Giữ vững vị thế đầu tàu kinh tế khu vực miền bắc
Cùng với sự phát triển của Thủ đô, 60 năm qua, ngành công thương Hà Nội đã có những bước tiến vượt bậc. Xuất phát điểm là một đô thị nghèo nàn về hàng hóa, thiếu thốn về cơ sở vật chất, đến nay Hà Nội trở thành một trung tâm công nghiệp - chế xuất lớn của cả nước, thương mại theo hướng hiện đại, năng động, rộng mở, giữ vị thế đầu tàu kinh tế của khu vực miền bắc.
Vượt qua nhiều khó khăn
Sau khi Thủ đô được giải phóng, tháng 10-1954, Hà Nội phải đối mặt những khó khăn chồng chất về kinh tế. Với nền công nghiệp nhỏ, chẳng có gì đáng kể ngoài một số xí nghiệp sửa chữa, phục vụ các công trình công cộng; hoạt động kinh tế chủ yếu là bán buôn, dịch vụ… Hà Nội từng bước chuyển dần từ một thành phố tiêu thụ sang thành phố sản xuất. Toàn bộ cơ sở công – thương nghiệp tư bản chủ nghĩa được công tư hợp doanh, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật giai đoạn mới. Từ năm 1961, nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng, một số khu công nghiệp mới được hình thành như Thượng Ðình, Yên Viên, Ðông Anh…, đưa Hà Nội trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của miền bắc. Các hoạt động thương mại trong giai đoạn này được củng cố và phát triển. Mậu dịch quốc doanh vươn lên nắm nguồn hàng, tăng cường quản lý thị trường, chống đầu cơ tăng giá. Ðến năm 1965, thương nghiệp quốc doanh chiếm lĩnh hơn 85% việc cung ứng hàng hóa trên thị trường. Mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán mở rộng với nhiều cửa hàng cung cấp lương thực, thực phẩm, chất đốt… Ðến trước năm 1986, đất nước được thống nhất, nhưng do cơ chế quản lý chưa đổi mới, nguồn viện trợ nước ngoài bị cắt giảm, dẫn đến tình trạng thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, phương tiện, thiếu cán bộ phổ biến ở các cơ sở trong ngành, ngành công thương Thủ đô phải cố gắng thực hiện mọi giải pháp để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh…
Trên đà đổi mới phát triển
Từ năm 1986 đến nay, ngành công thương thành phố không ngừng mở rộng, phát triển mạnh mẽ. Công nghiệp đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu kinh tế Thủ đô, tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng xu thế và chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hà Nội đã nhanh chóng hình thành được chín khu công nghiệp, bốn khu công nghiệp tập trung và 16 khu, cụm công nghiệp vừa và nhỏ. Thành phố từng bước sắp xếp lại sản xuất, đổi mới cơ chế quản lý theo hướng đề cao vai trò tự chủ của doanh nghiệp; đổi mới công nghệ, thiết bị, mặt hàng; tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường… Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp thời kỳ này đạt bình quân 10-15%/năm. Nhiều mặt hàng, sản phẩm công nghiệp được ưa chuộng, có khả năng cạnh tranh và đứng vững trên thị trường như dệt may, cơ khí, xe đạp…
Ðến năm 2006-2007, trên địa bàn đã có hơn 62 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Riêng năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Hà Nội đã thành lập thêm 10.900 doanh nghiệp và hàng trăm hợp tác xã hoạt động trong các lĩnh vực thương mại – dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Sự phát triển sâu rộng của khối doanh nghiệp tư nhân đã tạo việc làm cho hơn 378 nghìn lao động. Thành phố thu hút nguồn lực lớn từ vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chỉ riêng trong hai năm 2006-2007, Hà Nội là một trong ba địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng số vốn đạt 4,8 tỷ USD.
Cùng với đó, hoạt động thương mại – dịch vụ của thành phố phát triển mạnh, đa dạng các thành phần kinh tế. Thị trường ngày càng sôi động, hàng hóa phong phú, dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hệ thống bán lẻ phát triển nhanh và rộng khắp. Tổng mức bán lẻ bình quân hằng năm tăng 22%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục được giữ vững, với tốc độ tăng trưởng cao, bình quân hơn 15,4%/năm. Hà Nội có quan hệ giao thương với hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hơn 1.500 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp, đưa Hà Nội trở thành trung tâm xuất khẩu lớn, chiếm tỷ trọng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Hệ thống tín dụng – ngân hàng cũng tăng trưởng khá, ngày càng giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế Thủ đô.
