Giữa rừng, dựng lều học chữ
|
Em Vàng Seo Lềnh, học sinh lớp 7 Trường THCS Cư Drăm tâm sự bằng cái giọng lơ lớ, chưa thật sự rành rõi tiếng Việt: Nhà ở tận vùng rừng Yang Hanh, dưới chân dãy Cư Yang Sin, cách trường hơn một ngày đường, cho nên bố em cùng nhiều người nữa ra trung tâm xã xin dựng tạm ngôi lều này cho con ăn ở và theo học. Đã hơn hai năm rồi, trong căn lều chưa đầy 8 m2 ấy đã che mưa, che nắng cho năm em học sinh nhọc nhằn tìm cái chữ. “Cả tốp năm đứa tự túc nấu ăn, giặt giũ, sinh hoạt hằng ngày, chứ không có ai quản lý cả. Lâu lâu, đôi ba tuần mới về nhà một lần để lấy thêm lương thực và những vật dụng cần thiết” – Em Lý Văn Panh, học sinh lớp 8 và cũng là đứa lớn nhất trong nhóm nói vậy.
Nhìn đống chén bát, xoong nồi sứt mẻ, méo móp chỏng chơ, được dồn lại trong góc bếp để vội lên lớp sau bữa ăn trưa, Hiệu phó Trường THCS Cư Drăm Ngô Hữa Ba chia sẻ: Lắm khi thấy thương các em quá, nhưng không biết giúp đỡ bằng cách nào. Thỉnh thoảng ghé thăm, thầy cô trong trường mua cho mớ cá, quả bí để các em cải thiện. Nếu không, suốt cả tuần các em chỉ ăn muối ớt với cá khô, nấu canh lá hái được bên bìa rừng. Khổ vậy mà rất ít em bỏ học. Cả trường có hơn 600 học sinh, trong đó con em đồng bào người Mông có hơn 100 em từ lớp 6 đến lớp 9. Trong ba năm vừa qua, chỉ có vài em bỏ học do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (thường rơi vào năm học đầu cấp), còn lại vẫn bảo đảm sĩ số đến lớp. Thầy Ba cho biết thêm, năm học 2009-2010, từ nguồn kinh phí của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Đác Lắc, Trường THCS Cư Drăm được xây mới hai tầng, trong đó có 12 phòng học, một phòng hiệu bộ và một phòng dùng làm nơi nghỉ ngơi cho giáo viên, còn lại không lấy đâu ra không gian để bố trí thư viện, phòng chuyên môn, phòng thực hành đa chức năng… phục vụ cho công tác giảng dạy. Vì vậy, việc bố trí nơi ở cho các em trong trường không thực hiện được, mặc dù ai cũng biết việc ăn ở, sinh hoạt của các em hiện là vấn đề hết sức cần thiết.
Khó khăn nói trên cũng chưa bằng ở địa bàn xã Cư Pui, một trong những điểm nóng của “vấn nạn” di dân ngoài kế hoạch. Phó phòng GD và ĐT huyện Krông Bông Lê Xuân Quý nói rằng: “Từ một xã chỉ có hơn bốn nghìn dân của những năm 2000-2002, đến nay đã tăng lên hơn 13 nghìn dân. Dân số tăng do người từ các tỉnh thành phía bắc di cư vào đã tạo ra “gánh nặng” đáng kể cho ngành GD và ĐT ở đây”. Ngoài điểm trường chính ở trung tâm xã, ba năm qua huyện phải mở thêm sáu phân hiệu trực thuộc nữa tại các địa bàn dân cư giữa rừng; trong đó có những điểm vô cùng heo hút, mùa mưa không thể vào được như Ea Rớt, Ea Lang (xã Cư Pui). Tại những phân hiệu này, theo Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui Vũ Đình Tùng trường lớp đều được làm bằng tranh tre, nứa lá tạm bợ giống như các túp lều của các em học sinh ở Cư Drăm vậy. Khổ nhất là mùa mưa, tình trạng dột nát, tối tăm vì không có điện là nỗi ám ảnh của thầy và trò ở đây. Vì vậy mong muốn có căn phòng cấp bốn, có điện kéo vào thắp sáng là ước mơ cháy bỏng của nhiều người. Thầy Lê Hải, một trong những giáo viên có thâm niên “cắm rừng” dạy học ở Ea Rớt tâm sự, phòng học dột nát, tối tăm như thế… nhưng cũng tốt lắm rồi. Ngày dạy, đêm ngủ ở đó cũng thấy ấm lòng, còn hơn phải sống trong tình cảnh “màn trời, chiếu đất” như những ngày đầu đến đây công tác. Những phòng học kiêm luôn phòng ngủ ấy có được cũng là nhờ tấm lòng người dân. Họ cùng nhau bỏ công sức vào rừng chặt cây, cắt tranh về làm cho con em mình học hành và cũng là để cho thầy cô có nơi che mưa, tránh nắng.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới cha mẹ học sinh, các cấp chính quyền và Nhà nước sẽ có nhiều biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học của con em người dân nơi đây.
Ý kiến ()