp trong sự phát triển của não bộ. Nhóm rối loạn này đặc trưng bởi những khó khăn và thiếu hụt trong tương tác xã hội, giao tiếp bằng lời và không lời, các hành vi và sở thích định hình lặp lại. Rối loạn phổ tự kỷ ngày càng phổ biển với tỷ lệ chẩn đoán ở trẻ tăng lên qua từng năm ở tất cả các nước và khu vực trên thế giới.
Trên thế giới, tỷ lệ trẻ được phát hiện và chẩn đoán tự kỷ tăng một cách đáng kể. Trước đây, tỷ lệ này là 1/1.000 thì nay ở Mỹ đã tăng lên 1/68 từ 2012.
Bên cạnh thống kê sơ bộ khoảng 200 nghìn người mắc chứng tự kỷ ở nước ta, nếu áp dụng theo cách tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), con số này sẽ lên tới khoảng 500 nghìn người. PGS-TS Phạm Minh Mục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết, nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của Khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương giai đoạn 2000-2007, cũng cho thấy, thực tế số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với thời điểm bảy năm trước đó. Xu thế mắc cũng tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004-2007 so với năm 2000.
* Cũng trong ngày 19-4, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam phối hợp Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tổ chức tọa đàm “Chính sách giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, phụ huynh và giáo viên đã chia sẻ những khó khăn của trẻ tự kỷ khi tham gia học hòa nhập tại các trường học. Đồng thời, các đại biểu cũng thảo luận và phân tích những bất cập, thiếu hụt trong luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ tự kỷ, từ đó, đề xuất chính sách nhằm quan tâm, bảo vệ quyền của trẻ tự kỷ.
Theo Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập Lê Đình Tuấn, điều khó khăn đối với các trẻ tự kỷ là tại Việt Nam chưa công nhận đây là trẻ khuyết tật. Vì vậy, các em rất thiệt thòi khi không được hưởng những chính sách ưu tiên, đặc biệt là ưu tiên trong học tập. Trẻ tự kỷ đang gặp nhiều khó khăn trong môi trường học hòa nhập như thiếu kỹ năng giao tiếp, trao đổi thông tin và phản hồi với thầy cô giáo, các bạn. Các em luôn là đối tượng bị cô lập, kỳ thị hoặc bị bắt nạt…
Bác sĩ Hoàng Cẩm Tú, nguyên Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viên Nhi Trung ương, cũng cho biết, thực tế hiện nay, việc chẩn đoán về trẻ tự kỷ còn chưa thực sự chính xác. Quan niệm trẻ tự kỷ không thể học hòa nhập là một sai lầm, vì rất nhiều trẻ tự kỷ khi được học hòa nhập đã cải thiện rõ rệt.
Tại buổi tọa đàm, một phụ huynh đã chia sẻ, khi phát hiện con có sự chậm phát triển về trí tuệ, chị đã đưa con đi kiểm tra và được bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đánh giá là “rối loạn tâm trí phổ tự kỷ”, “không thể đi học hòa nhập được”. Đó thực sự là một cú sốc với gia đình chị tại thời điểm đó. Tuy nhiên, gia đình vẫn quyết tâm cho con đi học. Đến nay, cháu đã gần 10 tuổi, học lớp 4. Để có được “kỳ tích” như vậy, cháu đã được can thiệp sớm ngay từ lúc 28 tháng tuổi của các thầy cô từ Trung tâm Hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập, cũng như các giáo viên ở trường tiểu học nơi con đang theo học, đã tạo điều kiện cho việc học hòa nhập của con.
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu khuyến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng tiêu chí đánh giá cho học sinh có xác nhận rối loạn phổ tự kỷ của cơ quan y tế. Các cơ sở giáo dục tạo điều kiện cho trẻ được miễn những môn học phụ mà trẻ không thực hiện được; đồng thời, tạo điều kiện cho trẻ sử dụng các công cụ hỗ trợ như máy vi tính. Bên cạnh đó, gia đình phải cam kết phối hợp chặt chẽ với cơ sở giáo dục trong quá trình trẻ học hòa nhập. Đặc biệt, Việt Nam cần sớm hoàn thiện chính sách bảo đảm quyền phát triển của trẻ tự kỷ…
Theo Nhandan
Ý kiến ()