Xây dựng nền kinh tế tri thức
Tháng 8-2008, địa giới hành chính của Thủ đô được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công thương mở rộng quy mô cũng như năng lực sản xuất, sắp xếp lại sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Ngành công thương đã tận dụng các lợi thế về hạ tầng để phục vụ phát triển công nghiệp, công tác quy hoạch cụm công nghiệp, bảo vệ môi trường được chú trọng hơn trước. Ðến cuối năm 2013, thành phố đã triển khai xây dựng 47 cụm công nghiệp và 60 cụm tiểu thủ công nghiệp, tổng diện tích quy hoạch lên đến 3.192 ha.
Dù giai đoạn này, kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, nhưng nhờ những giải pháp hỗ trợ kịp thời như hỗ trợ lãi suất vay vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các gói kích cầu, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo thành phố, ngành công thương vẫn có sự tăng trưởng đáng kể. Thành phố đặc biệt chú trọng khuyến khích phát triển các sản phẩm chủ lực, đưa số sản phẩm công nghiệp chủ lực từ 28 sản phẩm trước năm 2008 lên 57 sản phẩm năm 2013. Bình quân, giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2013 tăng 15,83%/năm, chiếm tỷ trọng hơn 30% trong GDP của thành phố. Ðến năm 2013, công nghiệp Hà Nội có gần 100 nghìn cơ sở sản xuất, bao gồm 131 doanh nghiệp nhà nước, 10.730 doanh nghiệp dân doanh, 410 doanh nghiệp có vốn nước ngoài FDI. Ngoài ra, còn có hơn 1.200 làng nghề thủ công và hàng chục nghìn hộ thủ công nghiệp cá thể.
Bên cạnh những sản phẩm công nghiệp thế mạnh truyền thống như: máy công cụ, biến thế, bóng đèn, săm lốp, bia, bánh kẹo…, công nghiệp Hà Nội đã có thêm nhiều sản phẩm chủ lực mới như máy in, linh kiện quang học, máy tính, ô-tô, xe máy, dây chuyền chế biến thực phẩm, đá gra-nít xuất khẩu… Giá trị hàng công nghiệp xuất khẩu từ chỗ chỉ chiếm vài %, tập trung vào hàng dệt may, thủ công mỹ nghệ, thì đến nay, đã chiếm tới 30%, gồm cả các sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng cao như: sản phẩm công nghệ thông tin, cơ khí, thiết bị điện,… Hà Nội đã có tên trên bản đồ công nghiệp toàn cầu với tư cách là trung tâm sản xuất điện thoại, máy in, máy scan văn phòng, trung tâm lắp ráp xe máy lớn của thế giới.
Lĩnh vực thương mại – dịch vụ cũng phát triển vượt bậc, đa dạng hóa các loại hình phân phối, tạo thói quen mua sắm theo hướng văn minh thương mại. Nếu như năm 2008, Hà Nội chỉ có chín trung tâm thương mại và 38 siêu thị, thì hiện nay, đã có tới 135 siêu thị và 28 trung tâm thương mại các loại. Riêng từ năm 2012 đến năm 2014 đã có tám trung tâm được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động với kinh phí hơn 42 nghìn tỷ đồng. Trên địa bàn thành phố có 418 chợ. Trong đó, phải kể đến một số chợ có quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung nguồn hàng, tiêu thụ, cung cấp hàng hóa nông sản, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng cho thị trường Hà Nội và khu vực đồng bằng sông Hồng. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trung bình khoảng 257 nghìn tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều so với trước thời điểm mở rộng địa giới hành chính. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ổn định, đạt bình quân 8.475 triệu USD/năm, mức tăng trưởng bình quân 11,8%/năm. Tính riêng sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 5.363,5 triệu USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ 2013.
Sở Công thương đã xây dựng và được thành phố phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp và Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, định hướng xây dựng Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, tri thức, trình độ khoa học – công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, một trung tâm công nghiệp công nghệ cao của cả nước, tạo nên các sản phẩm chất lượng và giá trị cạnh tranh. Ðồng thời, xây dựng và phát triển thương mại theo hướng hiện đại, đưa Hà Nội trở thành trung tâm thị trường hàng hóa bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu, trung tâm hành chính ngân hàng đầu tư ở khu vực phía bắc và có vai trò quan trọng của cả nước, với các khu trung tâm thương mại, tài chính ngân hàng, trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí, mua sắm lớn…
Dù còn nhiều khó khăn thử thách, nhưng bằng tinh thần đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, Sở Công thương thành phố sẽ cùng các doanh nghiệp, doanh nhân đưa kinh tế Thủ đô phát triển bền vững, hội nhập với khu vực và thế giới.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()